Ảnh minh họa. Nguồn: suckhoecongdongvn.net
Suy tim là tình trạng tim không tống đủ lượng máu để nuôi cơ thể. Suy tim là hội chứng phức tạp và khó chữa khỏi. Tuy nhiên, chúng ta có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Một bệnh nhân bị suy tim, không có nghĩa là tim đã ngừng đập hay rơi vào ngõ cụt. Hiểu đơn giản, đây là tình trạng tim của bệnh nhân đang bơm máu kém hiệu quả. Dưới đây là những chia sẻ về những lưu ý chăm sóc điều trị bệnh nhân suy tim.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cần được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Bệnh nhân nên được tham vấn ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp.
Nhìn chung, bệnh nhân luôn được khuyên giảm natri (muối) trong khẩu phần ăn để cơ thể không bị tích nước và làm giảm nhẹ gánh nặng cho tim. Lượng natri được khuyến cáo là không quá 2.000 mg (2 gam) mỗi ngày, và ít hơn 1.500 mg là lý tưởng. Bệnh nhân bị suy tim nặng, cần phải ăn nhạt hoàn toàn.
Cần giảm tối đa chất béo khi ăn. Cụ thể, hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán...
Nên chú ý và bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ,... Nếu bệnh nhân bị mệt mỏi, khát nước nặng, đi tiểu nhiều hay thay đổi nhịp tim, hãy gọi cho bác sĩ ngay để có hướng điều trị thích hợp.
Người bệnh suy tim không nên uống quá 1,5 lít nước/ ngày và tối đa 1 lít/ ngày với bệnh nhân suy tim nặng. Lượng nước bao gồm nước uống và nước có sẵn trong thực phẩm.
Cần hạn chế rượu bia, ngưng thuốc lá và hạn chế tối đa café và các loại nước tăng lực.
Chế độ tập luyện và thể dục
Bệnh nhân suy tim được khuyên nên theo dõi cân nặng hàng ngày. Cần theo dõi và giảm cân nếu cần thiết, duy trì cân nặng ổn định. Nếu tăng 1 kg mỗi ngày hoặc hơn 2 kg mỗi tuần, bạn nên đi khám ngay.
Khi căng thẳng, tim sẽ làm việc nhiều hơn gây áp lực trực tiếp cho tim. Đối với bệnh nhân suy tim thì càng khó khăn hơn nữa. Vì thế, cần giữ tinh thần sảng khoái.
Các môn thể thao được khuyến khích như: Đi bộ và bơi lội, đạp xe… trong 30 phút/ngày và 5 lần/tuần. Hãy bắt đầu vận động thật chậm nếu thấy mệt thì ngưng lại. Cần tránh những bài tập mang tính đối kháng, cạnh tranh cao, khiêng vác nặng…
Nghỉ ngơi luôn tốt cho tim. Bệnh nhân suy tim đừng bỏ qua giấc ngủ trưa, tối khi ngủ nằm đầu cao, không ăn quá no trước khi ngủ.
Thuốc và theo dõi điều trị
Để giảm bớt triệu chứng suy tim sung huyết, bác sĩ có thể kê toa nhiều loại thuốc, kể cả thuốc lợi tiểu, digoxin, thuốc giãn mạch và các loại thuốc khác. Khi sử dụng thuốc điều trị suy tim hay ngưng thuốc, bạn đều phải hỏi ý kiến bác sĩ để tránh tác dụng phụ của thuốc gây ra.
Các lưu ý quan trọng bệnh nhân cần được nắm rõ như: Tái khám đúng hẹn; uống thuốc vào giờ cố định; giữ các toa thuốc cẩn thận; không nên tự ý uống bù thuốc nếu quên trước đó…
Không tự ý sử dụng toa thuốc hoặc bỏ điều trị bởi vì có thể bệnh nhân khỏe hơn nhiều là nhờ điều trị không có nghĩa là đã hết bệnh. Khi dùng thêm thuốc ngoài thuốc chữa suy tim cần thông báo cho bác sĩ biết và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Theo dõi điều trị
Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần theo dõi thường xuyên huyết áp và cân nặng của mình.
Có 3 thang mức độ bệnh của suy tim, cần theo dõi và đối chứng. Khi bệnh nhân xuất viện, phải để ý việc chân và bụng của bệnh nhân có phù hay không… Nếu xuất hiện những dấu hiệu này có nghĩa bệnh nhân đang ở mức vàng (trong hình), cần được tái khám sớm nhất có thể.
Các mức độ bệnh của suy tim
Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm cần phải lập tức hành động: Khó thở dữ dội, đau ngực dữ dội, choáng váng mơ hồ, tri giác bất thường… Đây là những triệu chứng ở mức đỏ, cảnh báo cần được nhập viện cấp cứu.
Chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể chất cũng cần được tuân thủ nghiêm ngặt như đã trình bày ở trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận