04/04/2016 09:01 GMT+7

Những ngày nóng bỏng ở Sông Thu

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TTO - Để bảo vệ chủ quyền, nhiều tàu cá, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam đã được huy động để ngăn chặn, thậm chí đối đầu với hàng trăm tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc.

Phần vỏ tàu kiểm ngư 951 bị rách toác sau cú đâm va với tàu Trung Quốc đang được các công nhân, kỹ sư của Sông Thu xử lý gia cố - Ảnh: Đ.Nam
Phần vỏ tàu kiểm ngư 951 bị rách toác sau cú đâm va với tàu Trung Quốc đang được các công nhân, kỹ sư của Sông Thu xử lý gia cố - Ảnh: Đ.Nam

Ngày 1-5-2014, Trung Quốc kéo giàn khoan khổng lồ HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền, nhiều tàu cá, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam đã được huy động để ngăn chặn, thậm chí đối đầu với hàng trăm tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc. Thế rồi va chạm trên biển đã xảy ra.

Và trong những tháng ngày đó, ở đất liền, đại bản doanh của Tổng công ty Sông Thu nằm bên vịnh Đà Nẵng thơ mộng đã trở thành một “bệnh viện” khổng lồ nhằm sửa chữa cấp tốc những con tàu vừa trở về từ “mặt trận”.

“Thần tốc” ngày lẫn đêm

Trong ký ức của những công nhân, kỹ sư tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu, khi nhắc đến câu chuyện giàn khoan HD-981 (hay theo cách gọi của cánh lính ở nhà máy này là chiến dịch CH-14) ai nấy đều “rùng mình” nhưng đầy phấn khích.

Đó là những tháng ngày mà cả nhà máy này phải hoạt động đến 200% công suất. Toàn bộ công nhân không có ngày nghỉ, tất cả đều làm tăng ca 24/24 giờ. Cả khu vực cảng Thọ Quang khi ấy đèn sáng rực ngày lẫn đêm. Những ánh chớp của que hàn, máy cắt lóe sáng liên tục ngày này qua tháng nọ để những con tàu sớm được ra khơi.

Anh Hồ Văn Thiên, giám đốc Xí nghiệp vỏ tàu số 3 - Công ty Sông Thu, kể lại rằng ngày đó tất cả gần 1.000 công nhân đều xông ra làm việc. Những con tàu trở về từ “mặt trận 981” rách bươm, lập tức được đưa ngay vào cầu cảng để đo vẽ, cắt thép và hàn gắn cấp tốc. “Ngày đó cả khu vực cầu cảng này như một đại công trường.

Tất cả cán bộ, kỹ sư chủ lực của đơn vị đều được huy động. Cao điểm nhất là trong 15 ngày đầu tháng 5-2014, mỗi ngày có 3-4 con tàu đầy thương tích trở về bến cảng. Nhìn bộ dạng những con tàu không còn nguyên vẹn ấy mà lòng căm phẫn lắm. Thương đồng đội, anh em cảnh sát biển, kiểm ngư nhưng cũng xót xa vì đó là tài sản của Tổ quốc, nhân dân bị phá hoại” - anh Thiên nhớ lại.

Còn kỹ sư Trần Ngọc Hưng, tổ phó tổ vỏ tàu 3, kể lại mình không cầm được nước mắt khi thấy con tàu CSB 2016 “ngất ngư” trở về bờ.

“Con tàu bị một nhóm tàu Trung Quốc ép, tấn công tàn bạo làm mạn phải thủng bốn lỗ lớn, trong đó có lỗ thủng chỉ cách mép nước chưa đầy 40cm khiến nước tràn vào khoang tàu. Ngoài ra, tàu còn hư hỏng thêm 7m lan can tàu, ống thông hơi và ống dầu đều bị gãy tan tành” - anh Hưng kể.

Tương tự, con tàu kiểm ngư 951 sau nhiều ngày đối mặt với tàu Trung Quốc phải quay về đất liền vì bị thương rất nặng. Để tránh không cho nước tràn vào, các kiểm ngư viên phải dùng đến áo mưa, chăn nệm bịt kín để vào bờ. Ngay khi cập cầu cảng, tàu 951 lập tức được đưa vào xưởng để cắt bỏ phần vỏ hư hỏng. Đúng một tuần sau con tàu 951 nhận lệnh trở lại “mặt trận”.

Dẫn chúng tôi ra cầu cảng, nơi một con tàu cảnh sát biển đang lên đà làm mới, anh Thiên kể rằng nơi đây anh và nhiều công nhân khác đã phải vất vả hàng tháng trời.

“Chúng tôi ăn cơm hộp, uống nước bình ngay cầu cảng để thi công cho kịp ngày tàu nhận lệnh trở lại mặt trận. Dưới cái nắng hầm hập, việc chui trong khoang hầm tàu để hàn là điều không đơn giản, nhưng tất cả vì Tổ quốc nên anh em không nề hà, làm đến kiệt sức mình. 100% công nhân chia ba ca... cứ thế liên tục xoay vòng cho đến sáng hôm sau” - anh Thiên nói.

Anh Hưng kể tốc độ sửa chữa tàu những ngày đó diễn ra chóng vánh chưa từng có, thậm chí tàu vừa về bờ là lên phương án sửa chữa ngay trong đêm. “Tàu vào bờ là anh em lao vào đo, vẽ lên phương án bất kể ngày đêm. Chúng tôi làm tất cả để con tàu quay lại biển một cách nhanh nhất. Nhà tôi ở cách đây chưa đầy 10km nhưng cuối tuần mới tranh thủ về thăm một lúc rồi lại đi” - anh Hưng kể.

Tàu cảnh sát biển CSB-4033 bị hư hại nặng do tàu Trung Quốc đâm, đang được các công nhân ở Tổng công ty Sông Thu sửa chữa khẩn cấp để ra khơi - Ảnh: Tấn Vũ
Tàu cảnh sát biển CSB-4033 bị hư hại nặng do tàu Trung Quốc đâm, đang được các công nhân ở Tổng công ty Sông Thu sửa chữa khẩn cấp để ra khơi - Ảnh: Tấn Vũ

 

Không cân đo với Tổ quốc...

Đại tá Hà Sơn Hải, tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu, kể rằng đó là những tháng ngày gian nan nhất, nhưng cũng là thời điểm mà tinh thần lao động của toàn bộ đơn vị được đẩy lên cao nhất. Họ lao động hăng say với lòng quyết tâm y như trong thời chiến. Trong 71 ngày đêm đó, Nhà máy X50 và xưởng đóng mới tàu của tổng công ty đã sửa chữa gần 100 lượt tàu các loại do hỏng hóc vì bị tàu Trung Quốc đâm va.

Và một quyết định ngay trong những ngày nóng bỏng đó của vị “tư lệnh” Sông Thu, mà sau này chính ông cũng thừa nhận đó là một quyết định liều lĩnh: việc sửa chữa tàu mà không cần lên “dự toán tiền bạc”. Sau này chính quyết định đó của ông đã được Bộ Quốc phòng đánh giá cao và được Nhà nước trao tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc.

“Khi sự kiện giàn khoan diễn ra được bốn ngày, đã có một số tàu cảnh sát biển hư hỏng được lệnh của chỉ huy cho rút về bờ sửa chữa gấp. Thấy tình hình ngoài ấy căng quá, tôi hội ý gấp với ban lãnh đạo rồi ra ngay một quyết định yêu cầu làm, sửa chữa tất cả tàu về bờ bằng mọi giá. Nhà máy phải đáp ứng vô điều kiện để những con tàu ấy nhanh chóng trở lại mặt trận 981. Tất cả tàu khi làm xong, thuyền trưởng chỉ việc ký vào biên bản “đã xong sửa chữa” thì cứ thế nhổ neo ra khơi, không cần phải lên kế hoạch hay lập dự toán theo quy trình như trước đây” - ông Hải kể.

Ông Hải lý giải nếu ngày đó con tàu chậm một ngày thì gian nguy, áp lực đè cho các con tàu khác ngoài thực địa nặng thêm một ngày. Tổ quốc rất cần những con tàu cảnh sát biển, kiểm ngư hiện diện ngoài đó. Nếu mình làm theo quy trình, thủ tục như phải lên phương án, lập dự toán thì chắc chắn mọi thứ sẽ dồn ứ và chậm tiến độ.

“Tất nhiên khi chúng tôi quyết định như vậy thì áp lực về tài chính cũng khá đè nặng lên vai doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh đầy kịch tính như vậy, nếu mình cứ bày ra thủ tục rườm rà thì đất nước sẽ còn lâm nguy” - đại tá Hải chia sẻ.

Anh Hồ Văn Thiên nhớ lại: “Chính nhờ quyết định “xé rào” đó mà anh em bung hết sức để hoàn thành công việc. Cái khó nhất khi ấy là vật tư cho việc sửa chữa tàu. Những loại thép đặc chủng muốn có phải đặt hàng từ nước ngoài ít nhất 45 ngày. Nhưng khi ấy sau khi đo vẽ xong, bộ phận vật tư nhấc máy alô cho những cơ sở đóng tàu uy tín ở Hải Phòng nhờ họ chi viện. Vậy nên chỉ vài ngày sau là có” - anh Thiên nói.

Ngay sau khi chiến dịch CH-14 kết thúc, trong một lần ra Hà Nội báo cáo công việc với Tổng cục Công nghiệp - quốc phòng (Bộ Quốc phòng), thiếu tướng Lâm Trọng Đông - chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - đã hỏi anh Thiên một câu hỏi đại ý rằng: “Cảm giác của anh như thế nào trong những tháng ngày đó?”.

Và anh Thiên vẫn còn nhớ như in câu trả lời với vị lãnh đạo cấp cao của mình rằng: “Nhìn một con tàu lành lặn ra khơi ngày ấy là cả tấm lòng của hậu phương, nhân dân gửi vào đó. Khi tất cả vì Tổ quốc thì chẳng ai, kể cả anh em Sông Thu chúng tôi lại cân đo đong đếm bao giờ...”.

Những chiến hạm hiện đại số 1 của Hải quân Việt Nam khi qua tay những người thợ ấy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, oai hùng hơn khi ra biển lớn. Đó chính là xưởng đóng tàu X50.

______________

Kỳ tới: ​Làm mới những vị vua

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp