Áp lực vô hình
Phương (cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) gây ấn tượng khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ với hai ngành trái ngược nhau là toán và văn học Anh. Phương săn được học bổng du học với ngành toán và cô học thêm ngành văn học Anh.
Khẳng định thích ở Việt Nam và chưa bao giờ nghĩ sẽ không trở về sau khi tốt nghiệp, nhưng Phương vẫn muốn có ít nhất hai năm làm việc ở nước ngoài để có kinh nghiệm trước khi về. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát khiến cô phải về nước ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp.
Phương vấp phải khó khăn khi tìm việc với hai ngành không dễ kiếm việc làm. Nhưng với quyết tâm kiếm việc ngay, cô vào làm bộ phận truyền thông của một công ty cách nhà tới 20km.
Như mọi sinh viên mới ra trường, cô nhận mức lương rất thấp và còn nằm trong nhóm "bị soi" vì tâm lý người quản lý sợ người có "bằng ngoại" sẽ chỉ trú chân tạm thời. Chuyên ngành Phương làm việc cũng không đúng với những gì cô được học.
"Tôi chịu nhiều áp lực. Dù có học bổng nhưng bố mẹ vẫn phải tốn kém tiền cho tôi đi học. Tôi không muốn trở thành gánh nợ tài chính của bố mẹ khi lại tiếp tục thất nghiệp.
Ở cơ quan tôi cũng bị stress. Nói là kỳ thị thì cũng không chính xác, nhưng tôi luôn cảm giác mình bị đặt vào tầm ngắm để phải gồng lên.
Không chỉ trong công việc mà trong sinh hoạt, môi trường văn hóa công ty cũng có nhiều thứ "vênh" do bất đồng quan điểm với sếp, với đồng nghiệp. Càng muốn hòa đồng, tôi càng bị bật ra. Có lẽ là tôi chưa tìm được điểm để bắt nhịp và kéo dài áp lực, mệt mỏi", Phương chia sẻ vấn đề bất ổn của mình.
Còn Huy hiện làm cho một công ty truyền thông ở Hà Nội, từng đi du học với một ngành hẹp là nhiếp ảnh ở Anh bằng kinh phí tự túc của gia đình.
Nhiếp ảnh là đam mê của Huy và trước khi đi du học, cậu đã tốt nghiệp ngành truyền thông trong nước và từng tham dự nhiều khóa học về nhiếp ảnh với ước mơ theo đuổi lâu dài nhiếp ảnh. Nhưng khi về nước, trong khoảng một năm, cậu không chạm đến máy ảnh.
Huy kể: "Tôi có quá nhiều thứ phải "trả nợ". Chắc không ít người như tôi mang nặng "món nợ" với bố mẹ vì đã tiêu tốn nhiều tiền mà chưa thể đền đáp bằng một công việc khiến bố mẹ tự hào. Vì thế, thay vì vác máy ảnh rong ruổi khắp nơi như mơ mộng trước đây, tôi lao vào tìm việc.
Một ngày, tôi sững sờ khi nghe lỏm mẹ nói chuyện với đồng nghiệp là tôi học quản trị kinh doanh và hiện đang làm trưởng bộ phận của một công ty nước ngoài tại Hà Nội.
Tôi hỏi mẹ tại sao lại nói như vậy thì mẹ tỏ ra buồn bực vì bạn bè, đồng nghiệp đều biết con du học ở Anh nên mọi người hỏi mẹ không thể nói thật con đang làm tập sự cho một công ty tư nhân", Huy kể về nỗi buồn của mình.
Từ chuyện chưa có việc ưng ý, Huy bị mẹ "đay" lại việc ngang bướng của cậu khi không chịu chọn học quản trị kinh doanh là ngành dễ xin việc.
Những bất đồng trong nề nếp sinh hoạt cũng là cái cớ để mẹ cằn nhằn. Mối giao lưu bạn bè của Huy thu hẹp trong một nhóm các bạn cũng đi du học về.
"Trong nhóm du học, chúng tôi có sự đồng cảm về những khó khăn, có những kỷ niệm chung khi học bên kia để rảnh rỗi ngồi ôn lại. Tôi khó hòa đồng với người khác không phải do tôi tự cao tự đại về cái "bằng ngoại" mà tôi sợ bị soi.
Đã có bạn du học về, lỡ nói một câu tiếng Anh không chuẩn liền bị chê "du học mà nói còn không chuẩn ngoại ngữ" hay xử lý tình huống nào đó trong công việc không ổn cũng sẽ bị mang mác du học ra mỉa mai. Cũng đôi khi là do tôi và nhiều bạn khác quá nhạy cảm và tự tạo áp lực cho mình", Huy nói.
Đi học tiếp là... an toàn
Phương bỏ công ty đầu tiên quay về làm cho thẩm mỹ viện của gia đình. Cô viết content, truyền thông, giao dịch với khách hàng và nhiều việc không tên với suy nghĩ "đền đáp công sức bố mẹ cho đi học".
Cô cũng đi làm gia sư để kiếm tiền. Nhưng mọi thứ vẫn đều bất ổn. Và để bình tâm, cô đăng ký học vào tất cả thời gian rảnh rỗi.
Phương kể lý do học vì dù làm công việc nào cô cũng cảm thấy mình đang thiếu thứ gì đó. Chuyên ngành cô du học thật khó tìm một công việc ưng ý nếu không học thêm.
Nhưng còn một lý do khác là chỉ đi học Phương mới cảm giác đỡ hoang mang, tìm thấy gì đó thân thuộc. Phương học tiếng Nhật, học ứng dụng công nghệ thông tin, rồi đi học đàn, học vẽ...
"Một ngày tôi chợt nhận thấy tôi lại muốn tìm kiếm học bổng du học. Tôi lại muốn đi. Và có lẽ tới thời điểm hiện tại, đó là cái "đích" rõ nét nhất trong số những việc tôi loay hoay thử làm, thử học", Phương chia sẻ.
Huy cũng chọn cách đi học. Nhưng khác với Phương, cậu quay lại việc học quản trị kinh doanh một trường đại học ở Việt Nam - ngành học mà bố mẹ cậu từng gợi ý trước đây.
"Tôi không chắc đã là lựa chọn tốt, nhưng vì tôi đã không thành công với những gì đã học thì nên thử làm lại.
Điều tôi hy vọng hơn cả thu nạp kiến thức của một lĩnh vực mới là việc học "nội địa" có thể giúp tôi có những kỹ năng để thích nghi với môi trường công việc trong nước. Biết đâu sau khi đổi màu sang "bằng nội" tôi có thể thành công. Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ quay lại với điều tôi từng mơ ước", Huy nói về quyết định gần nhất của mình.
Việc du học về lại quay về trường đại học Việt Nam như Huy không phải hy hữu. Có những người thấy cần học thêm chuyên ngành khác, các kỹ năng mềm khác nhưng cũng nhiều bạn trẻ học chỉ vì chưa biết làm gì hoặc học để thích nghi.
--------------------------
Trải nghiệm của bản thân từ khi du học cho tới khi thành đạt ở những lĩnh vực khác nhau, các chuyên gia, giảng viên này cho rằng đã và đang có "lỗ hổng" du học vì tiền bỏ ra đầu tư cho việc du học rất lớn nhưng lại không đạt hiệu quả như mong đợi.
Kỳ tới: "Lỗ hổng" du học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận