Buổi chiều cao nguyên lạnh căm nhưng tấm áo của chị ướt đẫm mồ hôi. Khi những muỗng bột cuối cùng đã hết, chị vội vã chạy thật nhanh về căn nhà nhỏ, nơi có người chồng và cô con gái đang nằm một chỗ.
Phóng to |
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Trụ cột cuối cùng
Đã gần 10 năm nay, buổi chiều nào của chị Nguyễn Thị Tuấn cũng tất tả như vậy.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình chị Tuấn ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, Gia Lai, cô con gái bị bệnh bại não nằm cong người trên tấm chiếu rách nát, khua khoắng chân tay loạn xạ, miệng ú ớ. Bên kia bức vách người chồng nằm bất động một chỗ, gần như không biết gì. Bố mẹ chồng đã già yếu ở bên cạnh cũng nghèo khó. Nghe có khách tới nhà, người phụ nữ có thân hình nhỏ thó ấy chạy từ chiếc lán ngoài bờ sông về, hai tay vẫn còn dính bột, bộ quần áo lấm lem tro trấu. Chị đang tráng dở mẻ bánh, khuôn mặt vẫn còn đỏ ửng vì lửa bếp.
Chị Tuấn quê ở tận Sa Thầy (Kon Tum), năm 1993 chị kết hôn với anh Đỗ Văn Tính lúc đó là bộ đội đóng quân tại quê chị. Xuất ngũ, vợ chồng dắt nhau về quê anh ở Ayun Pa. Bố mẹ hai bên đều nghèo. Đôi vợ chồng trẻ đi làm thuê làm mướn mong xây dựng cho gia đình bé nhỏ của mình một hạnh phúc. Một năm sau, cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Khánh Linh chào đời trong niềm hạnh phúc của anh chị. Cô bé bụ bẫm đáng yêu nhưng tới tháng thứ 6 trở đi bắt đầu có triệu chứng không bình thường. Chị đưa con đi khám mới biết Linh bị bại não. Vợ chồng lao vào làm lụng để có tiền chạy chữa cho con. Bệnh viện nào hai vợ chồng cũng bế con tới, nhưng đều nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Bé Linh ngày càng dặt dẹo, chân tay cứng đờ lại. Chị khóc cạn nước mắt với con.
Rồi vợ chồng chị cũng nguôi ngoai phần nào khi bé Toàn và bé Thảo ra đời đều khỏe mạnh bình thường. Hai vợ chồng chăm chỉ cuốc rẫy trồng trọt, chăn nuôi để có miếng ăn nuôi ba đứa con. Chị nghĩ có lẽ cô con gái đầu lòng đã gánh hết tất cả cái họa của gia đình. Thế nhưng một lần nữa bất hạnh lại ập tới vào một ngày đầu năm 2003, anh Tính có xích mích nhỏ với người hàng xóm, bị đánh đến ngất xỉu. Nghe tin chồng bị đánh phải đi cấp cứu ở bệnh viện, chị Tuấn hoảng hốt từ rẫy chạy về. Lúc tới bệnh viện thì chồng đã không biết gì. Anh bị chấn thương sọ não phải sống đời thực vật. Tim nhói đau, chị bàng hoàng ngất lịm. Khi tỉnh dậy ý nghĩ đầu tiên đến với chị:“Thôi, từ nay mình phải là cái trụ cho chồng con bám vào. Mình yếu cả nhà sẽ bị đổ thôi”.
Những đồng tiền đền bù của người hàng xóm không thể đủ trang trải tiền thuốc cho chồng, chị đi vay khắp nơi, bán hết tài sản để cố cứu chồng tỉnh lại. Nhưng não của anh chẳng bao giờ hoạt động nữa. Cơ thể như một cây khô bất động giữa rừng.
Phóng to |
Và niềm hi vọng của mẹ vẫn còn - Ảnh: Ngọc Nga |
Niềm hi vọng nơi Bến Mộng
Ngày chị đưa chồng từ bệnh viện về, căn nhà trống hoác chỉ còn độc chiếc giường. Nhìn chồng con cùng nằm bất động, chị thấy cuộc đời như dừng lại vĩnh viễn rồi. Sáng dậy, việc đầu tiên chị làm là đi chặt cây về dựng lán làm bánh tráng. “Đi làm mướn thì không chăm sóc được chồng con, ở nhà tráng bánh là tốt nhất” - đó là kết quả của một đêm thức trắng để nghĩ về tương lai. Căn chòi nhỏ dựng trong mảnh đất chật hẹp không có chỗ để phơi bánh. Chị hì hụi dỡ lán ra bãi đất trống bên cầu Bến Mộng, cách nhà chỉ chừng 500m. Mùa nắng chị tráng bánh, mỗi ngày được chừng 50.000 đồng tiền lời, tạm đủ lo miếng ăn cho chồng cho con. Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có những ngày con ốm đau chị phải dốc hết tiền vốn để mua thuốc. Tiền hết, chẳng có bột để tráng bánh, chị Tuấn lại chạy đi vay mượn, chờ tráng mẻ bánh mới mà trả nợ. Rất nhiều lần cả nhà phải ăn bánh tráng với nước mắm thay cơm.
Cơn lũ lớn năm ngoái, căn chòi nhỏ của chị bên cầu bị dòng nước cuốn trôi. Giữa dòng nước dữ, mình chị vật lộn để cứu mấy bao bột với bộ nồi tráng bánh. Người ta bảo chị liều, còn chị thì hiểu rằng không giữ được nó, cả nhà cũng sẽ chết mà thôi. Mùa mưa không thể phơi được bánh tráng chị nhận giỏ mây về đan. Cuộc sống với chị, chỉ còn hai mùa mưa và nắng như thế.
Khi bé Toàn và bé Thảo đến tuổi đi học, chị phải xoay thêm đủ nghề để hai con được đến trường. Từ đan giỏ, nhặt ve chai đến buôn trái cây. Ngày nào chị cũng xoay như chong chóng. Chồng và con gái, chị phải nhờ bố mẹ già trông nom giùm. Cả nhà đùm bọc nhau sống qua ngày.
Không ít lần Toàn và Thảo thấy mẹ khổ cực quá bèn gói hết cặp sách gác lên nhà đòi nghỉ học để ở nhà phụ mẹ. Chị tức quá bắt hai đứa quỳ một buổi, tới lúc chúng chịu đi học mới tha. “Hai đứa phải học sau này mẹ yếu đi còn thay mẹ làm cái trụ cho cả nhà bám vào chứ” - chị căn dặn con. Hiểu lòng mẹ, Toàn năm nay học lớp 9, Thảo học lớp 7 đều cố gắng học khá. “Hai đứa nó mà vô được đại học, khổ đến đâu tui cũng nuôi. Tụi nó là niềm hi vọng cho cả nhà mà”- người mẹ ấy kiên quyết.
Mới đây, gia đình chị được chính quyền xây tặng một căn nhà tình thương thay cho căn nhà lụp xụp trước kia. Căn phòng rộng trong căn nhà nhỏ dành cho hai người bệnh nằm, ba mẹ con chị chen chúc nhau trong căn phòng chật hẹp mà thấy đời đã ấm đôi chút rồi.
Sau một ngày làm lụng, việc chị phải luôn luôn làm là trò chuyện với người chồng và đứa con bệnh tật với ước mơ về điều kỳ diệu nào đó: “Hôm trước đi chợ tui lượm được tờ báo cũ viết về chuyện có người bên Trung Quốc sống đời thực vật không biết gì mà còn tỉnh lại sau mấy chục năm. Chồng tui chí ít cũng biết ăn cơm. Mình cứ trò chuyện, biết đâu được...”. Ừ, thì biết đâu được! Nhìn ánh hi vọng bừng lên trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ nơi Bến Mộng này, tôi ước ao về một phép lạ nào đó. Rằng một ngày Bến Mộng sẽ sáng bừng lên trong niềm hạnh phúc, giống như trong truyện cổ tích rằng người đàn bà khó nghèo nhưng tận tâm thì kết truyện thế nào cũng sẽ được về bến bờ hạnh phúc vậy...
_______________________
Có một người đàn bà làm nghề vá xe nhưng lại đi học điện để biết sửa cái cầu chì, bởi nếu chị không biết thì cả căn nhà ấy sẽ chìm trong tăm tối.
Kỳ tới: Người đàn bà sửa xe
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận