Cả gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Mạnh khi còn đầy đủ - Ảnh: gia đình cung cấp |
Chiều 16-6-2016, chín sĩ quan, phi công, thành viên tổ bay trên chiếc tuần thám Casa 212 của lữ đoàn không quân 918 trên đường đi tìm máy bay Su-30MK2 đã gặp nạn khiến toàn bộ tổ bay hi sinh.
Trong số họ có những người còn rất trẻ, họ mất đi để lại những người vợ trẻ cùng những đứa con vừa mới chào đời...
Nỗi đau mất chồng
“Đây là lễ tình nhân đầu tiên sau hơn chục năm em không nhận được quà từ anh ấy. 13 năm quen và yêu nhau, rồi hơn ba năm chung sống vợ chồng, hầu như dịp lễ nào anh ấy cũng quan tâm mua quà cho em.
Có lần đúng dịp lễ, anh bận công tác và khi về bên em, món quà tặng em chỉ là bông hoa “gật gù” đang héo dở thì em cũng hạnh phúc vô cùng. Tết năm nay và lễ tình nhân 14-2 này, em đã không còn anh ấy ở bên...” - Đỗ Thúy Hằng (28 tuổi, vợ liệt sĩ - đại úy Đỗ Văn Mạnh, tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật hàng không lữ đoàn 918) nấc nghẹn, tay gỡ cặp kính cận, tay gạt những dòng lệ trên má.
Hằng cùng con gái 3 tuổi Đỗ Ngọc Diệp hiện sống nhờ tại nhà vợ chồng người em trai trong một căn hộ chung cư nhỏ ở quận Cầu Giấy.
Cô cho biết tháng 1-2017 cô đã được đơn vị của chồng bố trí cho vào làm kế toán tại Trung tâm đo lường miền Bắc thuộc Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Có công việc mới nhưng cô vẫn “ôm đồm” nhận làm thêm hai tiếng/ngày tại cơ quan cũ.
“Làm việc nhiều cũng là cách để em cố nguôi ngoai đi nỗi nhớ chồng. Mỗi khi về nhà, ôm con gái vào lòng, em lại cảm giác hình bóng anh Mạnh trong mỗi đồ vật. Em cố quên nỗi buồn nhưng khó quá...” - Hằng sụt sùi chia sẻ.
Hằng kể cô và Mạnh cùng tuổi, học cùng lớp và hai người yêu nhau 13 năm trước khi cưới. Thế nên như Hằng tâm sự, dù chỉ mới chính thức ở với nhau ba năm nhưng hai vợ chồng yêu và hiểu nhau đến nỗi người này nhìn biểu hiện bên ngoài là biết người kia có tâm sự gì.
“Mạnh là người sống nội tâm, mọi vui buồn không thể giấu được em. Anh ấy là con trai độc đinh của dòng họ nên anh ấy thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình, họ tộc... Em yêu chồng từ ngoài vào trong, và với em, Mạnh không chỉ là chồng mà còn là người bạn thân, tri kỷ của em”.
Cũng như Hằng, chị Đỗ Thị Thắm (28 tuổi, vợ liệt sĩ - thiếu tá Lê Văn Đình, trợ lý tuần thám trên không, phi đội bay Casa 212 - lữ đoàn 918) giờ cũng lẻ loi đơn chiếc, một mình vừa đi làm, vừa chăm sóc hai con nhỏ dại (con gái gần 3 tuổi, con trai 10 tháng tuổi).
Thắm kể gia đình nhà chồng ở Quảng Ninh cũng khó khăn, từ bé Đình (sinh năm 1984) đã mơ ước được vào quân đội, và với thể hình to lớn cao 1,8m, Đình đã thi đỗ vào Trường Sĩ quan đặc công.
Là lính đặc công nước, ra trường (2007) Đình được phân công về công tác tại đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
Đến năm 2011, khi có đợt tuyển phi công thì Đình đã thi và trúng tuyển, được cử đi học ở Thụy Điển một năm và khi về được tiếp nhận vào phi đội bay Casa 212.
“Sau khi anh ấy học ở nước ngoài về thì chúng em cưới nhau, và bốn năm sống với nhau, do còn khó khăn, không có nhà nên chúng em đã phải di chuyển chỗ ở đến sáu lần.
Đến đầu năm 2016, khi “vỡ kế hoạch” có thai đứa con thứ hai, anh Đình mới bàn và quyết định vay mượn 800 triệu đồng để mua căn hộ chung cư giá rẻ ở gần đơn vị để “an cư”.
Kinh tế của bọn em còn khó khăn, anh Đình thường nhịn miệng để tích cóp tiền để dành cuối tuần mang về cho vợ con. Nhưng giờ căn hộ mới trống tênh vì vắng anh ấy...” - Thắm vừa kể vừa nức nở.
Chăm con, phụng dưỡng nhà chồng
Đôi mắt đỏ hoe, nhòe lệ, Đỗ Thúy Hằng tâm sự: “Cả nhà anh Mạnh dồn mọi hi vọng vào anh ấy, người con, người cháu trai đích tôn duy nhất trong nhà. Mẹ con em cũng hi vọng vào anh ấy. Chúng em còn bao ước mơ dang dở...
Em biết mình còn trẻ nên không nói trước được điều gì. Giờ em chỉ xác định sẽ thay chồng em để vừa là con trai, vừa là con dâu chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Em cũng phải thay chồng vừa làm cha, làm mẹ để nuôi Tiểu Đỗ (tên gọi ở nhà của bé Ngọc Diệp) trưởng thành”.
Chị Thắm cũng tâm sự: “Em đã đi làm kế toán ngay tại đơn vị của chồng, thu nhập cũng tạm đủ để ba mẹ con bấu víu qua ngày.
Khoản tiền hỗ trợ của đơn vị và mọi người ủng hộ giúp đỡ mẹ con em thì em cũng đã trang trải phần nào những món nợ mua nhà. Em đã để dành cho hai con, coi đây như là “tiết kiệm” của anh Đình cho con. Cá nhân em chả dám nghĩ gì cho riêng mình.
Chồng mất rồi, giờ là lúc em phải cố gắng, cứng cỏi như chồng để làm trụ cột nuôi hai con khôn lớn và thay chồng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng”.
“Gia tài” của liệt sĩ Trường Sa Thấy mẹ lấy chiếc balô rằn ri màu xanh trong tủ ra, bé Đinh Thị Thùy Chi (5 tuổi, con gái duy nhất của liệt sĩ hải quân - đại úy Đinh Văn Nam) ngây thơ hỏi mẹ - thiếu úy hải quân Đinh Thị Kim Xoa (29 tuổi): “Đây là đồ của bố nhỉ, bố đi công tác lâu lâu nữa mới về hả mẹ?”. Lời con trẻ vô tình như cứa thêm vào nỗi đau của người mẹ, góa phụ Xoa quay mặt chớp mắt, nghèn nghẹn trả lời con thật ngắn: “Ừ, bố đi công tác con ạ”. Hình ảnh mẹ con Xoa - Chi cũng chính là những hình ảnh mà chúng tôi đã chứng kiến chiều tối 21-10-2013 tại chính căn nhà nhỏ này (số 10/165, tổ 10, P.Thành Tô, Q.Hải An, TP Hải Phòng) khi đơn vị chuyển chiếc balô - “gia tài” của người lính biển ở đảo Phan Vinh (Trường Sa) về gia đình, sau khi đã xong việc an táng anh tại nghĩa trang quê nhà. Trong chiếc balô là mấy gói mì tôm, ví, điện thoại, khăn mặt, gối, màn xanh của lính và bộ quần áo dã ngoại... tất cả đều như vẫn còn ẩm ướt, đậm mùi vị biển Trường Sa. Trong chiếc ví có hai tấm hình nhỏ của vợ và con gái nhỏ cùng 412.000 đồng. Liệt sĩ Đinh Văn Nam hi sinh sáng 16-10-2013 khi tham gia cứu tàu HQ-626 bị mắc cạn trên bãi san hô ngầm tại đảo Phan Vinh B. Khi anh chặt đứt dây chằng tàu, một đầu dây quật mạnh vào ngực khiến Nam chấn thương nặng, ngã xuống biển và tim ngừng đập. |
Xem các kỳ trước |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận