Thành phố còn chứa đựng những câu chuyện huyền hoặc về con đường, ngõ ngách, các havali, thánh đường… nép mình cạnh pháo đài cổ sừng sững.
Phóng to |
Jaisalmer tấp nập buôn bán du khách vào ban ngày - Ảnh: Trùng Dương |
Người dân gọi Jaisalmer là thành phố “mật ngọt”. Ngọt - không phải bởi vị đường ngây ngất trong những chiếc bánh sữa khoái khẩu tại đây mà bởi thành phố có màu vàng mật ong dưới sắc chiều chạng vạng. Anh Tarun - chủ khách sạn nơi tôi ở - cho biết: “Jaisalmer luôn có màu vàng đặc trưng vì toàn bộ nhà ở, công trình kiến trúc được làm từ đá sa thạch vàng. Vào mỗi thời điểm trong ngày, thành phố có những tông vàng khác nhau”.
Đặc biệt nhất vào khoảng thời gian về chiều, thành phố Jaisalmer trở nên điềm tĩnh với sắc vàng óng ả, ngọt lịm, tinh khiết tựa như mật ong. Ai một lần đến đây, tận mắt chiêm ngưỡng, sờ vào những tường thành nhuốm màu vàng mật… ắt hẳn phải ngây ngất, không quên.
Năm 2001, pháo đài cổ cùng các havali trong thành phố được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Vì vậy, vùng đất tập kết “lạc đà - lụa - đá quý” trứ danh khi xưa, trên “con đường cái quan” từ Dehli đến Ai Cập, lần nữa được đánh thức bởi sự trở lại của hàng triệu du khách khắp nơi trên thế giới.
Đến Jaisalmer chỉ bằng đường bộ
Nằm ở vị trí đặc biệt giữa sa mạc Thar rộng lớn, bạn không thể đến Jaisalmer bằng đường thủy cũng như đường hàng không vì thành phố gần nhất có sân bay là Jodhpur, cách Jaisalmer khoảng 300km.
Hầu hết du khách chọn xe lửa làm phương tiện đến thành phố “mật ngọt”. Điều đó có nghĩa bạn phải ngồi ít nhất 6 giờ trên xe lửa để đến Jaisalmer.
Trên xe lửa, cảnh vật hiện ra đa dạng, phong phú như đang xem một cuốn phim chiếu chậm. Những đàn dê đen trắng ung dung gặm cỏ, những chú nai có gạc nhảy tung tăng dọc những cụm nhà mọc thưa thớt trên nền cát đặc trưng... Con rắn sắt khổng lồ ấy mang tôi và các du khách vào sâu trong lòng sa mạc, nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn, thú vị sở tại của thành phố Jaisalmer.
Hồ Gadisar nổi tiếng, nơi cung cấp nước cho toàn bộ người dân thành phố Jaisalmer - Ảnh: Trùng Dương |
Toàn thành phố Jaisalmer dưới cái nắng gay gắt vào ban trưa - Ảnh: Trùng Dương |
Thành phố “mật ngọt”
Tôi đến thành phố “mật ngọt” vào một buổi trưa, trời đổ lửa. Mất khoảng 5 phút ngồi “autorishaw” - như xe lam ở Việt Nam - để đến cổng pháo đài. Không khỏi ngạc nhiên, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một pháo dài cổ uy nghi, tráng lệ với tường thành cao đến 76m, được làm hoàn toàn từ đá sa thạch vàng, uốn quanh thành phố.
Tôi ngây ngất một hồi trước sự vĩ đại của pháo đài, trong lòng sục sôi niềm phấn khích tiến vào trái tim của thành phố.
Pháo đài cổ Golden Fort được xây dựng vào năm 1156 từ tiền quyên góp của các thương gia giàu có trong thành phố. Chị Ali - một người dân địa phương - cho biết: “Pháo đài vững chắc gồm 99 tháp canh, bốn cổng thành và ba lớp cửa bảo vệ đã giúp người dân chống lại nạn cướp bóc thường diễn ra vào thời phồn thịnh nhất tại đây”.
Khu dân cư phụ cận bên trong pháo đài được phân định rõ theo từng nghề nghiệp, chỗ là phố của những tay buôn da lạc đà, chỗ là nơi bán lụa, vải thổ cẩm, khu đồ lưu niệm hay các hàng quán bánh kẹo… Bên trong nữa là những havali cổ - nơi ở của những thương gia giàu có và một số thánh đường của người Hindu.
Lối vào pháo đài hầu hết được lát bằng đá, rất sạch, không trơn trượt. Càng đi, độ dốc càng tăng tạo cho tôi cảm giác như leo lên ngọn đồi rám nắng. Cuộc sống người dân vẫn diễn ra bình thường bên trong pháo đài với những nếp sống quy cũ có từ hàng trăm năm nay.
Thánh đường đạo Jain đặc trưng ở Jaisalmer - Ảnh: Trùng Dương |
Một góc pháo đài, thành phố Jaisalmer vào buổi chiều tà, có màu mật ong - Ảnh: Trùng Dương |
Một góc pháo đài, thành phố Jaisalmer vào buổi chiều tà, có màu mật ong - Ảnh: Trùng Dương |
Khách sạn tôi ở là một havali có bề dày lịch sử khoảng 700 năm, cạnh một tháp canh của pháo đài. Trong havali phân ra nhiều khu vực khác nhau, đa số các gian nhà được bố trí theo hình chữ L và chỗ trống còn lại trong hình chữ nhật là khu vực giếng trời rộng lớn. Điểm xuyết trên các havali là những ô cửa, mái nhà được chạm khắc với hình dạng muông thú, dọc các bức tường có những phù điêu chạm nổi hay một số tượng có hình người phụ nữ mang nhiều trang sức.
Từ sân thượng khách sạn, có thể quan sát những ngôi nhà nhỏ, thấp tè đặc trưng của người dân bên trong và ngoài pháo đài. Toàn bộ nhà dân được xây từ đá sa thạch vàng và được kết dính bởi loại vữa đặc biệt. “Nhờ vậy, họ có thể tránh được cái nóng lên đến 50 độ C và cái lạnh âm độ thất thường trong năm”, anh Tarun kể.
Miền cổ tích
Không thành phố nào ở Ấn Độ được xây hoàn toàn bằng đá sa thạch vàng như Jaisalmer. Đến với Jaisalmer là đến với quê hương của nhiều ngôi đền đẹp, kỳ vĩ với lối kiến trúc tinh xảo mang màu sắc đạo Jain huyền bí. Tại đây vẫn còn một số thư viện lâu đời nhất của Ấn Độ, lưu giữ những tài liệu quý giá về lịch sử, những đồ tạo tác độc đáo, hiếm thấy của cộng đồng Jain. Những đền thờ của người Hindu có lối kiến trúc mộc mạc hơn, nhưng tinh xảo và không kém phần đặc sắc.
Cách thành phố không xa là khu vực hồ nước Gadisar nổi tiếng với nhiều cánh quạt gió khổng lồ, nơi đã cung cấp nước cho 78.000 dân trong suốt hàng trăm năm qua. Nếu không có Gadisar, Jaisalmer ắt hẳn bị xóa sổ từ lâu trong tấm bản đồ thành phố Ấn Độ bởi những cơn bão cát sa mạc dữ dội.
Hoạt động người dân trong thành phố cổ Jaisalmer vào ban ngày - Ảnh: Trùng Dương |
Một góc bên trong thành phố Jaisalmer về đêm - Ảnh: Trùng Dương |
Jaisalmer tấp nập buôn bán du khách vào ban ngày - Ảnh: Trùng Dương |
Về đêm, Jaisalmer trở nên huyền bí với những con hẻm nhỏ, hun hút. Các hoạt động buôn bán vẫn diễn ra đến tận khuya, người dân vẫn đi dọc những con đường bên trong pháo đài nhưng ngặt nỗi bầu không khí của thành phố yên tĩnh đến lạ kỳ. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài du khách đang lang thang, đắm chìm trong cái mê cung ngõ ngách, tận hưởng cái bí hiểm về đêm dưới ánh đèn đường le lói của khu phố cổ.
Vào buổi tờ mờ sáng, trong khách sạn, tôi nghe đâu đó vọng lại những tiếng kinh cầu du dương, chứng kiến “trái châu đỏ” đang dần dần nhú lên từ lớp cát dày của sa mạc. Không còn gì tuyệt vời hơn khi được dùng bữa sáng (lát bánh mì bơ nướng thơm phức cùng ly cà phê lạnh rất đặc trưng của Ấn Độ) trong cảnh sắc và âm thanh như thế.
Ánh sáng của ngày mới bắt đầu len lỏi vào những ô cửa sổ của thành phố, xuyên qua pháo đài phủ khắp các con đường. Cảnh tượng thường thấy vào mỗi sáng là những cụ già ngồi trước cửa, nói chuyện huyên thuyên bên ly trà nóng. Thỉnh thoảng, đâu đó những con bò đang nhai đi nhai lại mớ cỏ khô, nhìn đoàn người qua lại bằng con mắt lờ đờ buồn ngủ.
Nếu thuận lợi về thời tiết và sức khỏe, bạn có thể thực hiện những chuyến hành trình vào vùng sa mạc Thar trên lưng lạc đà để nhìn ngắm hoàng hôn, ăn những món ăn dân dã của người địa phương và đắm mình trong những bản nhạc khiêu vũ dân gian.
Hoạt động người dân trong thành phố cổ Jaisalmer vào ban ngày - Ảnh: Trùng Dương |
Một góc bên trong thành phố Jaisalmer về đêm - Ảnh: Trùng Dương |
Rời khỏi Jaisalmer trong buổi chiều chạng vạng. Trên xe lửa, trong lòng tôi chất chứa những cảm giác khó tả. Nhưng ắt hẳn ngày nào đó, tôi sẽ quay lại vùng đất huyễn hoặc này để lần nữa đắm chìm trong cái nóng của sa mạc, cái bụi của cát và trải nghiệm những điều tuyệt vời tại đây.
Hãy thử một lần đến Jaisalmer, tôi chắc bạn sẽ không bao giờ quên được thành phố “mật ngọt” này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận