05/06/2024 12:40 GMT+7

Những ngả đường du học trở về - Kỳ cuối: Đồng hành với những dự định du học

Trần Bạch Dương, từng du học ở Úc và Anh, giờ là đồng sáng lập Together We Grow - một dự án mentoring đồng hành cùng các bạn học sinh THPT khai phá bản thân và apply học bổng bậc đại học.

Trần Bạch Dương nhận giải Sinh viên của năm dành cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất của ngành - Ảnh: NVCC

Trần Bạch Dương nhận giải Sinh viên của năm dành cho sinh viên có kết quả học tập cao nhất của ngành - Ảnh: NVCC

Dương tốt nghiệp Đại học RMIT ngành truyền thông, trong đó có 1,5 năm học tập và làm việc tại RMIT Melbourne (Úc). Sau 5 năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực marketing, cô tiếp tục du học thạc sĩ Digital Marketing ở Anh với học bổng 100%. Hiện tại, Dương đang làm chuyên viên marketing tại Đại học Oxford.

Dự án dành cho học sinh THPT

Từng học cả trong nước và nước ngoài, có những đúc rút khác nhau về môi trường học tập, làm việc và tự hoạch định con đường đi của riêng mình, Dương ở trong số những người trẻ bước ra thế giới với tâm thế tự tin. Và với cô việc đi - về không phải vấn đề lớn nữa mà điều quan trọng hơn là công việc nào cô thấy có ý nghĩa, cách làm nào có thể giúp cho mình và cho nhiều người cũng bắt đầu điểm xuất phát như cô đã từng.

Đó là lý do Dương cùng một du học sinh khác đang làm việc ở Anh lập dự án Together We Grow. Như tên gọi của dự án, cô và cộng sự muốn đồng hành với các bạn trẻ ở Việt Nam để "lớn lên cùng nhau", cùng nhau thay đổi và khẳng định bản thân.

Trong quan sát của Dương, có những người trẻ đi du học vì sự sắp đặt của cha mẹ với mong muốn "có tương lai tốt hơn", còn tốt như thế nào thì chưa rõ. Cũng có những người coi du học là sự đầu tư. Bỏ một khoản tiền lớn, đi học và đổi lại là có một vị trí công việc, một cơ hội sống tốt. Khi không có mục đích rõ ràng, nhiều bạn trẻ có thể bị sốc cả lượt đi và ngày trở về.

Từ trải nghiệm của chính mình, Dương chia sẻ cùng một số bạn trẻ khác cũng như cô chọn du học để trải nghiệm ở môi trường mới, mở rộng tầm nhìn, có thêm mối quan hệ, hiểu biết về nền văn hóa khác, chứ không đơn thuần là đi học để thu nạp kiến thức về một lĩnh vực ngành nghề. Dương cho rằng những bạn biết mình cần gì khi đi du học thì cũng sẽ biết mình nên lựa chọn thế nào trong thời gian học tập ở nước ngoài cũng như sau khi học xong.

Dự án Dương và cộng sự vận hành cũng hướng đến mục đích giúp các bạn vừa học xong phổ thông ở Việt Nam "hiểu mình cần gì".

Trong một năm vận hành dự án, Dương có thêm 10 cộng sự. Trong số đó có những người đã đi làm, có người còn là sinh viên đang làm việc, du học ở các nước khác nhau. Họ làm việc với nhau, trao đổi, training cho học sinh, thậm chí lắng nghe cả những tâm sự riêng tư nhất, và tất cả đều qua môi trường mạng.

Đồng hành với khoảng 50 học sinh khóa học định hướng và xây dựng hồ sơ Apply đại học, tổ chức khoảng 10 workshop online miễn phí cho hơn 200 học sinh ở Việt Nam - đó là công việc nhóm Dương đã làm trong khoảng gần một năm qua.

Cách nhóm Together We Grow làm là phân công mỗi học sinh có một người hướng dẫn chính và một người hỗ trợ. Ngoài ra, Dương và cộng sự kết nối với cộng đồng du học sinh ở nhiều nơi để vừa hỗ trợ thông tin vừa tập cho các em học sinh kỹ năng tự tìm kiếm, thiết lập các mối quan hệ cần thiết cho môi trường các em dự định sẽ đến.

Học sinh tham gia khóa học của dự án có các buổi học tập trung theo lớp và các buổi tư vấn 1-1. Các em được đồng hành trong quá trình tìm hiểu khám phá bản thân qua hệ thống bài tập, thực hành. Người hướng dẫn, hỗ trợ sẽ thường xuyên trao đổi, lắng nghe các chia sẻ của các bạn học sinh và đứng sau các bạn trong việc xây dựng kế hoạch cho bản thân.

Con số học sinh được nhóm Dương đồng hành chưa nhiều, nhưng khối lượng công việc của nhóm rất lớn vì mong muốn có thể hỗ trợ được nhiều nhất. Ngoài công việc ở Đại học Oxford, Dương tranh thủ mọi thời gian có thể cho việc đồng hành với các em học sinh.

Nhiều khi những ca nghỉ của Dương rất ngắn, bữa ăn ngay tại bàn làm việc. Cô chia sẻ món quà cô nhận lại được chính là những phản hồi của các bạn học sinh về sự thay đổi của bản thân sau khóa học.

Giao diện buổi trao đổi online của nhóm Dương với các bạn học sinh phổ thông ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

Giao diện buổi trao đổi online của nhóm Dương với các bạn học sinh phổ thông ở Việt Nam - Ảnh: NVCC

"Gọi vốn" đầu tư vào bản thân

Trong một chia sẻ của Dương với các bạn học sinh tại khóa học, Dương gọi việc apply học bổng là một cách "gọi vốn" cho bản thân và cho rằng để "gọi vốn" hiệu quả cần tinh thần dám nói, dám làm, dám hành động.

Và theo Dương, những nhà "rót vốn đầu tư" - cấp học bổng cho các bạn trẻ hoặc tuyển dụng sau khi họ tốt nghiệp - sẽ nhìn vào ba yếu tố: sự đam mê hoặc một mối quan tâm đặc biệt, năng lực bản thân và khả năng lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng. Tiếp đến là tầm nhìn thể hiện việc các bạn muốn làm gì trong tương lai, cũng như có kế hoạch thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Dương chia sẻ: "Những gì team Together We Grow chia sẻ với các bạn học sinh không chỉ là cách "gọi vốn" để tìm kiếm học bổng du học mà khi các bạn thực hành được những gì chúng tôi tư vấn, các bạn có thể hiểu hơn về bản thân mình, biết mình có gì, muốn gì và nên hành động như thế nào. Và với hành trang đó, việc du học, việc ở lại nước ngoài hay trở về với các bạn sẽ thuận buồm xuôi gió hơn".

Dương kể thêm: "Không phải tất cả các bạn được nhóm tư vấn đều khoác ba lô lên đường, đã có những bạn sau khi tham gia khóa học đã quyết định tạm chưa du học, mặc dù gia đình thúc ép hoặc bản thân cũng từng đặt mục tiêu phải du học. Tôi thấy vui vì điều này, vì mục đích của nhóm dự án không phải khích lệ các bạn du học bằng mọi giá".

Trong quá trình đồng hành cùng các bạn học sinh, Dương và team Together We Grow đã lắng nghe các bạn chia sẻ câu chuyện của riêng mình. Có những bạn xung đột về quan điểm với cha mẹ, có bạn muốn du học nhưng tài chính không cho phép, có bạn chưa hiểu mình thích hợp với lĩnh vực nào.

Có những bạn gặp biến cố trong cuộc sống và đang phải khó khăn để vượt qua. Những câu chuyện đã đưa Dương cùng nhóm đi xa hơn dự định lập dự án ban đầu, và Dương càng thấy công việc mình đã dấn bước vào nhiều ý nghĩa.

Đồng thời, Dương cũng học được nhiều điều từ trải nghiệm của mình khi vận hành dự án, để có cơ sở mong ước và thực hiện những dự định mới mẻ hơn.

Chọn cách đồng hành với các bạn trẻ sau mình là một cách Dương trở về.

Đừng mất kết nối với bản thân

"Thế giới này sẽ luôn có thật nhiều "tiếng ồn" khiến các bạn trẻ cảm thấy mình thật bé nhỏ. Sẽ có những thứ được tung hô hơn những thứ khác, có những điều các em cho là bất công nhưng vẫn xảy ra hằng ngày. Để định hướng được trong thế giới này, em không được mất kết nối với bản thân.

Hãy nhớ giá trị cốt lõi sẽ là thứ định hướng hành động, giúp các em đưa ra lựa chọn trong những tình huống khó khăn. Hiểu bản thân sẽ giúp các em tìm ra được lợi thế cạnh tranh, biết mạnh mẽ vượt qua "self-doubt" - nghi ngờ năng lực và tự tin đi trên con đường của chính mình. Điều này không dễ và cần luyện tập", Trần Bạch Dương chia sẻ với các bạn.

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 7: Thất bại và bài học trở vềNhững ngả đường du học trở về - Kỳ 7: Thất bại và bài học trở về

Có những người đi du học trở về tái hòa nhập được với môi trường làm việc trong nước. Nhưng thực tế cũng có nhiều người đã gặp khó khăn, thậm chí nặng nề như chính họ nói là 'thất bại trên sân nhà'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp