Những đứa trẻ ngày nào đã lớn và “quẫy đạp” trong bầu sinh quyển của âm nhạc. Nhiều màu, đa thanh, dù mainstream hay underground/ indie cũng đều “mở” hoàn toàn, không khép nép.

Vài mầm gió mới của thế hệ ấy đang bước những bước đầu tiên và bắt đầu nỗ lực viết tên mình vào tương lai của nhạc Việt, ít nhất trong thập niên này.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 1.

Một lần người viết bài này có nhắc đến ca khúc Tóc ngắn do Mỹ Linh hát như một trong những “biểu tượng” của văn hóa đại chúng mà 8X nào cũng đều biết, nhà văn Nguyễn Trương Quý mới đùa: “Giờ nghe con gái Mỹ Linh hát, chứ ai nghe Mỹ Linh hát nữa”.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 2.

Câu nói vui của Trương Quý khiến người khác phải giật mình: thời gian trôi nhanh quá. Cô bé Mỹ Anh ngày nào bé tí, rụt rè cùng mẹ Mỹ Linh hát Em đi giữa biển vàng giờ đây đã là nghệ sĩ trẻ Việt Nam đứng trên sân khấu lễ hội âm nhạc Head In The Clouds hát cho khán giả quốc tế nghe những ca khúc do mình tự sáng tác. Sự kiện do 88rising - một hãng đĩa quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của châu Á - tổ chức, cô nàng đến đó với lời mời chính thức.

Người viết chọn Mỹ Anh, 19 tuổi, một gen Z chính hiệu, một gương mặt trẻ nổi bật ở thời điểm hiện tại (xét ở bình diện cá tính âm nhạc lẫn độ phủ sóng) để bắt đầu câu chuyện thế hệ cũng như thay lời muốn nói: Chào những người rất mới của âm nhạc Việt Nam.

Và khi những người lớn nói với nhau nhạc Việt đang “đứt gãy” thế hệ, thậm chí khủng hoảng thế hệ, có một thế hệ cuối gen Y tới gen Z (được sinh ra từ những năm 1990 tới cuối những năm 2000) đã kịp lớn, bắt đầu xác lập “tiếng nói” của mình. Dẫu được chào đón hay không, dẫu sự tạo dạng còn khiến người ta e dè và nghi ngại, ở đâu đó, ở khía cạnh nào đó, có một sự thật khó phủ nhận: không ai ngăn được một làn sóng mới đang đến. Từ phía những người tạo xu hướng lẫn khán giả của họ.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 3.

Nếu thế hệ trước lớn lên trong thời buổi công nghệ còn sơ khai, là những người đầu tiên được trải nghiệm video ca nhạc, thời mà Làn sóng xanh, VTV Bài hát tôi yêu, hoàng kim của băng đĩa, poster nghệ sĩ... phủ ngập thì tới thế hệ này, công nghệ dường như đã in sâu vào ADN của họ.

Internet làm thay đổi logic tiêu dùng và quá trình sản xuất âm nhạc. Giờ đây chẳng cần phụ thuộc vào radio, CD hay các buổi hòa nhạc, live show, khán giả cũng có thể được trải nghiệm trực tiếp, cập nhật những xu hướng mới nhất của thị trường âm nhạc chỉ trong nháy mắt.

Đặc biệt, mức độ quan tâm của công chúng tới nghệ sĩ, nghệ thuật - giải trí cũng như thị hiếu của khán giả - dưới sự trợ giúp của Internet và các thuật toán của nó - có thể định lượng được.

Một trào lưu âm nhạc đang thịnh hành, một ca khúc đang “hot”, một nghệ sĩ có bao nhiêu fan, bao nhiêu lượt theo dõi... tất cả đều có các con số, trở thành bằng cớ “giấy trắng mực đen” theo một cách rất đặc biệt về thời chúng ta đang sống.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 4.
Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 5.

Những gen Y, gen Z đang thay đổi dần cách kể chuyện của mình. Nếu phải đưa ra một cụm từ để diễn tả chính xác nhất trạng huống âm nhạc của họ thì có lẽ là “chưa xác định được”.

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc có phần yên ổn với những phong cách, trào lưu âm nhạc, những gương mặt được xác lập và vận hành khá buồn tẻ, thiếu sự đa dạng thì diện mạo đa dạng và “đang phát triển” của thế hệ này cho thấy những tín hiệu tích cực, đáng chờ đợi của thị trường âm nhạc Việt Nam.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 6.

Các thành viên của thế hệ này coi âm nhạc là một công cụ để biểu lộ tâm thức thế hệ. Mỹ Anh nói mọi người thường quy nhóm gen Z lại thành một cách sống, cách ăn mặc. Phải thế này thế kia mới là gen Z, hoặc gen Z phải nói thế này thế kia. Nhưng không chỉ thế.

Theo cô nàng 2K này, “gen Z không phải là tên gọi chung cho cách họ thể hiện cá tính mà chỉ nên được hiểu rằng bọn mình rất khác nhau, trong đó điểm chung là năng lượng tích cực và sự tự do thể hiện bản thân”.

Hay việc sử dụng tiếng Anh trong viết ca khúc, khi ngồi nói chuyện với Hồ Trâm Anh, người có số lượng ca khúc sáng tác bằng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, thì 9X này nói khi viết cô không nghĩ tới việc ngôn ngữ nào thời thượng hơn ngôn ngữ nào.

Trong vùng biểu cảm của cô, tất cả ngôn ngữ vang lên đều bình đẳng và có sắc thái biểu đạt của nó. Cô để cảm xúc dẫn dắt một cách tự nhiên. Lúc nào tiếng Anh đến trong tâm trí, thấy nó đồng điệu với nhịp điệu cảm xúc của mình thì sẽ viết bằng tiếng Anh và ngược lại. Cũng không phải vì viết tiếng Anh mà khi viết ca khúc bằng tiếng Việt thì ngôn ngữ mẹ đẻ bớt đẹp hơn.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 7.

So với các anh chị đi trước, âm nhạc của lứa nghệ sĩ này đậm màu cá nhân hơn. Trong một lần trò chuyện, TÙNG chia sẻ cũng như các lĩnh vực khác, âm nhạc đang ngày càng trở nên tự sự hơn. Thậm chí album đầu tay của anh chàng sinh năm 1993 này ra mắt năm 2020 còn có tên là 26: Individualism (Tự sự).

Hay tự sự như cách Ngọt viết Em dạo này, Lần cuối, Cho tôi đi theo, Không làm gì...; Sol7 đưa quê hương Bồng Sơn vào rap; Marzuz mở ra không gian âm nhạc riêng tư nhưng cũng đầy mật thiết của mình; Cá Hồi Hoang tự vấn bản thân là “người não trái mơ mộng hão” dọc dài các sáng tác... Mỗi người một lối diễn đạt về chính mình, qua đó bộc lộ tính cách âm nhạc của họ.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 8.
Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 9.

Gặp HUB ở “đại bản doanh” mới trên phố Âu Cơ, Doãn Hoài Nam - “thủ lĩnh” của ban nhạc - kể về những ngày “cả lũ” chơi nhạc trong bóng tối. 7 năm sau ngày thành lập, năm anh em vẫn chơi live ở một số tụ điểm nhỏ của thủ đô là chính, trong khi đó dưới những bản thu chưa hoàn chỉnh trên YouTube, khán giả suốt ngày “kêu gào” HUB “ra album đi”, “ra bản nét căng” đi.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 10.

Có thời điểm đứng trước rìa vực buộc phải lựa chọn, nhóm “vét” sạch tiền trong túi, vay tiền để tổ chức tour xuyên Việt với chi phí chưa đến 20 triệu đồng để nói lời tạm biệt những người yêu mến.

Chính hành trình đó thêm một lần nữa nhắc HUB về giấc mơ ban đầu, giấc mơ với âm nhạc. Thế là mấy anh em lại tiếp tục lao vào nó như thiêu thân.

“Lâu nay anh em làm nghề khác để nuôi âm nhạc. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc HUB phải xác định muốn đi lâu với âm nhạc thì HUB phải làm gì”.

Doãn Hoài Nam kể có vài hãng thu âm đặt vấn đề hợp tác, nhưng vì “chưa sẵn sàng đối mặt với áp lực” nên tới giờ ban nhạc vẫn chưa có cho riêng mình album đầu tay, dù số lượng bài đủ để làm cả ba album cùng lúc.

Các cậu đang cố gắng thu âm để đầu năm 2022 ra mắt sản phẩm trình làng đúng nghĩa. “Chàng thơ” của HUB nói để nổi cộm thì có nhiều cách, nhưng HUB chọn con đường “tự do nhất”. HUB muốn, ít nhất với album đầu tay, các cậu được làm từ A tới Z mà không bị phụ thuộc vào quy chuẩn của bất cứ ai.

Có cậu con trai cả bước chân vào thế giới rap được 14 năm nhưng mỗi lần hàng xóm hỏi “thằng Tân nó làm gì” thì bố của Sol7 (tên thật Vương Ngọc Tân) chỉ trả lời một cách đại khái “nó làm mấy thứ lặt vặt ở Sài Gòn”.

Phải đến khi tập 3 - Rap Việt mùa 2 kết thúc, cái tên của Sol7 bùng nổ trên mạng xã hội, chàng trai xứ Bồng Sơn (Bình Định) này mới cảm thấy như thoát khỏi “tảng đá vô hình trong lòng bao lâu nay”. Bởi từ bây giờ bố cậu sẽ tự hào mà trả lời “nó là một rapper”.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 11.

Sinh năm 1992 nhưng có tới 14 năm âm thầm rap trong bóng tối, sống hết mình, thăng hoa, cũng từng rã rời, từng đắng cay muốn bỏ cuộc, được xem là một người có sức ảnh hưởng trong giới, nhưng hơn ai hết, Sol7 cũng thấm thía như thế nào là “đời đá vàng”.

Băn khoăn mãi mới quyết định một lần “ra sáng”, Sol7 kể về sự run rẩy trước thứ ánh sáng mà cậu không quen mắt lắm. Cậu không có nhu cầu nổi tiếng, nhưng việc ra sáng mang đến cho cậu nhiều cơ hội mới, khán giả mới - đó là điều mà trước giờ, underground với giới hạn của mình, ít nhiều định chế người nghệ sĩ.

Nhiều nghệ sĩ underground có mục tiêu cuối cùng là trở thành nghệ sĩ mainstream. Nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng.

Nếu mặc định của không ít người rằng mác “underground” có nghĩa là nghệ sĩ vẫn chưa đạt được thành công trong nghề nghiệp thì thực tế vẫn có một số nghệ sĩ sẵn sàng hoạt động ở tầng ngầm trong toàn bộ quá trình của họ. Hồ Trâm Anh là một ví dụ.

Những thể nghiệm âm nhạc giúp 9X này thoát khỏi căng thẳng và làm sống động tâm hồn. Trâm Anh nói cô thích nhìn âm nhạc như một thứ “đam mê thân mật vĩnh viễn”.

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 12.

Dù HUB, Sol7, Hồ Trâm Anh nói riêng hay gen Y, Z nói chung lựa chọn hướng đi như thế nào, một điều dễ nhận ra: không ít người trong số họ là những người hiểu bản thân muốn gì.

Và không phải tự nhiên khi Mỹ Anh quyết định làm mới bản hit Một ngày mới (Huy Tuấn) vốn gắn với tiếng hát của ca sĩ Hồng Nhung - người cùng thế hệ với mẹ Mỹ Linh của mình, hay khi cô nàng đứng trên sân khấu lễ hội Head In The Clouds và giới thiệu “I am from Việt Nam” (Tôi đến từ Việt Nam), có người đã không ngại dành những lời có cánh và gọi đó là “một cột mốc lịch sử ghi nhận thời khắc quan trọng của âm nhạc Việt Nam”.

Với thế hệ này, âm nhạc trở thành một thứ ngôn ngữ, một phương cách đặc biệt nhất để những người trẻ - dù dị biệt hay đại chúng, dù ở trong tối hay ngoài sáng - “giải mã” chính mình, đồng thời bước qua những giới hạn và cả không - thời gian.

Nói như Hoàng Huy Thịnh, sáng lập fanpage Cổ Động, không có điều gì có thể bó buộc họ - những tài nguyên của nhạc Việt trong những năm kế tiếp. Hơn nữa, còn gì đẹp hơn trái tim của những người trẻ và đang “mở”?

Những mầm gió gen Y, Z: Cú chạm thế hệ vào tương lai nhạc Việt? - Ảnh 13.

TÙNG HẠ
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp