Tàu cá của ngư dân ở Thọ Quang treo khẩu hiệu hòa bình bằng tiếng Trung Quốc, thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép - Ảnh: HỮU KHÁ
Với ngư dân bọn tôi, lần đầu tiên ra khơi mà chuyện cá mú lại trở thành thứ yếu. Ai cũng ý thức được trọng trách khẳng định chủ quyền đặt trên vai mình
Ngư dân LÊ VĂN LỢI
Tất cả cùng hăng hái lao vào vùng biển nóng để đánh bắt, giương cao ngọn cờ khẳng định chủ quyền.
Mùa biển nóng bỏng
Đứng trêntàu đang nằm chờ ăn nước đá ở , lão ngư Lê Văn Lợi (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chầm chậm phóng tầm mắt ôm trọn cảng cá rồi nhớ lại những ngày này cách đây bốn năm:
"Đời đi biển, tôi chưa bao giờ thấy căng thẳng như đợt đó. Tàu kiểm ngư, cảnh sát biển liên tục bị tàu Trung Quốc đâm va đã đậu kín cầu cảng này chờ sửa chữa. Với ngư dân bọn tôi, lần đầu tiên ra khơi mà chuyện cá mú lại trở thành thứ yếu. Ai cũng ý thức được trọng trách khẳng định chủ quyền đặt trên vai mình".
Trong ký ức của những người có dịp ở Thọ Quang thời điểm ấy, đó là những ngày cờ đỏ, cờ xanh bay phần phật kín vùng mặt nước vịnh Đà Nẵng.
Với ông Lợi, đó là lần đầu tiên tàu ông ra khơi với lá cờ xanh có in dòng chữ "Việt Nam hòa bình" cùng đôi chim hải âu vỗ cánh bay trên sóng biển phấp phới mong muốn thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình.
Những ngày ấy, cả nước hướng về vùng nước nóng bỏng này. Từ đây hàng chục con tàu của lực lượng chức năng gồm các biên đội tàu kiểm ngư, cảnh sát biển lên đường làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan.
Cùng với đó là đội tàu cá hùng hậu của các tỉnh miền Trung hừng hực khí thế ra khơi đánh bắt như một lời khẳng định sẽ không chùn bước trong công cuộc khẳng định chủ quyền trên biển. Nhiều thời điểm đoàn thuyền lũ lượt ra khơi làm thành một vệt dài trên con nước.
Mọi khi vừa ra khỏi vịnh Đà Nẵng, tàu của ngư dân Võ Văn Nhi (Quảng Ngãi) lại "bẻ kim 45 độ hướng bắc" lên vịnh Bắc Bộ, nhưng đợt ấy cũng như đa số ngư dân ở Thọ Quang, tàu anh Nhi thay đổi đường đi để góp mặt trên vùng khai thác cá ở bắc .
Anh em đi tàu cá nào cũng muốn qua đó xem "mồm ngang mũi dọc" của giàn khoan Trung Quốc thế nào. Vậy mà hai lần góp mặt trong "trận chiến" bảo vệ chủ quyền tháng 5 và 6-2014, những ngư dân mới chỉ được nhìn thấy chóp đỉnh giàn khoan bởi sự truy đuổi ráo riết của đội tàu Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài.
Với anh Nhi, vẫn còn đó những phút giây ám ảnh mãi cho đến nay khi chứng kiến cảnh tượng các con tàu sắt lớn của cảnh sát biển, kiểm ngư bị đâm va trở về trong trình trạng "thương tích". Nhưng đó cũng là thời điểm hiếm để anh chứng kiến đủ loại tàu bè trong nước nhộn nhịp trên ngư trường Hoàng Sa.
"Nếu nói mọi người ra khơi lúc đó không sợ là không đúng. Nhưng anh em không ai có ý định chùn bước vì còn đó bà con mình trên biển và hơn hết là mình tin vào quyền và công lý của dân mình" - anh Nhi giãi bày.
Tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Đà Nẵng) bị đâm chìm được đưa về cảng Thọ Quang - Ảnh: TR.TRUNG
Chứng tích can trường
Khi nhắc đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép , mọi người đều nhớ ngay tới con tàu ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị đâm chìm khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa ngày 26-5-2014.
Đã bốn năm từ cái ngày kinh hoàng ấy, con tàu ra đi từ Thọ Quang nay lại trở về "yên nghỉ" đúng nơi xuất phát.
Tại thời điểm sục sôi ấy, người ta ví mỗi chiếc tàu tiến ra khơi là một cột mốc sống của chủ quyền Việt Nam trên biển. Bến Thọ Quang nhộn nhịp hơn hẳn khi những tàu cá ra khơi được đông đảo vợ con và người thân ngư dân đến động viên.
Mỗi con tàu trở về, bà con xúm lại chia sẻ. Câu hỏi cửa miệng lúc bấy giờ là "có đụng tàu Trung Quốc hay không?".
Và rồi khi con tàu ĐNa 90152 TS được kéo về Thọ Quang, mọi con mắt xót thương, giận dữ đều đổ dồn lên phần cabin còn nổi trên mặt nước.
Bà Hoa khóc nức nở với khối tài sản hàng tỉ đồng của mình. Quanh đó là tiếng khóc thút thít của những người phụ nữ khác có chồng, con đang tham gia đánh bắt trong vùng biển hạ đặt giàn khoan phi pháp mà chưa trở về lại cảng.
"Đến bây giờ nhìn lại tôi vẫn thấy biết ơn những người trên bến cảng Thọ Quang hôm nào. Đi qua tàu cá nào cũng nhận được những ánh mắt căm phẫn nhưng khích lệ của anh em ngư dân. Đời của họ ra khơi chỉ mong mang cá tôm vào bờ chứ có ai muốn mang xác tàu vào bến đâu" - bà Hoa nhớ lại.
Chiếc tàu ĐNa 90152 TS
Khi chúng tôi tháp tùng đoàn phóng viên quốc tế đến ghi hình sự việc tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm, phóng viên Manabu Sasaki (báo Asahi Shimbun, Nhật Bản) đã nói rằng đây là giây phút can trường và xúc động nhất ở cảng cá này.
Là người trực tiếp chứng kiến các tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào các tàu Việt Nam trên biển, anh Manabu Sasaki cho rằng ngư dân ở đây rất dũng cảm khi dám ra khơi đánh bắt ở những điểm nóng.
Cũng theo anh Manabu, ở những nơi xảy ra tranh chấp trên biển của Nhật Bản với các nước khác, ngư dân được chính phủ khuyến khích hạn chế đánh bắt.
Giờ đây, con tàu biểu tượng cho sự can trường của ngư dân miền Trung đã được thay thế bằng một con tàu hơn 1.000 mã lực nhờ sự chung tay của những tấm lòng trong và ngoài nước.
Những người trên con tàu ĐNa 90152 TS năm nào lại mạnh mẽ bẻ lái vươn khơi ra vùng biển quê nhà.
Trưng dụng đất để trưng bày tàu ĐNa 90152 TS
Ông Lê Phú Nguyện, chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết dự định ban đầu của thành phố là đưa con tàu ĐNa 90152 TS vào trưng bày khi có Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa) xem như là một chứng tích cho quá trình đấu tranh giành lại Hoàng Sa.
Tuy nhiên do diện tích nhà trưng bày có hạn nên không thể trưng bày nguyên bản con tàu này tại đây được.
Tại buổi làm việc với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng tháng 4-2018, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã thống nhất trưng dụng 500m2 đồn biên phòng quận Sơn Trà (cạnh Nhà trưng bày Hoàng Sa) để làm nơi trưng bày con tàu lịch sử này.
TTO - Có lẽ là người duy nhất trong số các chủ tịch hội nghề cá trên cả nước không là người ở chốn quan trường, ông là người dám nói dám làm và vô cùng "tình cảm" với những rủi ro, mất mát cũng như nỗi đau của ngư dân trên biển.
>> Kỳ tới: Thế hệ tàu cá ngàn mã lực
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận