Chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo trước di ảnh chồng mình - liệt sĩ Võ Văn Đấu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Họ là những liệt sĩ trên nhiều mặt trận, mỗi người là một câu chuyện về sự hi sinh, về mất mát và cả niềm tự hào của gia đình.
Đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang những ngày này, ông Huỳnh Ngọc Thơ (trưởng khoa điều trị) cho biết hiện các anh em đã bình tâm trở lại và làm việc bình thường sau cú sốc về cái chết của điều dưỡng Võ Văn Đấu cách đây hơn một năm rưỡi.
Anh Đấu ra đi ở tuổi 26 khi đang làm nhiệm vụ của một điều dưỡng, bỏ lại người vợ trẻ và con gái lúc ấy mới gần 3 tuổi.
Ca trực cuối cùng
Hơn 35 năm trong nghề, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh tâm thần, ông Thơ cho biết chuyện các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của bệnh viện bị bệnh nhân đấm, đá, thậm chí bị đâm xảy ra thường xuyên.
“Nhưng sự việc bệnh nhân đổ xăng vào người điều dưỡng Võ Văn Đấu rồi thiêu sống là chưa có tiền lệ. Bất kỳ ai khi hay cái tin đau lòng này đều xót xa, tiếc thương cho anh Đấu...” - ông Thơ nhớ lại.
“Trong lúc giằng co, bệnh nhân hoảng loạn hất thùng xăng trúng vào người anh Đấu. Ngọn lửa từ lò hấp bánh bao gần đó bén lên, thiêu cháy anh Đấu như một ngọn đuốc. Dù người dân xung quanh xúm vào dập lửa nhưng mọi chuyện đã quá muộn |
Hộ lý Nguyễn Quang Tâm |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo (27 tuổi, vợ anh Đấu) kể lại sự việc với đôi mắt đỏ hoe. 5h chiều một ngày chủ nhật tháng 8-2015, kết thúc ca trực tại bệnh viện, anh Đấu chạy xe về nhà ăn cơm tối cùng vợ con.
Chị nói trước giờ chưa bao giờ anh về nhà trễ sau giờ làm, đặc biệt chủ nhật hôm đó anh còn tranh thủ về sớm hơn thường lệ để có thời gian chơi với con, phụ vợ việc nhà.
“Khoảng 7h tối vừa ăn cơm xong, có điện thoại của bệnh viện gọi anh lên cơ quan gấp để đến nhà một bệnh nhân đang lên cơn. Đâu ngờ đó cũng là bữa cơm cuối cùng có đủ ba người trong nhà” - chị nghẹn ngào.
Vài tiếng sau, chị như chết điếng khi nghe tin dữ: chồng bị bỏng nặng trong lúc cố gắng khống chế bệnh nhân.
Anh Nguyễn Quang Tâm, hộ lý bệnh viện, người đi cùng anh Đấu lúc xảy ra sự việc, kể lại: “Bữa đó tui với Đấu cùng tài xế được giao nhiệm vụ khống chế bệnh nhân đang lên cơn tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.
Đến nơi, bệnh nhân đang la hét, cầm trên tay một thùng xăng dọa đốt nhà. Tình hình lúc đó rất căng.
Dù đã có kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề nhưng thực sự lúc đó tôi cũng đắn đo chưa xông vào đối mặt với bệnh nhân. Bất ngờ, Đấu đã nhanh nhẹn nhảy vào khống chế bệnh nhân”.
Bệnh nhân vốn là một võ sư, tướng tá cao to gấp đôi điều dưỡng Đấu. Thế nhưng trong lúc bệnh nhân đang lên cơn, không một ai dám lại gần thì Đấu vẫn gan dạ xông vào, định giật lấy thùng xăng trước khi bệnh nhân tưới vào nhà dân gần đó để đốt.
Anh Tâm kể: “Trong lúc giằng co, bệnh nhân hoảng loạn hất thùng xăng trúng vào người anh Đấu. Ngọn lửa từ lò hấp bánh bao gần đó bén lên, thiêu cháy anh Đấu như một ngọn đuốc. Dù người dân xung quanh xúm vào dập lửa nhưng mọi chuyện đã quá muộn”.
Chính anh Tâm cũng bị phỏng cả hai chân khi cố gắng cứu đồng nghiệp.
Ngay trong đêm, điều dưỡng Võ Văn Đấu được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để cấp cứu, điều trị.
Trong những ngày này, gửi con gái cho bà nội giữ, chị Bảo đi đi về về giữa Tiền Giang và Sài Gòn như con thoi để chăm chồng.
Giọng chị nghẹn lại: “Cứ sáng là tôi đón xe sớm lên bệnh viện, chiều tối về lại nhà. Ảnh nằm trong phòng cách ly, mê man suốt. Chỉ có ngày cuối ảnh tỉnh táo hẳn, không hề kêu đau, chỉ nói thương hai mẹ con...”.
Dù được đội ngũ bác sĩ tận tình cứu chữa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến tận giường bệnh thăm hỏi, động viên và yêu cầu bệnh viện huy động các phương tiện, máy móc vào điều trị, nhưng do diện tích bỏng chiếm tới 70% cơ thể với nhiều vùng bỏng sâu, anh Đấu đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3-8-2015.
Tấm gương cho con
Chúng tôi tìm đến nhà liệt sĩ điều dưỡng Võ Văn Đấu sau ngày giỗ của anh. Căn nhà mới xây, chưa kịp tô để lộ những bức tường thô ráp nằm sâu trong ấp Hữu Hòa, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Chị Bảo đang nấu cơm chiều. Thấy người lạ, bé Võ Ngọc Anh Thư (4 tuổi) chạy nép sau chân mẹ ló mắt nhìn. “Từ ngày cha mất, cháu nhát lắm. Thấy người lạ vào nhà là lập tức chạy đi trốn” - chị nói.
Vợ và con gái của liệt sĩ Võ Văn Đấu hiện nay - Ảnh: YẾN TRINH |
Tính nhút nhát, cảnh giác của bé Thư cũng bắt nguồn từ nỗi cô đơn, sợ hãi của người mẹ kể từ ngày căn nhà mất đi người trụ cột.
Nhà chỉ có hai mẹ con, xung quanh rào bằng lưới B40, nhưng đêm xuống là hai mẹ con lại lo sợ kẻ xấu đột nhập vì nhà thiếu bóng đàn ông.
"Hồi trước ảnh còn, nhà tranh vách gỗ, trống trước trống sau nhưng không sợ. Giờ nhà tường nhưng cứ đêm xuống là nơm nớp” - chị nói.
Sau khi anh Đấu mất, được công đoàn bệnh viện và các mạnh thường quân giúp đỡ cùng số tiền gom góp của hai vợ chồng sau năm năm chung sống, chị dựng được căn nhà mà hai vợ chồng từng mơ ước từ thời còn yêu nhau.
“Hai đứa đến với nhau cũng bởi cảm mến tấm lòng, cả hai bên nội ngoại đều nghèo khó nên hai vợ chồng phải tự lập” - chị nhớ lại.
Đó là thời điểm năm 2010, chồng làm điều dưỡng lương hơn 3 triệu đồng, vợ làm công nhân lương ba cọc ba đồng. Ngoài thời gian làm ở bệnh viện và công ty, cuối tuần hai vợ chồng còn đi mua chuối để bỏ mối kiếm chút đỉnh tiền lời.
“Giờ xây được nhà rồi thì anh đã không còn”, cầm tấm ảnh chụp mái nhà lá năm xưa, chị ứa nước mắt.
Khi bóng đêm trùm xuống ngôi nhà, theo thói quen hai mẹ con lại lôi chiếc cặp làm việc của anh Đấu ra lật từng tấm ảnh, mảnh bằng của anh để nhớ về những ngày tháng ngôi nhà còn đủ ba người.
Theo chị Bảo, thói quen này cũng nhằm giúp con gái của anh Đấu có động lực để phấn đấu trên đường đời vì đã có một người cha như thế.
Điều đặc biệt là hầu hết các tấm bằng, từ bằng tốt nghiệp tiểu học, THPT, bằng trung cấp, bằng nghề và các loại chứng chỉ của anh Đấu đều đạt loại giỏi.
“Anh học giỏi và sáng dạ lắm! Khóa học nào anh cũng hoàn thành với kết quả cao nhất, nhì lớp. Nhiều lần anh tâm sự với tôi muốn tích cóp thêm tiền để học lên bác sĩ. Tôi cũng tin rằng nếu có cơ hội được đi học, anh cũng sẽ lấy bằng loại giỏi” - chị tự hào khi nhắc đến chồng mình.
Điều dưỡng viên Võ Văn Đấu (sinh năm 1989, quê quán ấp Hữu Hòa, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được công nhận liệt sĩ và được Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công theo quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 25-3-2016. Sau khi anh Đấu mất, chị Bảo được bệnh viện nhận vào làm cấp dưỡng trong bệnh viện anh từng công tác. “Vào làm trong đó rồi tôi mới thấy hết được sự cực khổ trong công việc của chồng trước đây. Mỗi ca làm như một cuộc chiến thật sự. Người điều dưỡng phải căng mình để giải quyết các vấn đề, luôn đối mặt với hiểm nguy mỗi lần người bệnh bất ngờ lên cơn” - chị nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận