Một đoàn xe quân đội Mỹ rút khỏi miền bắc Syria, trong khi nhiều lực lượng sẽ được triển khai tới bảo vệ các mỏ dầu ở đông Syria - Ảnh: Reuters
"Mọi mỏ dầu và các tài nguyên khoáng sản khác trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập Syria đều không thuộc về những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chắc chắn cũng không thuộc về những người Mỹ chống IS, mà thuộc về riêng Syria" - Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ trong tuyên bố trên trang Facebook chính thức ngày 26-10.
Mỹ triển khai xe bọc thép bảo vệ mỏ dầu
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo Washington sẽ triển khai các xe bọc thép và binh sĩ tới bảo vệ các mỏ dầu ở Syria. Washington muốn tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Deir ez-Zor, nơi có những mỏ dầu lớn nhất của Syria, nằm gần biên giới với Iraq.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga lập luận rằng theo luật quốc tế cũng như luật của Mỹ, các binh sĩ Mỹ không có quyền bảo vệ các mỏ dầu ở Syria - một nhiệm vụ vốn thuộc về quân đội và người dân Syria.
"Do đó, nói một cách đơn giản, những gì Washington đang làm như chiếm giữ và kiểm soát bằng vũ trang các mỏ dầu ở đông Syria là hành vi ăn cướp quốc tế cấp nhà nước" - Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Washington tăng cường hiện diện quân sự và phối hợp với các lực lượng dân chủ Syria để ngăn những mỏ dầu trên rơi vào tay IS, đồng thời bảo vệ những tài nguyên mà có thể bị IS dùng để phục vụ các cuộc tấn công trong khu vực, tấn công châu Âu hay xa hơn là nước Mỹ. Hiện khoảng 200 binh sĩ Mỹ đang đóng tại khu vực có các mỏ dầu trên.
Tuy nhiên, quân đội Nga cho rằng lý do thực sự đằng sau hoạt động "bất hợp pháp" hiện nay của Mỹ ở Syria không liên quan gì đến những lý tưởng tự do và khẩu hiệu chống khủng bố của Washington, mà nhằm thu lời từ hoạt động khai thác dầu mỏ từ Syria.
Bộ Quốc phòng Nga còn công bố ảnh vệ tinh chụp tại đông Syria cho thấy các mỏ dầu ở bờ phải sông Euphrates đang được khai thác và chuyển ồ ạt bằng xe tải ra bên ngoài để tinh chế.
"Dưới sự bảo vệ của quân nhân Mỹ, các xe tải chở dầu từ các mỏ dầu ở miền đông Syria đang được tuồn sang các quốc gia khác. Trong trường hợp đoàn xe bị tấn công, đặc nhiệm Mỹ sẽ ngay lập tức tham gia bảo vệ" - Bộ Quốc phòng Nga nói.
Rối loạn chính sách?
Hãng tin AP nhận định việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại các mỏ dầu ở Syria là dấu hiệu mới nhất cho thấy kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria không kiên định và cũng phức tạp hơn những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết.
Dù nhà lãnh đạo Mỹ quyết đưa quân đội Mỹ ra khỏi Syria, mà dễ thấy là việc rút 1.000 quân khỏi miền bắc Syria, những gì diễn ra trên thực địa lại khác hẳn.
Ngay trong tuần này, chính ông Trump cũng có sự mâu thuẫn trong phát ngôn của mình. Một mặt nói quân Mỹ đang quay về nước vì IS đã bị đánh bại hoàn toàn, nhưng mặt khác ông Trump nói một số binh sĩ Mỹ có thể ở lại Syria để trông chừng các mỏ dầu khỏi IS.
Sự quan tâm của ông Trump với dầu mỏ có thể đã khiến ông đổi ý. Báo Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết ông Trump quyết định để lại vài trăm binh sĩ ở Syria sau khi được các cố vấn thuyết phục rằng việc rút toàn bộ quân có thể khiến Mỹ mất hết quyền kiểm soát các mỏ dầu ở đông Syria. "Điều này giống như bón thuốc cho một đứa trẻ bằng cách hòa nó vào sữa chua hay sốt táo" - một quan chức Mỹ giấu tên ví von.
Tuy nhiên, Joshua Landis - chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Oklahoma (Mỹ) - cho rằng kế hoạch mới nhất cho thấy sự hỗn loạn trong quy trình đưa ra chính sách đối ngoại của Mỹ. "Nó đang trong tình trạng rơi tự do, còn tổng thống thì liên tục đổi ý" - ông Landis bình luận.
Ông Marwan Kabalan đến từ Trung tâm nghiên cứu Ả Rập cũng nhận định với Đài Al Jazeera rằng việc Mỹ tái triển khai binh sĩ tới Syria cho thấy sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. "Chính sách ngoại giao của Mỹ tại Syria rất không nhất quán. Rất khó để đoán liệu Mỹ sẽ ở lại hay rời đi" - ông Kabalan đánh giá.
Thổ dọa mạnh tay khi qua 150 giờ
Ngày 26-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ tự tay "dọn sạch khủng bố" ở khu vực biên giới bắc Syria nếu các lực lượng dân quân người Kurd không rút lui sau 150 giờ như đã nêu trong thỏa thuận với Nga. Hạn chót là 18h ngày 29-10.
Trước đó, hôm 22-10, ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí một thỏa thuận tại thành phố Sochi, theo đó Matxcơva sẽ tạo điều kiện cho việc di dời các chiến binh người Kurd cùng vũ khí của họ khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận