Phóng to |
1
"Cho người này gợi nhớ thương người kia..." |
Thời chiến tranh. Đêm đêm đại bác dội về, mấy gia đình cùng chui xuống cái hầm to rộng nối thông các nhà. Người lớn mở radio nghe tin chiến sự, âu lo. Tôi và Trang lăng xăng chạy giỡn từ đầu hầm đến cuối hầm. Mỗi khi nghe tiếng rít của đầu đạn bay trên trời Trang ôm tôi, tôi ôm Trang. Tôi rất thích cảm giác này, trong lòng mong đại bác bắn hoài.
Đôi lần rủ Trang xuống biển. Biển vắng. Ngó ra xa, biển xanh um vỗ sóng ầm ầm bọt trắng xóa. Sợ, không dám tiến thêm, tôi và Trang loanh quanh đuổi theo mấy con dông bờm đỏ cháy, đuôi dài thượt, bò lổm ngổm trên cát. Bọn dông thấy người chạy ào xuống hang. Mình mẩy chúng như có gai, nói thiệt chúng có đứng lại tôi cũng không dám bắt. Tôi cố ý chạy sau Trang để ngắm áo đầm bé bay lên trong gió. Trang chạy trên cát vàng, tóc xoăn lất phất, một tay vung vẩy, tay kia giữ tà váy cho khỏi bay trông như bà Marilyn Monroe thu nhỏ. Trang càng dang nắng da càng ửng hồng. Tôi hay kiếm cớ bẹo đôi má phinh phính của Trang. Không bắt được dông, Trang biểu đi xuống sát biển chút nữa bắt còng. Còng cũng khó bắt quá trời, chạy nhanh hơn dông. Nhưng cuối cùng tôi cũng bắt được một con cho bé. Bé cười, nheo mắt dặn: “Anh Phong, chiều mai chúng mình lén đi nữa nhen!”.
Trưa nọ tôi đi học về, nhà Trang đã dọn đi đâu mất. Có lẽ tôi và Trang quá nhỏ, không để ý người lớn quyết định làm gì. Đùng một cái không còn thấy Trang, không còn chơi chung với Trang. Buồn quá bỏ cơm.
Sau này lớn tuổi, lâu lâu vẫn thấy áo đầm trắng của Trang bay trong giấc mơ. Trong mơ thấy sướng và dạt dào hơn. Tôi đặt tên đứa con gái đầu lòng là Trang và giành quyền mua đầm trắng cho con. Dẫn vợ con xuống biển, nhìn con gái mặc đầm trắng tung tăng trên cát, tôi sống lại những ngày thơ ấu bên bé Trang, những ngày người lớn thường trực nỗi lo bom rơi đạn lạc.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Trang là mối tình đầu của tôi.
2
Năm tôi học lớp 5 Trường tiểu học Bình Nhạn, một lần dự thi “Đố vui để học” tôi ngồi dãy bàn bên này, dãy bàn bên kia xuất hiện cô bé xinh như bông hoa, da mịn như thoa phấn. Tôi ngắm cô bé quên bấm chuông trả lời. Qua buổi thi, tôi biết tên cô bé là Nga.
Từ đó, hôm nào đi học tôi cũng tìm cách đi ngang qua lớp của Nga, ngó coi Nga đi học chưa. Bọn nhóc chúng tôi đã biết chọc nhau “cặp đôi”. Có đứa bị bạn bè cặp đôi, trổ quạu. Còn tôi nghe bạn cặp đôi với Nga trong lòng khoái, hãnh diện. Học khác lớp, nhưng khi xếp hàng trên sân trường đầu tuần tôi được đứng gần Nga. Hôm Nga mặc bộ đồ lụa màu vàng, tóc thắt con rít hai bên, tóc mai vương má hồng, có đứa bạn cố ý xô tôi ngã đụng Nga một cái về nhà sung sướng mấy ngày.
Nghe người lớn nói trẻ nhỏ lồ lộ hương sắc, lớn lên sẽ khổ. Khổ đâu chưa thấy, chỉ thấy Nga như nàng công chúa nhỏ xinh từ hoàng cung lạc ra chốn nhân gian làm quà tặng cuộc sống. Tôi mơ hoài đám cưới của tôi và Nga, chung quanh không phải cha mẹ họ hàng mà toàn những thiên thần nhỏ có đôi cánh trắng. Bàn tiệc vun đầy sôcôla và nước ngọt có gas. Xong lễ cưới, tôi và Nga mọc cánh cùng bầy thiên thần bay lên bầu trời đêm đầy sao nhấp nháy. Bay mãi, bay mãi...
Sau bảy lăm, ba má tôi về quê sinh sống, tôi không còn được ngắm Nga mỗi ngày, phải thiệt lâu sau mới tìm lại được niềm vui khi đi học. Mỗi khi có dịp xuống phố, tôi cứ ngó quanh quất biết đâu gặp lại Nga.
Không biết Nga của tôi bây giờ là ai trong số những mệnh phụ xinh đẹp tên Nga thỉnh thoảng tôi gặp.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Nga là mối tình đầu của tôi.
3
Nhung là con gái đầu của bà bạn cha tôi. Nhung học lớp 7 với tôi, vừa đúng cái tuổi mười ba trong câu ca dao: Anh cưới em từ thuở mười ba / Năm nay em mười tám thì đà năm con.
Nhung vừa ra dáng thiếu nữ, môi son má thắm. Nhung đẹp nhất đôi mắt to đen, ướt long lanh. Nhìn đôi mắt các người đẹp quảng cáo cho Hãng viễn thông V hiện nay là tôi nhớ đôi mắt Nhung năm xưa. Nhung luôn cột tóc đuôi gà, đuôi tóc lúc lắc theo nhịp bước. Khi nói chuyện, Nhung chun chun chiếc mũi cao thon nhỏ, làn môi với đường viền sắc như một nét vẽ, dễ thương lạ lùng.
Cha Nhung mất trong chiến tranh. Má con Nhung sống trong căn nhà nhỏ giữa đồng. Cha tôi thường sai tôi mang quà đến nhà Nhung, tôi hào hứng đi ngay. Đi câu cá, tôi hay tìm cớ đi ngang nhà Nhung, thấy Nhung cho heo ăn, thấy Nhung cắt rau muống bó lại đem bán. Hình như một lần để “thưởng” cho mối tình si, Nhung lén lấy vở chép cho tôi bài sinh vật dài trang rưỡi, hôm sau bỏ vở lại trong cặp tôi. Chữ Nhung đẹp, đều tăm tắp. Tôi thầm so chữ của Nhung với chữ tôi giống như so sắc đẹp Nhung với cái tướng cù lần của tôi vậy. Qua năm tháng, tôi vẫn giữ vở sinh vật đó. Tôi thường úp mặt vô trang viết của Nhung mà hôn, tưởng tượng như đang hôn Nhung say đắm.
Ngày gia đình tôi đi kinh tế mới, tôi đến nhà Nhung chia tay. Má Nhung nấu cơm dưới bếp. Tôi run run nói: “Ngày kia nhà mình dọn đi rồi, chắc là không về đây nữa”. Nhung có hiểu cho lòng tôi không mà nói tỉnh bơ: “Đến nơi ở mới chắc thích lắm hở”. Nhung chúc khỏe, chúc vui, chúc may mắn. Tôi muốn nói là sẽ nhớ Nhung nhiều lắm, nhưng mắc cỡ quá đành thôi. Cứ nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ về quê cũ gặp Nhung, không ngờ chia xa mãi mãi. Vì mối tình sương khói này mà tôi thuộc lòng bài hát Cô láng giềng của nhạc sĩ Hoàng Quý, mỗi lần hát mỗi lần tràn ngập cảm xúc: ...Cô láng giềng ơi / Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi / Chân bước xa xa dần miền quê / Ai biết cho bao giờ tôi về.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Nhung là mối tình đầu của tôi.
4
Dân kinh tế mới Đa Phước phần lớn từ các đô thị đổ về. Nghèo khổ, túng bấn nhưng họ vẫn giữ phong cách sang trọng của người ở phố. Thanh là con của một gia đình như vậy.
Mỗi sáng Thanh ôm chiếc cặp da mỏng trước ngực, đi bộ đến trường cấp ba, bao nhiêu ánh mắt các cậu choai như tôi nhìn theo bồi hồi xao động. Không áo dài, không đồ tây kiểu cách như nữ sinh hiện nay, chỉ với đồ bộ vải hoa cổ tai bèo đủ phô diễn nét kiều diễm của Thanh. Thanh để tóc dài đến mông, da trắng xanh, mảnh mai như thứ đồ quý dễ vỡ. Môi Thanh màu hồng nhạt, lúc nào cũng như hé cười ló khẽ hai cái răng cửa bóng như hạt lựu, rất duyên.
Có Thanh, bạn trai trong lớp ai cũng muốn “chứng tỏ” để người đẹp chú ý, thành ra cứ ồn ào náo loạn. Hôm nào Thanh nghỉ học, lớp học chùng xuống, buồn xo. Thi thoảng Thanh bị cảm, thấy Thanh ho rung vai gầy, lòng tôi thắt lại.
Tôi biết người lớn tin rằng phần lớn phụ nữ đẹp người thì đẹp cả nết. Đơn giản họ biết thế mạnh của mình, họ dùng sắc đẹp để chinh phục chứ không cần tranh luận. Ai mà không yêu một người đẹp ít nói kia chứ.
Vùng kinh tế Đa Phước cạnh một nông trường trồng cà phê và thuốc lá. Học sinh trường tôi hay sang nhận khoán lao động gây quỹ. Thanh tóc bới lên cao, ngồi khép đôi đùi dài che khuôn ngực, chăm chỉ xâu từng lá thuốc vô ghim tre, đôi tay nhịp nhàng nhìn không chán. Tôi cứ nấn ná chỗ con gái ghim thuốc, bị cô bạn quát: “Này, đi lấy lá thuốc đi cứ đứng luẩn quẩn đây miết”. Thanh ngẩng đầu lên nhìn tôi, cười, đẹp làm sao. Mấy bạn gái đâu biết hồi hôm tôi và Thanh tình tứ đi bên nhau dưới ánh trăng khuya soi xuống vườn cà phê nở hoa thơm ngát như hương lài. Thanh dự báo một ngày chia xa, gia đình nàng sắp chuyển về Cam Ranh.
Một chiều nắng nhuộm vàng bến sông vắng khách, tôi cầm tay Thanh ngậm ngùi chia ly. Chia ly ở bến sông mới thật sự chia ly. Gió thu thổi nhẹ làn tóc người thương, lấp lóa nắng, dịu dàng hương. Thanh mím nhẹ môi hồng, mắt nhìn xa xăm cánh buồm trắng trôi về đông, cuối trời xanh thẳm. Yêu Thanh tôi quá đỗi dại khờ, tê tái trước số phận chỉ dám mong mỏi mơ hồ một ngày đủ duyên gặp lại.
Mỗi lần nghe chú tôi hát khúc tình ca Hàng hàng lớp lớp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lòng tôi buồn như lá rụng:
Còn đây giây phút này
Còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi
Còn trong ánh mắt, còn cầm tay nhau
...
Lòng này thách với tang bồng
Đừng làm má thắm phai hồng, buồn lắm em ơi.
Thư đi tin lại, thấp thỏm chờ mong. Một ngày mùa đông u ám, tôi cuộn mền trên giường tầng ở ký túc xá đọc lá thư cuối cùng của Thanh, nàng viết: “Phong giữ gìn sức khỏe. Thanh sắp lấy chồng, đừng biên thư cho Thanh nữa”. Ôi, trên đời này có cái buồn nào buồn hơn người yêu đi lấy chồng. Làm gì có đệ nhất buồn là cái hỏng thi như ngài Tú Xương than vãn.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Thanh là mối tình đầu của tôi.
5
Năm thứ ba, lớp sinh viên cao đẳng sư phạm của tôi có kỳ lao động một tháng ở rừng, chặt cây sặt bán cho xưởng mành trúc gây quỹ. Sáng đó lớp trưởng cắt tôi ở coi trại, Lan và Ngọc nấu cơm. Tôi còn loay hoay nấu nước pha cà phê, tai nghe chim hót, sóc khẹc buổi sớm cạnh con suối chảy róc rách qua trại, Ngọc gọi: “Ông kia qua phụ tụi tui gọt su đây”.
Ngọc hơi đen, rất có duyên nhưng Lan mới là hoa khôi của khoa năm đó. Tôi qua lán bếp, Lan đang nhóm lửa. Lan mặc chiếc áo thun vàng, tóc bới gọn để lộ cái gáy trắng ngần và cao, tựa như thỏi nam châm hút mắt tôi về phía đó. Nhìn Lan gác từng thanh củi cho rỗng dễ cháy, thuần thục như má tôi làm ở nhà, khó tin đây là cô gái cưng của ông giám đốc sở lương thực thành phố. Lan quay lại nói: “Nè, đi hái phong lan không rủ mình đi với”. Tôi dọa: “Hôm qua nghe có cọp gầm đấy”. Lan nhíu mày, eo ôi. Người đẹp khi xúc cảm càng đẹp, nhìn rộn ràng các giác quan. Tôi nghĩ bụng ai dám rủ cô gái đẹp nhất lớp như minh tinh màn bạc này vô rừng sâu. Tay lớp trưởng từng là lính đặc công đánh trận ở Campuchia, mắt đỏ ngầu, mê Lan. Thầy chủ nhiệm luôn mồm dọa đuổi học, mê Lan. Tay thầy trẻ măng dạy đại số, mệnh danh “dũng sĩ diệt sinh viên”, mê Lan. Dính đến Lan có mà toi mạng. Nhưng nghe Lan bảo không rủ nàng đi chơi, sướng rơn trong lòng.
Công việc chặt sặt hoàn thành chỉ tiêu sớm. Ai muốn về lớp trưởng cho về, cả lớp trưởng cũng về, chỉ còn độ mươi bạn ở lại chờ ngày xe lên chở.
Mỗi sáng Lan và Ngọc dậy sớm chiên cơm. Thời bao cấp, ai cũng quen tiết kiệm dầu mỡ bột ngọt, Lan thì không, nàng “chơi thẳng tay” nên cơm chiên của Lan béo ngậy. Ăn xong cả bọn đi sâu vô rừng chơi, khi tắm suối khi hái phong lan. Có lẽ do rừng xanh hoang vắng, suối trong rì rào, chim kêu vượn hú nên Lan cảm tình với tôi chăng. Đi một nhóm vô rừng, Lan thường nán lại phía sau cùng tôi, nói đủ thứ chuyện. Đường rừng có chỗ chật không sóng đôi được, tôi đi sau Lan, đọc thơ: Em đi, chàng theo sau / Em không dám đi mau / Ngại chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu. Lan quay đầu cười: “Hấp tấp ư, Lan đi xấu ư?”. Tôi nói không, đây là thơ của Nguyễn Nhược Pháp chứ dáng Lan đi sao có thể xấu được. Tôi kết luận người đẹp nhìn phía nào cũng đẹp, còn nói với phụ nữ nhìn cái lưng thôi đẹp xấu biết ngay. Lan bảo mình không tin đâu. Giọng Bắc của Lan không rõ tỉnh nào, nói nghe như hát. Đi dọc đoạn suối khô đầy đá cuội có thân cây gác ngang, Lan đứng một bên, tôi đứng một bên ngắm Lan ngây ngất, trào dâng cảm mến. Lan đỏ mặt tránh mắt tôi, ngó sang triền sim nở hoa tím rung rinh gió. Lan mở kẹp vấn lại tóc. Lan đưa tay lên, khuôn ngực nhô cao, hai cánh tay trắng muốt vuốt hết tóc ra sau, kẹp lại. Có lẽ đây là góc nhìn đẹp nhất của người phụ nữ. Lên con dốc có chỗ khó leo, Lan lên sau cùng, tôi đưa tay ra kéo. Khi lên tới nơi mũi tôi chạm nhẹ vào lông măng trên má Lan, thơm thơm. Cơ hội qua đi, không hôn Lan được, tiếc mãi.
Sau đợt lao động, Lan về lại trường bao người săn đón. Không trăng soi bãi cỏ, không hương rừng gợi cảm, tôi không là gì với Lan cả. Ai nấy lo sốt thi tốt nghiệp. Thời gian cuối niên khóa vùn vụt trôi đến nao lòng. Ngày chia tay, khô khan chúc nhau trong bận rộn. Tiếc ngày ấy không dạn dĩ ôm Lan một lần cho thỏa khát khao.
Về sau, những buổi chiều rỗi tôi hay đứng giữa không gian mênh mông, có thể là đồng lúa, là dòng sông hay một cánh rừng nhìn gió thổi mây bay lòng nhớ Lan khôn dứt. Tôi hát Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên: ...Có trách một đời cũng đã muộn rồi. Tình ơi, dù sao đi nữa xin vẫn yêu em... Kỳ cục, cứ đến ngưỡng cửa thiên đường tình yêu là tôi dừng lại, đứng kiễng chân ngó vào bên trong mà không biết thực hư nó thế nào.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Lan là mối tình đầu của tôi.
6
Tôi dạy học tại một trường cấp hai miền núi. Vùng đất bazan mưa đi dính dép, nắng bụi mù trời, đêm xuống lành lạnh như cao nguyên. Trường có hai dãy nhà cấp bốn, dãy trước chắn dãy sau, ai thiết kế mà lạ. Cửa thì vênh, vách dính đầy đất đỏ, bàn ghế nhiều bụi. Học trò nhếch nhác, ốm đói. Giáo viên ăn mặc vừa luộm thuộm, vừa quê. Nhưng ở được một tuần thì quen cả thôi, nhìn ai cũng thấy thân thương, yêu mến.
Tôi hết tập sự, vô được biên chế thì Ly về trường. Cái trường lẹp xẹp có Ly thấy sang hẳn, giống như lưng chừng núi đá mốc thếch bỗng có cây chuối rừng trổ hoa thắm đỏ. Ly luôn lên lớp với áo dài xanh nhạt hoặc hồng nhạt. Tóc Ly đen dài buông kín lưng thon. Tôi nói: “Tính ra lúc tôi học năm ba thì Ly vô năm nhứt, có cô bé thiệt xinh cùng trường sư phạm, sao tôi không biết ta”. Ly cười duyên dáng: “Nếu có xinh chắc mới đây thôi, hồi đó em như con mèo ướt, bạn bè chọc vậy”.
Tôi có cái máy chụp hình hiệu Petri, còn gọi là bể trí, ống kính xuống cấp chụp tấm nào tấm nấy cứ mờ mờ như sương phủ nhưng hễ khuôn hình có Ly đứng vô, rửa tấm ảnh thấy sáng rực. Chẳng lẽ cái máy nó cũng ưa người đẹp hay sao!
Kỳ lạ, khi tỏ ra đàn anh với Ly tôi dạn dĩ lắm, giúp em đủ thứ, triết lý đủ thứ. Nhưng hễ nghĩ đến chuyện yêu em, cộng thêm đôi mắt hồ thu của em nhìn là tôi tim đập chân run. Có lẽ sâu kín hồn tôi thấy mình không xứng với cô gái quá đẹp như vậy. Em dịu dàng kiêu sa trong từng cử chỉ, lời nói. Tôi chưa thấy em cười to, nói to bao giờ.
Những dịp nghỉ dài như Tết hay hè, ngày trở lại trường tôi mong được thấy em, lòng bồi hồi nhung nhớ. Nhưng thấy em rồi tôi làm bộ lơ, kiểu tâm trạng của người yêu thầm. Em chạy lại nắm nhẹ tay tôi, trách: “Lâu lắm mới gặp lại, không hỏi thăm người ta được một câu, con trai gì mà lạ”. Em làm tôi vui sướng nhưng cũng chỉ dừng ở mức ấy, không dám tiến thêm. Ngày nhà giáo, em tặng tôi cái nịt, nói: “Tặng anh cái này thắt lưng buộc bụng để dành tiền cưới vợ”. Nói xong em cười lộ cái răng khểnh, dễ thương quá chừng, muốn hôn em thắm thiết.
Nghe phong thanh Ly có mối tình sâu đậm thời sinh viên. Mọi người lấy lý do đó giải thích vì sao cô Ly đẹp vậy mà chưa có người yêu. Hai năm sau Ly chuyển công tác về quê ở Khánh Hòa. Ngày em mang vali ra đón xe đò, em nói với tôi, rưng rưng: “Chỉ có chút anh ở đây, anh chê em, em phải về thôi”. Tôi chưa kịp phản ứng, xe đò đã trờ tới.
Tôi xót xa mấy tháng trời. Mình ngu quá. Rõ là em tưởng tôi chê em vì em đã có một mối tình ấm ớ gì đó. Ly ơi, không phải vậy đâu, chỉ là tôi thấy em đẹp quá nên tôi sợ. Sợ có quá nhiều người yêu em mà tôi thì không đủ tự tin mình nổi trội trong số đó. Tôi chẳng mấy đẹp trai, nghèo, đến cả cái lý lịch cũng nghèo.
Mỗi lần hát Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn, nước mắt tôi cứ ứa ra, đôi khi xúc động quá phải ngưng: ...Nàng đi gót hài xanh / Người đi cho dạ sao đành / Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa... Đời nghèo không lối thoát / Em tôi đành thôi, cúi đầu mà đi. Chia ly như liều thuốc đắng nuôi mảnh tình đầu dằng dai sống mãi trong tôi. Tôi cứ luôn làm kẻ đi bên lề của tình yêu đôi lứa. Người ta bảo tôi là tuýp chàng trai thiếu cái dũng đời thực nhưng dư tình hư ảo. Thứ tình yêu siêu hình, siêu ảnh cứ ám riết vô tôi, chưa có dấu hiệu chấm hết.
Tình đầu giống như “đẹp” vậy, có ai định ra phải thế này thế kia đâu, nên Ly là mối tình đầu của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận