Bác sĩ đang tư vấn cho một thai phụ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngoài những lo lắng thường gặp của một thai phụ, những chị em có ngày dự sinh vào dịp Tết Nguyên Đán còn thêm nhiều nỗi lo khác như không biết con mình sẽ chào đời vào ngày nào trong dịp Tết, bác sĩ mà mình chọn liệu có vào bệnh viện đỡ sinh giúp được không, dịch vụ bệnh viện ngày Tết có tốt không?...
Nên cố gắng duy trì thời gian biểu ăn uống, thư giãn điều độ như ngày thường để luôn có đầy đủ năng lượng, sức khỏe để chuẩn bị chào đón thiên thần bé bỏng của mình"
ThS.BS Lương Thị Thanh Dung
Chuẩn bị gì, ăn gì uống gì?
ThS.BS Lương Thị Thanh Dung - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cung cấp thêm thông tin cho các bà mẹ: dù là đêm giao thừa hay ngày mùng một Tết, các bệnh viện đều có êkíp bác sĩ trực và các hộ sinh sẵn sàng giúp thai phụ vượt cạn. Do vậy, thay vì quá lo lắng khiến tinh thần căng thẳng, các thai phụ hãy suy nghĩ tích cực, tạo tâm lý thoải mái và chuẩn bị chu đáo mọi thứ.
BS Dung tư vấn: các thai phụ cần lập một kế hoạch chi tiết để bản thân và gia đình không bị bỡ ngỡ khi đến bệnh viện. Nên suy nghĩ theo hướng tích cực như sinh con vào những ngày nghỉ lễ, gia đình, người thân sẽ được nghỉ trong ngày lễ, sẽ chăm sóc sản phụ và bé được tốt hơn.
Các thai phụ có thể sẽ chuyển dạ bất kỳ lúc nào trong những ngày này, vì vậy phải chuẩn bị sẵn túi đồ đi sinh để có thể mang đi bệnh viện bất cứ khi nào có dấu hiệu sinh. Túi đồ này gồm tất cả những đồ đạc thiết yếu cho cả hai mẹ con trong những ngày nằm viện (khăn, sữa, tã, quần áo mẹ và bé...) cùng những giấy tờ: giấy khám thai, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảo hiểm...
Trong những ngày này, thai phụ vẫn cần khám thai đúng hẹn. Ngoài ra, cần sắp xếp người trực ở nhà, người chăm sóc khi chuyển dạ… và cũng phải chọn trước nơi sinh để yên tâm khi chuyển dạ.
"Ngày Tết, không chỉ mọi người mà cả chị em thai phụ cũng thường ăn uống, ngủ nghỉ thất thường vì bận rộn tiếp khách hoặc đi chơi xuân. Nếu bạn đã sắp đến ngày sinh thì nên hạn chế đi chơi xa hoặc di chuyển chúc Tết quá nhiều.
Cần theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời vào viện khi cần thiết. Cạnh đó, lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tránh ăn quá nhiều đồ giàu đạm, dầu mỡ, thiếu chất xơ, vitamin và nên có chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng, uống đủ nước", BS Dung khuyên.
Có dấu hiệu chuyển dạ, đến cơ sở y tế ngay
Khi có những dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ, các thai phụ nên lưu ý để kịp thời đến cơ sở y tế.
Những dấu hiệu này gồm: âm đạo chảy ra chất nhầy màu hồng; đau bụng từng cơn đều - đau hết cơn này đến cơn khác, khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng ngắn, thời gian cơn đau ngày càng dài; vỡ nước ối sớm (âm đạo chảy ra lượng nước rất nhiều như đi tiểu tiện mà không thể khống chế).
Sau khi sinh con, trong thời gian "ở cữ", chị em cần tiếp tục lưu ý chế độ ăn uống. Nhất là những ngày Tết, trong nhà thường có nhiều loại thực phẩm, càng cần phải "tỉnh táo" để duy trì chế độ ăn khoa học, đúng mức.
Nên ăn đầy đủ tinh bột, đường, đạm, chất béo, nhất là rau xanh và các loại quả. Nên chọn thực phẩm tươi, tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng, các gia vị quá cay, chất cồn và các chất kích thích khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận