Ký sự của một người Pháp có một phần dòng máu Việt Nam về những lớp tâm tính Việt ở quốc gia láng giềng Campuchia, trong một thời đại bản sắc dần phai mờ, những biên giới dần nhạt nhòa mà quá khứ thì lúc nào cũng ám ảnh.

Trở lại Campuchia luôn mang tới cho tôi một cảm giác kỳ lạ. Ngay khi nhảy xuống chuyến xe đò từ TP.HCM hay rời chiếc máy bay ở phi trường Pochentong, tôi cảm thấy mình là một kẻ hoàn toàn xa lạ. Tiếng Khmer của tôi chỉ ở mức sơ đẳng, và tôi nhanh chóng lạc lối khi gắng giải thích với người tài xế xe tuktuk nơi mình muốn đến.

Dù đã ghé thăm vài lần, Campuchia hiện đại là đất nước tôi không hề biết rõ. Trong khi đó, Campuchia của quá khứ thì tôi lại được nghe kể nhiều rồi, hay thậm chí có thể nói là một phần của tôi thuộc về đất nước ngày xưa đó.

Cha tôi sinh ở Campuchia năm 1958, ông nội tôi là người lai Pháp - Việt, làm bác sĩ ở những vùng dọc sông Tonle Sap, còn bà nội là một phụ nữ Việt - Campuchia làm nghề y tá. Ông nội qua đời khi cha tôi mới 5 tuổi, năm 1963, nên bà nội đưa các con về sống bên dòng sông Bassac, nơi bà và họ hàng đã sống bao đời. Nếu phải gói ghém thời thơ ấu của cha tôi trong một hình ảnh duy nhất thì đó sẽ là một ngôi làng nổi, trên đó trẻ con nô đùa và bơi lội thỏa thích giữa những chiếc xuồng ba lá trong khi tiếng bom vang dội xa xa.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 1.

Một gia đình Campuchia sống ven sông - Ảnh: L. Raymond

Năm 1968, cha tôi sang Pháp học. Năm 1970, sau khi tướng Lon Nol đảo chính lật đổ Norodom Sihanouk, người Việt ở Campuchia bị truy bức tàn bạo, thậm chí đã xảy ra thảm sát. Khoảng nửa triệu người Việt - Campuchia tập hợp trong những trại tị nạn quanh Phnom Penh, rồi chính quyền Sài Gòn đưa họ về lại Việt Nam. Họ hàng tôi cũng trong số đó, họ chuyển tới sống ở Đồng Nai, ngày nay vẫn còn vài người.

Bà nội tôi mất, rồi cuộc chiến kết thúc và cha tôi không thể về lại Đông Nam Á cho tới khi ông đã lớn và sinh ra tôi hồi những năm 1990. Nhưng tôi thấy ông vẫn giữ cho mình một nỗi u hoài cố hương khó tả về đất nước nơi ông lớn lên. Campuchia với ông là một thiên đường đã mất, nơi ông để lại thời thơ ấu của mình.

Tôi nghĩ mình cũng tìm kiếm điều đó mỗi lần ghé thăm Campuchia: Tôi muốn hiểu cuộc đời của gia đình mình dọc dòng sông những năm 1960 đấy. Tuy nhiên, quá khứ đã xa vời, và tôi hiểu mình chẳng níu kéo được gì. Trở lại Campuchia vào tháng 12-2022, tôi đành tìm cách khác: tôi gắng gặp gỡ những người Việt sống dọc dòng Bassac và Tonle Sap để hiểu hơn cuộc đời họ.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 2.

Sáng sớm, tôi lên đường đi Ta Khmau, một thị trấn nhỏ ở cực nam Phnom Penh, trên một chiếc xe máy thuê ngày hôm trước. Dù còn sớm, Mặt trời đã thiêu đốt, con đường tấp nập xe tải cuốn bụi mịt mù.

Cha tôi kể ông sống ở ngôi làng tên là Co Go, nhưng suốt bao năm tôi không tìm được nó trên bản đồ. Cái tên Co Go có vẻ không còn tồn tại. Jean-Claude Pomonti, một nhà báo Pháp từng đưa tin về chiến tranh ở Campuchia năm 1970, cho rằng vùng này bị viên tướng Khmer Sosthène Fernandez san thành bình địa và những ngôi làng mới được xây lên ở chỗ cũ hồi những năm 1980. Tuy nhiên, tôi biết một nơi tên Kor Koh đâu đó ở ngã tư đường 21 và 21A, và Co Go chính là Kor Koh khi phát âm tiếng Việt. Hơn nữa, địa điểm đó khớp với những gì cha tôi đã kể: cách Phnom Penh từ 45 phút tới một tiếng đi bằng xe máy hay tuktuk.

Tôi tới Kor Koh tầm 9 giờ sáng. Ngôi làng trải dọc dòng sông, những căn nhà sàn bên bờ nước. Hầu như nhà nào cũng có một chiếc xuồng nhỏ để đi ngang dòng Bassac tới một cù lao trên sông. Tôi nghe kể cù lao đấy từng là nhà tù và khu hành quyết thời Khmer Đỏ. Nhìn xa xa, tôi chỉ thấy cây cối xanh rì.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 3.

Những căn nhà ở Kampong Luong - Ảnh: L. Raymond

Tôi hỏi xem có người Việt sống ở đây không, nhưng chẳng ai hiểu tôi nói gì. Tôi lang thang trong làng, có phần chán nản, rồi dừng chân ở một quán cà phê, nơi tôi gặp hai người Khmer trẻ nói tiếng Anh. Họ nói tôi phải tới S’ang, cách đó 10 cây số nữa về phía nam, nếu muốn hỏi chuyện về người Việt.

Ở chợ S’ang, tiệm kim hoàn đầu tiên tôi thấy là một gia đình Việt - Campuchia. Họ chỉ biết mơ hồ về Co Go nhưng nói với tôi có một nhà thờ Công giáo gần đó, xung quanh có người Việt sinh sống. Tôi lại leo lên xe máy. Ở nhà thờ, tôi hỏi thăm vị linh mục, nhưng ông đang ở Thái Lan khám bệnh. Tôi đành trò chuyện với người phụ nữ sống trên một căn nhà sàn ven sông. Tôi không ngờ mình lại có nhiều điểm chung như vậy với cô.

Cô Hà sinh ở Co Go năm 1967, và giống như tôi, gia đình cô trở về Việt Nam sau cuộc đảo chính năm 1970. Cha mẹ cô về sống ở An Giang, làm nông, nhưng đời sống nhọc nhằn quá. Vì vậy ngay sau khi Campuchia thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ, gia đình cô đã trở lại. "Chúng tôi đi theo bầy cá trên sông", cô Hà kể. Cô sống ở đây từ năm 1980, và đời sống không thay đổi nhiều 42 năm qua: dưới căn nhà sàn là một chiếc xuồng câu.

Tôi hỏi cô về cuộc sống ở Co Go, cô còn nhớ vị linh mục người Pháp ở đó những năm 1960. Còn ngạc nhiên hơn, cô biết ngôi làng mà tôi có họ hàng sinh sống sau năm 1970 ở Đồng Nai. Cô Hà không nói tiếng Khmer, không có quốc tịch Campuchia, nên phải trả 250.000 riel (1,5 triệu đồng) mỗi năm để nhận thẻ cư trú tạm thời. Qua gia đình và bè bạn, cô vẫn còn rất nhiều mối quan hệ với Việt Nam, nhưng cuộc sống của cô là ở đây. Con cái cô đều học tiếng Khmer ở trường.

Trên đường trở về, tôi đi dọc sông Bassac. Cuộc sống của cô Hà rất có thể đã là cuộc sống của cha tôi. Nhưng lịch sử không có giả thiết và nhiều khi rất vô tình: những đứa trẻ phải rời quê hương, những người khác phải sống ở một đất nước họ không thể thành công dân dù đã sinh ra và sống ở đấy từ bao đời.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 4.

Ở Phnom Penh, tôi ở gần một cây cầu Nhật Bản hỗ trợ Campuchia xây năm 1994 bắc qua sông Tonle Sap tới bán đảo Chroy Changvar. Sau cây cầu là quận Russey Keo, nơi nhiều người Việt - Campuchia từng sống hồi thời Pháp. Hầu hết họ làm nghề đánh cá trên sông, nhưng cũng có những tiệm cơ khí dọc con đường đi Oudong và Kompong Chnang, và có cả người làm công chức trong bộ máy hành chính Pháp. Đâu đó đầu những năm 1950, ông nội tôi đã sống và làm việc ở đây, trước khi sinh cha tôi, và tôi háo hức muốn khám phá khu đấy.

Tôi đi bộ qua cầu tới tận đường quốc lộ số 5. Tôi nhận ra hai bên đường, các cửa tiệm vẫn bán đồ cơ khí như gần 100 năm trước. Tôi dỏng tai lên, nhưng người ta chỉ nói tiếng Khmer, đến khi tôi nghe được hai người chửi thề bằng tiếng Việt. Đó có vẻ là hai cha con. Người cha tóc muối tiêu, cậu con trai hay người học việc tuổi còn thanh niên, họ đang sửa một động cơ gì đấy. Tôi giải thích với họ rằng tôi là nhà báo đang tìm hiểu về cộng đồng người Việt ở Campuchia. Họ chỉ cho tôi một con hẻm, nơi tôi sẽ gặp được người Việt.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 5.

Anh Dông bên xe mì xào của mình. Ảnh: L. Raymond

Loi ngồi ở bậc cửa nhà anh, cùng mấy người anh em nữa. Gần 30 tuổi, Loi kể câu chuyện giống với nhiều người Việt ở Campuchia: "Gia đình tôi sống ở đây nhiều thế hệ, nhưng họ bỏ đi những năm 1970 và trở lại những năm 1980". Loi sinh năm 1994 ở Campuchia và có quốc tịch; vừa đúng lúc: năm 1996, Quốc hội Campuchia thông qua Luật quốc tịch với mục tiêu ngầm ngăn người Việt cư trú ở Campuchia trở thành công dân. Luật đòi hỏi phải chứng minh dòng tộc đã sống ở Campuchia nhiều thế hệ mới có quốc tịch - điều gần như bất khả do chế độ Khmer Đỏ đã hủy phần lớn giấy tờ hành chính giai đoạn 1975 - 1979.

Tôi hỏi Loi về tình hình kinh tế của thanh niên trong cộng đồng. "Nếu có giấy tờ thì dễ thôi, việc không thiếu ở Russey Keo. Nhưng nếu không có giấy tờ thì phức tạp hơn, và cũng có người thất nghiệp". Loi, như nhiều người thuộc thế hệ anh, nói được hai ngôn ngữ, nên cũng dễ kiếm việc hơn. Nhưng cũng trong con hẻm đó, những người ngoài 40 tuổi mà tôi gặp không nói sõi tiếng Khmer.

Có nhiều lớp tâm tính Việt Nam khác nhau trong cộng đồng người Việt - Campuchia. Loi chẳng hạn, không có mối quan hệ với Việt Nam như cô Hà ở S’ang. Phủ lên trên những lớp tâm tính đấy còn là thế hệ, tôn giáo, nơi cư trú và điều kiện kinh tế. Chủng tộc không làm nên một cộng đồng đồng nhất, nhưng ngôn ngữ chắc chắn là mẫu số chung.

Qua bạn bè, tôi được biết có một người Việt bán mì xào ở Russey Keo nên đã tới thăm anh. Dông sinh ở Việt Nam vào năm 1992, là người Khmer Krom quê ở Trà Vinh. Anh tới Phnom Penh 9 năm trước. Học xong cấp ba, anh làm vài năm ở TP.HCM, rồi khi công ty anh mở nhà máy ở Phnom Penh, anh quyết định chuyển đến đó; nhưng không may nhà máy đóng cửa, Dông mất việc và bắt đầu bán mì xào.

"Tôi về Việt Nam một năm hai lần, để gia hạn thị thực ở Campuchia. Ở Phnom Penh dễ làm ăn hơn, nhưng tôi không có bảo hiểm gì hết". Do anh là người Khmer Krom, tôi cũng hỏi anh chuyện ngôn ngữ. "Tôi cần thời gian thích nghi. Tiếng Khmer Krom khác tiếng Khmer ở Campuchia, kiểu như tiếng Việt miền Bắc và miền Nam". Dông thấy thoải mái với cuộc sống ở đây: "Nếu về Việt Nam, tôi sẽ đi làm công nhân nhà máy" - anh nói, rồi có khách tới mua mì, giữa trưa, và có vẻ anh làm ăn được, khách xếp hàng dài.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 6.

Giấy tờ nhân thân của cha tôi ghi ông sinh ở làng Kompong Luong. Có hai làng Kompong Luong ở Campuchia, cả hai đều có người Việt sinh sống. Một làng bên bờ hồ Tonle Sap, cách Phnom Penh khoảng 160km, còn làng kia cặp bờ sông Tonle Sap, gần cố đô Khmer Oudong, cách thủ đô khoảng 30km. Theo lời kể của họ hàng, nhiều khả năng bà nội đã sinh cha tôi ở làng bên sông Tonle Sap do ông nội thường phải lên Phnom Penh vì công việc. Mất khoảng một tiếng thì tôi tới nơi.

Dọc con sông, tôi thấy thấp thoáng những ngôi chùa Việt và hội đường Hồi giáo của người Chăm. Đã tới giờ ăn trưa, tôi tới nhà hàng của một phụ nữ Việt kết hôn với vị mục sư Tin lành địa phương. Bà đang bán hàng và không có thời gian tiếp chuyện tôi, nên tôi lặng lẽ ăn cho tới khi chồng bà đến.

"Tôi sắp tới một ngôi trường ở làng bên cạnh, tôi dạy tiếng Việt cho trẻ em ở đó, cách đây khoảng 10km. Muốn đi với tôi không? Khoảng một tiếng thôi" - vị mục sư nói, giọng nhẹ nhàng, ông có vẻ là người rất đàng hoàng. Tôi đồng ý và nhảy lên chiếc xe hơi của ông. Tên ông là Dung, quê ở Trà Vinh. Ông tới Campuchia năm 1993 và ở lại tới giờ.

Ông lo lắng cho tương lai của ngôi làng: "Nhà nước tính làm kè bờ sông. Chưa biết 5 hay 10 năm nữa, nhưng dự tính là vậy. Như vậy thì những người sống ở nhà sàn ven sông sẽ phải di dời. Nếu họ phải lên sống trên bờ, ven đường, họ biết để xuồng ở đâu?".

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 7.

Lớp học tiếng Việt trên bè nổi của mục sư Dung. Ảnh: L. Raymond

Trường của mục sư Dung là một ngôi nhà nổi phải đi phà qua. Hôm nay chỉ có 1/3 trẻ tới lớp. Lúc đầu chúng tò mò về một người Tây nói tiếng Việt, nhưng rồi lớp học cũng bắt đầu, chúng học viết chữ cái tiếng Việt vào vở. Tôi đi lòng vòng bên ngoài một chút, và gặp một gia đình gần đó, vẫn câu chuyện cũ: họ bỏ đi những năm 1970, rồi trở về ngay khi có thể. Nhà họ là ở đây. Trên bàn có trái cây để trong túi nhựa, dưới gầm bàn là cá khô trong rổ lót lá dừa.

Lớp học đã tan, mục sư Dung đưa tôi về lại Kompong Luong. Ông mời tôi tới nhà thờ nổi của ông để giới thiệu một người bạn. Chuyến phà không tới năm phút, rồi tôi bước lên một nhà thờ nổi trang trí đẹp đẽ giữa dòng sông. Chào đón tôi là một người da trắng cao lớn ngoài 50, mắt xanh thăm thẳm.

"10 năm trước, tôi chưa bao giờ rời quê nhà Texas, còn giờ mỗi năm tôi lại trở về Campuchia để làm việc với mục sư Dung. Chắc là Chúa đưa tôi tới đây". Tên ông là Louis, giống tên tôi, ông cũng là mục sư Tin lành. Dung và ông ấy không nói chung ngôn ngữ, nhưng họ có vẻ hiểu nhau rất rõ.

Rồi chúng tôi trở về nhà hàng của cô Minh Trang, vợ Dung, để tôi phỏng vấn cô. Cô kể là hơn 15 năm, cô đã hợp tác với đoàn truyền giáo Tin lành để giải cứu phụ nữ và trẻ em bị ép buộc làm gái mại dâm ở Campuchia. Giờ cô sống trong làng, quản lý nhà hàng và giúp chồng.

Cô thấy còn nhiều việc phải làm, như những vấn đề hành chính mà người Việt vẫn gặp phải ở Campuchia: "Trên lý thuyết, ta có thể nộp đơn xin quốc tịch sau 6 năm cư trú, nhưng một số người Khmer không muốn người Việt có quốc tịch. Nói ngắn gọn, ai có tiền thì có giấy tờ, và những người khác chưa bao giờ có. Họ rơi vào tình trạng bế tắc: không phải người Campuchia, cũng không phải người Việt Nam. Họ không thể trở về Việt Nam, do không quen biết ai ở đó. Họ mắc kẹt ở đây". Rồi còn chuyện nhà cửa đất đai: "Nhiều người không có giấy tờ nên muốn bán nhà cũng không được, hay nếu họ phải di dời thì không được đền bù".

Đã tới lúc tôi ra về. Tôi chào tạm biệt vị mục sư, vợ ông và người bạn Mỹ của họ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ảnh hưởng ngày càng lớn của những người truyền giáo Tin lành ở đây, có thể so sánh với các linh mục Công giáo Pháp thời thuộc địa. Công việc xã hội là cách để tạo ảnh hưởng trong những cộng đồng còn khó khăn. Những đoàn truyền giáo Tin lành đã có mặt ở đồng bằng Mekong từ những năm 1920, nhưng sự hiện diện của họ tăng lên ở Campuchia từ những năm 1990.

Tôi cũng giữ trong tâm trí hình ảnh những đứa trẻ nô đùa thỏa thích trên ngôi trường nổi, gam màu rực rỡ của những căn nhà ven bờ nước, và bầu không khí thoải mái của những cuộc trò chuyện gia đình trong buổi chiều nắng cháy. Tôi tới đây để tìm kiếm hình ảnh đã mất mà tôi thừa kế từ quá khứ của cha mình, và đổi lại, tôi tìm được một đời sống trôi chảy như những dòng sông.

Tất nhiên còn nhiều thứ phải thay đổi, nhưng 60 năm trước thì cũng vậy. Khi lái xe về lại Phnom Penh, tôi đã hình dung trong đầu câu chuyện tôi sẽ kể với cha mình về chuyến đi Campuchia cuối năm 2022.

Những lớp tâm tính Việt bên dòng Bassac - Ảnh 8.

Những nếp nhà bên dòng Bassac - Ảnh: L. Raymond

LOUIS RAYMOND - (H.MINH dịch)
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp