Những suất quà của báo Tuổi Trẻ đã tới tay học sinh Trường Võ Chí Công (Tây Giang, Quảng Nam) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ trên đường trao quà bạn đọc gửi đến bà con miền Trung trong ngày 19-10.
Nỗi đau bên dòng Thạch Hãn
Xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có hơn 100 hộ dân sinh sống bên dòng sông Thạch Hãn. Người mất cả đàn heo, bao nhiêu lúa thóc bị lũ nhận chìm, và có cả những sự mất mát lớn lao hơn.
Căn nhà ấy ở thôn Tích Tường, xã Như Lệ đã trở nên lạnh ngắt khi vắng bóng người phụ nữ. Anh Nguyễn Văn Thị (49 tuổi) chân tập tễnh ra đón khách, trên đầu còn quấn vành khăn tang, rơi nước mắt khi nhắc về ngày kinh hoàng ấy. Cha anh bị ốm vẫn nằm bệnh viện, cơn lũ dữ ập về đợt thứ hai. Vợ anh tất tả chuyện nhà... Rồi anh chết lặng khi nhận thi thể vợ mình giữa biển nước mênh mông. Anh Thị bị tai nạn bom mìn từ năm 1999, khuyết một cánh tay, một bên mắt và đôi chân không còn nguyên vẹn.
"Vợ tui tần tảo cả đời, cày cấy lo cho tui tàn tật, nuôi ba đứa con ăn học. Rứa mà lại ra đi khi con cái đường học đang ở giữa chừng" - anh Thị nói rồi mặt dại đi, một bên mắt anh đỏ ngầu ngấn nước. Anh nhìn xuống những khiếm khuyết cơ thể, nén tiếng thở dài.
Xóm ven sông Thạch Hãn này có những gia đình vẫn chưa dám về lại nhà, nhà họ kề bên sông với dấu vết sạt lở hằn rõ dọc ngang. Chị Ngô Thị Hồng âu lo: "Giờ nhà bị sạt mất nửa phần móng, về ở lỡ đêm hôm nước lên có chuyện chi thì khổ mình khổ con". Dãy nhà sát mép sông đều bị lũ cuốn xói hết móng, sập hết phần lều ở phía sau.
Dời trường vì sợ núi lở
Khoảng 10h sáng 19-10, một khối núi lớn đã bất ngờ đổ sập xuống hàng trăm mét đường ở trung tâm huyện Tây Giang (Quảng Nam). Một số người dân, chủ tịch huyện Tây Giang và phóng viên Tuổi Trẻ may mắn thoát nạn khi vừa đi qua đoạn sạt lở này.
Theo ông Bling Mia - chủ tịch huyện Tây Giang, vụ lở núi đã vùi ba ngôi nhà ở thôn Ganil, xã A Xan. Trước đó, những người ở ba ngôi nhà này đã được đưa ra ngoài, tránh được thảm họa. "Chưa bao giờ huyện Tây Giang đối diện với khó khăn tứ bề như hiện nay, hiện nhiều xã vẫn bị cô lập, hàng chục trường học và cầu cống bị hư hại. Chúng tôi huy động lực lượng sơ tán dân, việc khắc phục hậu quả đã nằm ngoài khả năng của huyện" - ông Mia nói.
Học sinh bốn xã biên giới buộc phải sơ tán để chạy lở núi. Trường THPT Võ Chí Công mới khánh thành chưa lâu nằm ngay dưới một khối núi lớn. Từ cuối tháng 9-2020 tới nay, thầy trò đã nhiều phen hốt hoảng vì những tiếng động trong lòng đất. Mưa xuống, nhiều lần bùn đất tràn vào lớp.
Hôm 15-10, huyện Tây Giang có lệnh khẩn cấp phải sơ tán toàn bộ người và tài sản ra bên ngoài. Từ sáng 16-10, hàng trăm dân quân, bộ đội biên phòng, cán bộ địa phương, người dân và thầy cô giáo đã lội mưa suốt 40km chở học sinh ra trung tâm huyện Tây Giang.
Sáng 19-10, thầy trò Trường Võ Chí Công tổ chức buổi học đầu tiên tại cơ sở được cho mượn. Thầy Nguyễn Công Tươi - hiệu trưởng Trường Võ Chí Công - cho biết toàn bộ học sinh của trường này đều là con em đồng bào Cơ Tu ở bốn xã giáp biên giới Việt - Lào, các xã này vốn đã bị chia cắt nhiều tuần nay, người dân không thể ra bên ngoài mua thức ăn, dầu đèn... do phải ở tại chỗ cầm cự chờ mưa lũ qua. Học sinh được giao lại cho thầy cô giáo. Huyện Tây Giang cũng đã xuất kinh phí mua chăn mền, chiếu ngủ cho thầy trò.
Để kịp thời chia sẻ những khó khăn của thầy trò vùng cao, sáng 19-10 đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao tận tay 277 suất quà cho học sinh gồm gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt. Thầy Nguyễn Công Tươi xúc động bày tỏ: "Chưa bao giờ chúng tôi đối diện tình cảnh dạy và học trong tình thế ngặt nghèo như hiện nay. Nhưng chúng tôi hiểu rằng mình không cô đơn khi vẫn có sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng".
Chiều muộn 19-10, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao 100 suất quà, mỗi suất gồm gạo, nhu yếu phẩm và 200.000 đồng đến trực tiếp các hộ gia đình bị thiệt hại nặng tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Từ số báo này, Tuổi Trẻ sẽ cập nhật hằng ngày thông tin tiếp nhận đóng góp cùng chi tiết hoạt động hỗ trợ đồng bào miền Trung. Mời quý bạn đọc đón xem và chung tay cùng Tuổi Trẻ. Trân trọng.
Đóng góp ủng hộ bằng cách nào?
Trên giao diện chính của ứng dụng MoMo bạn đọc có thể tham gia đóng góp cho người dân vùng lũ một cách nhanh chóng dễ dàng. Sau khi đăng nhập Ví MoMo, tại màn hình chính tìm kiếm "Trái tim MoMo", chọn "Cùng báo Tuổi Trẻ cứu trợ bà con vùng lũ miền Trung" và nhấn "Quyên góp" để nhập số tiền, sau đó chọn "Xác nhận" để hoàn tất.
Chương trình không giới hạn số tiền và số lần quyên góp mỗi ngày. Bạn đọc hoàn toàn không phải mất phí khi đóng góp qua Ví MoMo. Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến bà con miền Trung đang bị ảnh hưởng do lũ lụt trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại Tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ĐT: 0283.9973838 hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ tại các tỉnh, thành phố.
Bạn đọc chuyển khoản, vui lòng gửi qua chủ tài khoản: Báo Tuổi Trẻ tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM, số tài khoản: 113000006100.
Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản: Bao Tuoi Tre: Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.
Tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. Swift code: BFTVVNVX007 và ghi rõ nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận