Linh An từng là một du học sinh được đào tạo tại New York (Mỹ) đã lựa chọn trở về để bắt đầu một hành trình mà cô biết trước sẽ khó khăn, cô đơn để đưa Theatre Jazz Dance về Việt Nam.
Ra khỏi "vùng an toàn"
Linh An là trường hợp đặc biệt từng có quãng thời gian học phổ thông ở London (Anh) khi cô theo cha mẹ chuyển đến đây vì yêu cầu công việc của cha.
Chương trình phổ thông mà cô theo học khá mềm dẻo cho phép học sinh được lựa chọn một số môn học chuyên ngành phù hợp với sở thích, khả năng. Linh An chọn lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với hai chuyên ngành ngôn ngữ và dance.
Đây là quãng thời gian cô tiếp cận nhiều hơn với múa đương đại, ballet. Nhưng bắt đầu tới năm lớp 11, cô quay về Việt Nam cùng cha mẹ. Cô được cha mẹ chọn cho một trường THPT công lập để học tiếp.
Cô chấp nhận "vùng an toàn" mà gia đình đã lựa chọn cho mình nên đã bắt đầu một hành trình thuận theo những lựa chọn rất truyền thống và thực tế là tốt nghiệp THPT, thi vào một trường đại học công lập trong nước có uy tín và chọn một ngành cũng có nhiều lợi thế là tiếng Anh thương mại.
"Tôi tốt nghiệp đại học sớm hơn dự kiến và bắt đầu cuộc trải nghiệm với nhiều công việc khác nhau như làm phiên dịch, dịch thuật, giáo viên, tổ chức sự kiện...
Nhưng tôi không thấy gắn bó với công việc nào. Sự buồn tẻ trong những công việc tôi làm đã bào mòn dần năng lượng trong tôi", Linh An nói về quãng thời gian trước khi quay lại với nhảy múa. Nhưng cô cũng cho rằng "cuộc thử nghiệm với các nghề" có ý nghĩa cho quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn để đến với thứ mình đam mê.
Trong lần sang New York, khi xem nhạc kịch Broadway, Linh An bị hút hồn bởi những màn vũ đạo có kỹ thuật ballet nhưng lại phá cách, kết hợp với những bước jazz truyền thống.
Linh An kể thời học phổ thông ở Anh, cô mới chỉ chạm nhẹ vào giấc mơ khi tham gia biểu diễn cho dự án Swanning Around 2010 của Đoàn múa quốc gia Anh tại London và World Expo 2010 tại Thượng Hải.
Phải tới khi đến New York, cô mới bắt đầu dấn sâu vào khám phá bộ môn nhảy có tên Theatre Jazz Dance (vũ đạo jazz mang phong cách nhà hát nhạc kịch). Gác lại công việc đang có, cô lên đường du học.
Trở về
Trong hai năm vừa học vừa làm để theo đuổi niềm đam mê của mình, Linh An có thể tiếp tục ở lại thành phố New York. Cô chia sẻ ở lại sẽ có những người thầy, người bạn, cộng sự để được hỗ trợ khi theo đuổi Theatre Jazz và có thể hít thở cùng Theatre Jazz ngay tại cái nôi nhạc kịch Broadway. Nhưng cô đã chọn trở về.
Linh An nhớ lại: "Ở Việt Nam thời điểm tôi về, Theatre Jazz còn xa lạ với nhiều người cả trên sân khấu chuyên nghiệp lẫn trong đời sống. Nhạc kịch vẫn là bộ môn khá kén người xem, chưa kể đến Theatre Jazz còn xa lạ hơn. Sẽ khó khăn để tôi tiếp tục đam mê nhưng điều đó cũng hấp dẫn tôi. Tôi muốn đi một con đường riêng".
Khi mới về nước, Linh An đi diễn, làm biên đạo và có thể kiếm tiền trang trải cho mình, nhưng rồi cô nhận ra để đi đường dài trong việc lan tỏa một cái mới mẻ ở Việt Nam, phải bắt đầu từ giáo dục. Cần có nhiều người hơn hiểu về Theatre Jazz, yêu thích nó thì cũng mới có nhiều người bước vào nhà hát để xem nhạc kịch với những vũ điệu Theatre Jazz.
Năm 2019, Linh An cùng một người bạn là Johnson Brock lập một diễn đàn về Theatre Jazz mang tên Theatre Dance Vietnam (TDV). Nhóm của cô đã tổ chức chuỗi workshop chuyên về dòng nhảy này tại Hà Nội vào mùa hè năm đó. Bất ngờ là chuỗi workshop đã thu hút được hơn 100 học viên trong 6 buổi giảng dạy. Nhiều người sau đó tiếp tục đăng ký tham gia biểu diễn cho show vũ đạo của TDV. Từ chỗ tham gia vì tò mò, không ít người đã cuốn theo Theatre Dance.
"Điều tôi thấy ý nghĩa nhất là giúp nhiều người, từ trẻ em đến những người có tuổi tiếp cận một bộ môn nghệ thuật có thể giúp họ giải phóng hình thể, thoát khỏi sự tự ti về hình thể, sự e dè trong việc thể hiện mình trước đông người và dung nạp năng lượng tích cực, cảm xúc tươi mới cần cho chất lượng cuộc sống", Linh An nhớ lại.
Chọn cách lùi lại để lan tỏa
Trò chuyện với Linh An về Theatre Jazz, nhiều lần cô gái nhỏ nhắn này nhắc đến Theatre Jazz như một "lối sống" chứ không chỉ là bộ môn nghệ thuật thuần túy và để ngấm điều đó, cần phải đi một chặng đường dài để đủ hiểu, thẩm thấu.
Sau chuỗi workshop, cô bắt đầu chú tâm vào việc mở rộng cộng đồng Theatre Jazz. Những thước phim, hình ảnh của cô đắm chìm trong vũ điệu mới mẻ, phong cách được mạng xã hội chia sẻ nhiều.
Các nhà hát, trung tâm nghệ thuật tìm đến cô. Linh An đã có thể bước chân vào showbiz. Nhưng cô lại chọn một hướng đi khác, thầm lặng hơn: tổ chức các lớp học và trực tiếp chia sẻ về Theatre Jazz cùng dạy vũ đạo cho cả trẻ em và người lớn.
Cô cũng giúp một số trường học tổ chức các câu lạc bộ, giúp học sinh các trường dàn dựng nhạc kịch. Cô kết nối để học viên của mình tham gia các chương trình nghệ thuật, hoặc tổ chức các chương trình riêng cho học viên. Đó là cách cô mở rộng hơn cộng đồng Theatre Jazz.
Nhớ lại "bước ngoặt" đó, Linh An khẳng định mình thích vai trò làm giáo viên hơn. Những thay đổi cả về hình thể đến cảm xúc của mọi người khi bén duyên với Theatre Jazz khiến cô thấy vững tin vào con đường mình chọn.
Cô mong muốn gây dựng được nền móng cho Theatre Jazz, bên cạnh các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp trong các nhà hát mà bắt đầu ở những không gian mang tính đại chúng.
Và để "đi một chặng đường dài", Linh An cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Cô thừa nhận trong các dự án công việc, nhiều khi phải lùi lại, thậm chí thỏa hiệp, chia sẻ khó khăn với đối tác để có một phương án dung hòa. Vì nếu quá cứng nhắc sẽ khó có thể tìm tiếng nói chung trong tình huống bất đồng quan điểm, bị chi phối từ nhiều phía.
"Giữ được tinh thần của Theatre Jazz, trong những điều kiện không lý tưởng cũng là cách để tôi thuyết phục được người khác. Đó là kinh nghiệm để tôi có thể đi tiếp", cô chia sẻ.
Câu chuyện "trở về" của Linh An bề ngoài có vẻ bằng phẳng. Nhưng nếu không có đam mê và ý chí, cùng với khả năng lắng nghe, đúc rút những bài học từ trải nghiệm thực tế và linh hoạt xử lý từng vấn đề phát sinh thì cô đã không thể vượt qua khó khăn.
Câu chuyện của Linh An có thể là sự khích lệ cho những bạn trẻ đã ra đi và trở về, muốn tìm một con đường của riêng mình để thành công.
Tấm bằng "ngoại" mới chỉ là một điều kiện cần, còn nhiều thứ các bạn trẻ cần thu nạp, tích lũy và không ngừng nỗ lực mới có thể đạt được điều mình mong đợi.
-------------------
Ở lại nơi mình du học để lập nghiệp rồi trở thành người kết nối, trực tiếp tham gia đóng góp cho Việt Nam theo những cách khác nhau. Đó là một cách "trở về" của một du học sinh tại Mỹ.
Kỳ tới: Một cách "trở về"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận