Ông Lý Quang Diệu |
“Lần đầu tiên tôi được gặp ông Lý Quang Diệu là đầu những năm 1990 khi VN vừa thực hiện công cuộc đổi mới, tôi được tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Singapore và một số nước Đông Nam Á để tìm hiểu mô hình mở cửa kinh tế của họ” - ông Cao Sỹ Kiêm, hiện là chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhớ lại.
Có thể giúp VN đào tạo SV giỏi nhưng không thể giúp đào tạo doanh nghiệp giỏi
Trong buổi làm việc tại Singapore, ông Lý Quang Diệu khi đó không còn là thủ tướng nhưng vẫn tham gia tiếp và nói chuyện.
Có nhiều vấn đề, tuy nhiên điều ông Kiêm vẫn nhớ về cách tư duy và sự thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu là cách trả lời những đề nghị của VN. Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đề nghị Singapore đào tạo giúp 500 doanh nghiệp giỏi. Ông Lý Quang Diệu đã giúp VN hiểu hơn về kinh tế thị trường khi trả lời: Chúng tôi có thể giúp đào tạo cho VN 500 sinh viên giỏi, nhưng không thể giúp đào tạo cho 500 doanh nghiệp giỏi.
Theo ông Lý Quang Diệu, doanh nhân là những người tài năng riêng, họ có óc phán đoán, có sự quyết đoán, dám chấp nhận rủi ro để đi lên. Tố chất kinh doanh phải do thương trường tôi luyện.
Theo ông Lý Quang Diệu, các nhà chính trị như ông và ông Võ Văn Kiệt chỉ có quyền cấm họ kinh doanh, còn lại không thể bắt họ làm gì, làm như thế nào một cách quá cụ thể. Bởi họ có thể sẽ không làm nếu không có lợi nhuận.
Năm 1994, ông Cao Sỹ Kiêm lại một lần nữa được gặp trực tiếp ông Lý Quang Diệu. “Đó là lần tôi sang Singapore để học tập kinh nghiệm chống lạm phát” - ông Kiêm nhớ lại. Dù là thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Kiêm không nghĩ mình sẽ được ông Lý Quang Diệu tiếp và nói chuyện một cách tỉ mỉ.
“Sau khi làm việc với người đồng cấp của Singapore, họ giới thiệu tôi gặp ông Lý” - ông Kiêm nhớ lại. Và ông Lý Quang Diệu đã đồng ý tiếp.
“Chúng tôi nói về hàng loạt vấn đề tiền tệ” - ông Kiêm kể. Tuy nhiên, “ông Diệu có khuyên tôi ba điều mà đến nay tôi vẫn nhớ mãi”. Khi đó VN mới trải qua kinh tế thị trường, ông Lý như đã đoán trước sự việc khi chia sẻ: nguyên tắc thị trường đã có sẵn, chỉ cần có năng khiếu tổng hợp và tiếp thu một chút sẽ biết.
Cái khó nhất để thành công, theo ông Lý, phải đảm bảo ba điều: thứ nhất, phải tìm được người có hiểu biết và hiểu biết một cách tự giác để điều hành, tức phải là người tài thật sự. Thứ hai, dù là người tài giỏi đến mấy, nhưng khi điều hành phải cụ thể hóa và linh hoạt. Khi đã có tầm nhìn, ông Lý nhấn mạnh phải đồng thời nắm lấy thực tiễn, đưa chính sách cụ thể và phải sát với cơ sở. Thứ ba, phải kiểm tra, kiểm soát tốt, tạo kỷ cương nghiêm minh. “Khi đã có định hướng đúng phải có đồng thời ba điều trên” - ông Lý nói.
“Ông Lý từng gặp tôi cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi cứ nghĩ khi tiếp cấp bộ trưởng như tôi, ông ấy sẽ có lời khuyên chung chung, mang tính ngoại giao, nhưng không, ông ấy đã nói chuyện rất cởi mở, chân tình và cụ thể” - ông Cao Sỹ Kiêm nhớ lại.
Và những lời khuyên của ông Lý Quang Diệu, theo ông Kiêm, là những bài học rất bổ ích, hỗ trợ ông không chỉ trong việc chống lạm phát mà trong cả tư duy.
Khuyên Việt Nam dân chủ để khơi dậy trí tuệ của dân
Năm 1995, khi vừa được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Đặng Vũ Chư nhớ được gọi đến nhà khách Chính phủ để nghe nói chuyện, và diễn giả là ông Lý Quang Diệu.
“Khi tới thì thấy không phải tất cả bộ trưởng đều được mời”, ông Đặng Vũ Chư nhớ lại và đến nay ông vẫn nhớ như in các chi tiết cuộc nói chuyện đó, bởi khi ấy VN vừa đổi mới, ông đã bị ấn tượng rất mạnh với những góp ý cực kỳ thẳng thắn của ông Lý.
Là người từng đề xuất cho doanh nghiệp tự chủ, lời ăn lỗ chịu từ những năm đầu thập niên 1980, khi VN còn chưa mở cửa, ông Đặng Vũ Chư đã tâm đắc với những góp ý không phải dễ nghe của ông Lý và lấy sổ ghi lại.
Hôm nay, nghe tin ông Lý Quang Diệu mất, ông lấy cuốn hồi ký, giở ra thì trang đầu tiên là những dòng ghi các hồi ức về ông Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu.
Đối thoại với các lãnh đạo VN, ghi chép của ông Đặng Vũ Chư cho thấy ông Lý đã lấy thực tế ra thuyết phục: “Cái mà các ông gọi là phân phối theo lao động thì chúng tôi gọi là bóc lột. Cái các ông gọi là bóc lột thì chúng tôi cho đó là phân phối theo lao động”.
Sau phân tích, ông Lý nhấn mạnh “muốn đất nước phát triển thì phải cho người dân được thật sự dân chủ, dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong xã hội. Các thành phần kinh tế cần được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật”...
Có nhiều lời khuyên của ông Lý, theo ông Đặng Vũ Chư, đã đi trước thời đại. Ngay từ thời điểm 1995, ông đã thẳng thắn lấy ví dụ và khuyên VN không nên phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua môi trường như Trung Quốc, bởi sẽ phải trả giá. Đặc biệt, ông Lý luôn cổ vũ cán bộ VN học tiếng Anh, trong đó, ông Đặng Vũ Chư nhớ mãi, ông Lý cho rằng đến bậc đại học, VN nên giảng cho sinh viên bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt nên ưu tiên tiếng Anh. Theo ông Lý, có thế VN mới dễ dàng hội nhập.
“Đến nay, khi đất nước hội nhập mạnh, tôi nghĩ chúng ta nên cân nhắc theo lời khuyên này của ông Lý” - ông Chư nói.
Tại cuộc trao đổi, ông Đặng Vũ Chư nhớ ông Võ Văn Kiệt đã hỏi ông Lý làm sao để chống tham nhũng? Câu trả lời của ông Lý gồm ba bước: phải tạo xã hội minh bạch, trả lương để công chức đủ sống và phải tạo nhà nước pháp quyền, trừng phạt nghiêm khắc những hành vi sai phạm.
Ông Đặng Vũ Chư vẫn nhớ rất rõ lúc đó ông Lý có kể ở Singapore trừng phạt rất nghiêm các vi phạm, ngay cả khi chỉ là việc xả rác, vẽ bậy nơi công cộng... Nêu một sự kiện vừa xảy ra lúc đó có một thiếu niên Mỹ bị bắt đang vẽ bậy sơn lên xe ở Singapore. Tổng thống Mỹ cũng đề nghị không nên áp dụng biện pháp đánh 3 roi theo quy định ở Singapore. Nhưng ông Lý cho biết quan điểm của ông là vẫn phải kiên quyết đánh “vì đánh đứa trẻ không chỉ là phạt nó mà còn quất vào nền giáo dục để đứa trẻ vẽ bậy”.
Cuộc nói chuyện của ông Lý Quang Diệu với thủ tướng và các bộ trưởng của VN năm 1995 không thể kết thúc trong buổi sáng mà phải kéo dài sang cả buổi chiều. Theo ông Chư, ông Lý đã cởi mở và chân thành đưa ra nhiều lời khuyên cho VN. Trong đó có nhiều ý như phải tạo đột phá ở đào tạo con người, hạ tầng phải đi trước một bước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận