Tấm "bằng ngoại" chưa đủ mà mới chỉ là một khởi đầu cho những nỗ lực để các bạn trẻ chạm đến ước mơ.
Sau đại dịch COVID-19, thay vì tìm cách ở lại làm việc, khá nhiều du học sinh tốt nghiệp chọn trở về nước. Những cú sốc của ngày trở về thường xảy ra với những người chưa có nhiều trải nghiệm bên ngoài môi trường học đường.
Không phải "bằng ngoại" là được ưu ái
Quân tốt nghiệp đại học ngành truyền thông đa phương tiện ở Hà Lan. Ban đầu, Quân dự định sẽ ở lại Hà Lan làm việc 1-2 năm mới về nước, nhưng đại dịch COVID-19 làm đảo lộn kế hoạch. Cậu về nước ngay sau khi nhận bằng.
Quân nhớ lại thời điểm hai năm trước, cậu khá tự tin vào kết quả học tập và cũng mơ mộng tấm bằng tốt nghiệp có thể giúp Quân sẽ dễ dàng kiếm những việc phù hợp, thậm chí có ưu thế để đạt được những thỏa thuận công việc theo mong muốn của mình.
Quân kể: "Tôi chọn một công ty có yếu tố nước ngoài vì nghĩ môi trường làm việc quan điểm cấp tiến. Quản lý nhân sự là người Việt Nam, ban đầu họ đồng ý với một số điều kiện của tôi như chỉ làm việc tại công ty 3 buổi, còn 2 buổi có thể làm việc tại nhà, trao đổi công việc online. Nhưng khi ký hợp đồng thì công ty lại thay đổi quy định, yêu cầu khắt khe về giờ làm việc tại trụ sở. Cùng một vị trí công việc nhưng mức lương của nhân viên khác cao hơn tôi".
"So với những người học đại học ở nước ngoài, chúng tôi muốn tuyển các bạn học các trường trong tốp đại học danh tiếng tại Việt Nam hơn. Chương trình đào tạo của họ sát với yêu cầu nhân lực trong nước. Sinh viên học trong nước cũng có khả năng thích ứng tốt hơn. Trước đây, người du học có lợi thế về ngoại ngữ, nhưng hiện nay các trường đại học trong nước cũng yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ cao nên sinh viên tốt nghiệp trong nước cũng thành thạo ngoại ngữ rồi", lời vị quản lý trực tiếp được Quân kể lại.
Bỏ việc ở công ty đầu tiên, Quân quay về Hà Nội và trong lúc chờ phỏng vấn vào vài nơi khác, cậu làm đủ thứ việc để không phải xin tiền bố mẹ.
"Tôi chơi nhạc ở một phòng trà, dạy piano cho trẻ con, dạy tiếng Anh cho một vài lớp của doanh nghiệp. Tôi kiếm được tiền không phải nhờ vào chuyên môn được học, và cảm thấy hoang mang vì bố mẹ từng bỏ hàng tỉ đồng cho tôi du học. Tôi chưa thể làm gì đáng kể từ tấm bằng đó", Quân thú nhận nỗi niềm.
Kể câu chuyện của mình, Quân cũng đồng ý kết nối với vài người bạn khác đang "mắc kẹt" như mình. Tiến - bạn Quân - học quản trị kinh doanh ở Úc. Về nước chưa được một năm, Tiến nhảy việc đến năm chỗ khác nhau.
"Điều khiến em cảm thấy sốc vì cứ nghĩ học nước ngoài là có lợi thế. Nhưng khi vào làm việc ở một công ty kinh doanh khách sạn và du lịch, em được thông báo phải tập sự ít nhất sáu tháng rồi mới xét tiếp trong khi một bạn tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương được tuyển dụng ngay. Lý do chương trình em học phù hợp với môi trường nước ngoài, xa lạ với thị trường trong nước. Em cần có thời gian làm quen thích ứng. Với mức lương tập sự 7 triệu đồng/tháng, em đã không đủ kiên nhẫn", Tiến chia sẻ qua điện thoại khi đang làm việc cho công ty thứ năm ở Bình Dương.
Nhậu cũng là... công việc
Trong khi đó, Quang (học truyền thông ở Mỹ) về tìm được việc khá nhanh chỉ sau một tháng về nước. Nhưng cậu đang trong giai đoạn chán nản vì khá nhiều những điều mà cậu thừa nhận là "lặt vặt" nhưng lại khiến cậu tụt mood như 7h30 tối vừa về đến nhà thì sếp kêu "đi gặp đối tác cùng sếp" lại phải đi.
Tương tự, Hoàng Tuấn - từng học y sinh ở Mỹ, được nhận vào làm việc tại một công ty đa quốc gia có chi nhánh tại TP.HCM - cũng chia sẻ đã nghe về chuyện ở Việt Nam "đi nhậu" cũng là làm việc nhưng không nghĩ sẽ bị áp lực đến thế. Lính mới thì phải đi để "đỡ cho sếp", còn ít kinh nghiệm thì phải ngồi nhậu mới mở rộng quan hệ và có nhiều thông tin, muốn gắn bó thì phải hòa đồng... Đó là lý lẽ của sếp.
"Nhiều bữa 21h tôi mới rời công ty. Về nhà còn đọc tài liệu tới khuya. Nhưng sếp kêu đi nhậu lại phải đi. Tưởng hôm nay đi thì mai thôi, nhưng rồi cứ được kêu đi nhậu riết. Một ngày tôi quyết định từ chối "hòa đồng" và lãnh hậu quả là thái độ lạnh nhạt của sếp. Sau cùng là cú sốc khi biết sếp đã quyết định giao dự án quan trọng cho một đồng nghiệp trẻ khác làm, mặc dù trước đó đã nói trong cuộc họp là sẽ giao cho tôi", Tuấn kể lại.
10h tối mới xong việc
"Lý do tôi quay về Việt Nam vì mẹ tôi bệnh nặng dù trước đó đã tính ở lại Canada với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi", Ngọc Hân bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Bằng lòng với một công việc với mức lương 8 triệu đồng/tháng ở giai đoạn thử việc, Hân tự an ủi lương thấp nhưng có điều kiện ở gần chăm sóc mẹ. Cô hình dung sẽ chỉ làm 8 tiếng/ngày và có hai ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng thực tế không như vậy, vì là nhân viên thử việc nên cô phải làm nhiều việc ngoài thỏa thuận ban đầu.
"Tôi thường xong việc lúc 19h, có hôm đến 21h nhưng không hề được trả tiền làm thêm vì chỉ là nhân viên thử việc. Giai đoạn thử việc dài hay ngắn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố", Hân cho biết.
Cũng như Hân, Quang cho rằng sự bất ngờ và cảm thấy khó chịu nhất là công việc không có giờ giấc gì cả. Quang kể có dự án, nhóm cậu đã làm xong theo đúng kế hoạch và thống nhất của lãnh đạo nhưng khi tưởng chừng có thể "đóng gói" thì sếp thông báo phải sửa chữa, do đối tác muốn thay đổi khác với thống nhất ban đầu. Những phát sinh công việc như thế luôn là nhiệm vụ phải thực hiện khiến cho những nhân viên mới như Quang luôn trong tình thế bị động.
Và điều Quang thấy buồn chán nhất là ý kiến của những người mới như cậu không được lắng nghe.
Những góc khuất mà các du học sinh nhìn thấy khi về nước có lẽ phần nào vẫn còn là cái nhìn một chiều. Nhưng nó cũng phản ánh một phần hiện thực khó khăn của họ khi trở về.
**************
"Tôi không thấy ổn chút nào dù đã thử làm một số việc. Điều đó khiến tôi hoang mang và cuối cùng... tôi lại chọn đi học tiếp" - Phương, cô gái mới trở về từ Mỹ sau thời gian du học, kể lại.
>> Kỳ tới: Đi học tiếp vì chưa biết mình thuộc về đâu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận