Những người "trên mây xanh" và những người tỏa sáng
Hà Duy thẳng thắn cho rằng nếu anh là nhà tuyển dụng ở Việt Nam thì có thể anh cũng sẽ ngần ngại khi tuyển dụng những bạn trẻ học ở nước ngoài về có ít hiểu biết về xã hội Việt Nam, tính thích nghi không cao nhưng lại cố thủ trên "mây xanh".
Vì sao như vậy? Hà Duy chia sẻ góc nhìn của anh về những nhóm du học sinh khác nhau:
- Những người đã học đại học ở Việt Nam hay đã đi làm rồi, họ sẽ coi du học là đi để lĩnh hội, để bổ sung những điều còn thiếu. Họ cũng ít nhiều có hiểu biết xã hội ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Những người thuộc nhóm này thường xác định đi học rồi trở về. Và họ cũng dễ thích nghi, dễ có những thay đổi tích cực, thành công hơn.
Tuy nhiên, những bạn du học quá sớm khi chưa có sự hiểu biết xã hội, chưa đủ trải nghiệm sẽ dễ "hòa tan" khi tới một quốc gia khác. Và vì thế, các bạn sẽ khó khăn hơn khi phải thích nghi với môi trường Việt Nam sau chuyến du học.
Các bạn sẽ gặp nhiều vấn đề: chịu áp lực vì niềm tin, kỳ vọng của cha mẹ và những người từng biết về họ; xung đột với cách nghĩ, nếp sinh hoạt của gia đình, cộng đồng xung quanh khi trở về và cũng dễ thất vọng với những khó khăn ban đầu ở môi trường làm việc.
Hà Duy nhắc đến những du học sinh ngủ quên "trên mây xanh". Trong số này, khá nhiều bạn trẻ từng săn được học bổng hoặc được cấp học bổng du học, nhiều bạn từng là niềm hy vọng của gia đình và nhà trường ở Việt Nam. Nhưng khi trở về, các bạn lại không sẵn sàng cho cuộc "tiếp đất" nên có thể sẽ gặp khó khăn hơn.
Hà Duy cho rằng nhiều bạn trẻ coi "nhảy việc" là bình thường khi chưa tìm được công việc khiến mình hài lòng. Tuy nhiên, theo quan sát của anh thì những người bám trụ ở một nơi ít nhất 4-5 năm mới dịch chuyển thường tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn, có khả năng thích nghi và dễ đạt được thành công hơn.
Trong khi đó, có một thực tế là nhiều bạn trẻ đã "nhảy" quá nhiều chỉ trong một thời gian ngắn. Khi chưa kịp quen với môi trường công việc, hoặc mới chỉ gặp chút khó khăn, không hài lòng đã vội nhảy việc thì dễ sa vào vòng luẩn quẩn.
"Tôi luôn nói với các bạn trẻ làm việc cho mình rằng các bạn cần nhiều sự kiên trì, bền bỉ để theo đuổi một trải nghiệm của riêng mình. Trải nghiệm ở môi trường học tập và trải nghiệm khi trở về.
Nếu các bạn đã đi ra nước ngoài 4-5 năm thì các bạn cũng cần một khoảng thời gian 4-5 năm để thích nghi với môi trường ở Việt Nam. Đây là quãng thời gian đủ cho các bạn đánh giá đúng về mọi thứ xung quanh, cả những điều tốt và không tốt, biết cách vượt qua thách thức.
Khi bạn đã bước qua khó khăn ban đầu, đó mới là lúc bạn có thể sử dụng khả năng tư duy, sáng tạo, những kỹ năng bạn từng học được đề đạt ý tưởng, thuyết phục người khác, thực hiện những gì bạn thấy tốt. Bạn biết cách bồi đắp thêm những gì cần thiết cho công việc của mình và bạn sẽ tỏa sáng", Hà Duy chia sẻ.
Anh cũng cho rằng ở Việt Nam bây giờ, những bạn trẻ du học trở về có khả năng "tỏa sáng" như vậy sẽ luôn được chào đón. Vấn đề thuộc về các bạn trẻ có biết cách và đủ kiên trì để tỏa sáng hay không.
Đừng thần thánh hóa bằng "ngoại"
PGS.TS Vũ Tiến Hồng hiện là giảng viên báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ), từng là người kết nối giúp đỡ nhiều bạn trẻ du học và cũng giữ mối liên hệ khi họ về nước.
Trao đổi về câu chuyện "du học", ông Hồng cho rằng người Việt Nam những thập niên gần đây đã chịu xê dịch nhiều hơn. Xê dịch để đi học, đi làm ở nước ngoài rồi trở về. Sự chuyển dịch đó là một phần của sự hội nhập của Việt Nam với nước ngoài và là xu thế tất yếu.
"Ra nước ngoài học tập giúp người ta có cơ hội để bước ra khỏi văn hóa của mình, bước ra khỏi sự bảo bọc của gia đình và học cách thích nghi với cái mới. Mới ở đây không chỉ là những gì học tại trường mà học ở môi trường xung quanh nữa", ông Hồng nhận xét.
Ý kiến của nhiều người có điều kiện quan sát về sinh viên trong và ngoài nước đều cho rằng điểm nổi trội hơn của người du học ở các quốc gia phát triển so với số đông người học trong nước là trình độ ngoại ngữ, tư duy mới trong tiếp cận công việc và các vấn đề khác nhau của đời sống.
Các bạn cũng có thể có những kỹ năng tốt phù hợp với môi trường làm việc hiện đại. Điều này không chỉ giúp các bạn làm việc ở môi trường đa quốc gia, mà ở góc độ nào đó có thể có những tác động tích cực khi trở về làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Tiến Hồng cũng đưa ra một hiện thực khác mà anh quan sát: Nhiều người Việt đã thần thánh hóa tấm bằng "ngoại". Nhất là nhóm những người bỏ một số tiền lớn, thậm chí vay mượn, bán nhà, bán đất cho con đi du học, họ suy nghĩ tiền có thể đổi lấy sự giỏi giang cho con.
Nhiều người không tin tưởng chất lượng giáo dục nội địa và tuyệt đối hóa giáo dục của các quốc gia khác nên nghĩ bằng mọi giá phải cho con du học.
Trên thực tế, không phải ai ra nước ngoài học cũng sẽ "hơn người". Du học có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan của mỗi cá nhân, trong đó việc tìm hiểu thông tin, lập kế hoạch tốt có vai trò quan trọng.
Để du học hiệu quả hơn
PGS.TS Vũ Tiến Hồng cho rằng: Để sự đầu tư cho du học hiệu quả hơn thì nên xác định rõ mục tiêu. Nếu định ở lại nước ngoài thì nên tìm hiểu để chọn ngành học mà nhu cầu việc làm ở đó cao. Nếu định học xong về nước cũng cần có thông tin về nhu cầu việc làm của những ngành nghề vào thời điểm trở về.
Có mục tiêu rõ ràng, các bạn cũng có thể định vị được bản thân mà mình muốn trở thành trong tương lai. Nếu như muốn trở về nước thì đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết để không rơi vào sự chông chênh, khủng hoảng như một số bạn vấp phải.
--------------------------
Thành công không có nghĩa là phải trở thành người xuất sắc. Họ biết cách thu nạp những điều mình cần trong thời gian du học và tận dụng nó cho công việc để làm mới bản thân và giúp mình hạnh phúc.
Kỳ 4: Một thế hệ du học biết mình cần gì
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận