Những chiếc bánh in An Lạc mới được đúc ra từ khuôn - Ảnh: LÊ TRUNG
Nép mình bên dòng sông Ly Ly thơ mộng, làng nghề làm bánh in đậu xanh An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam với hơn 20 gia đình theo nghề đang tất bật làm hàng nghìn chiếc bánh bỏ cho thương lái tỏa đi muôn nơi.
Thơm lừng bánh in An Lạc
Những ngày này đến đây, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm từ nếp, đậu xanh thoang thoảng từ những lò bánh bay ra, tiếng gõ lốc cốc vào những khuôn làm bánh bằng gỗ.
Theo người dân làng An Lạc, chiếc bánh in là một vật phẩm không thể thiếu của người dân xứ Quảng trong dịp tết, thường để thờ cúng tổ tiên, mời mọi người dịp năm mới.
Cơ sở làm bánh in của ông Đinh Xuân Cầm (65 tuổi) với bốn nhân công đang bận rộn với những mẻ bánh in trắng, vàng. Ông Cầm cho biết từ đầu tháng 12 âm lịch cơ sở đã bắt đầu sản xuất bánh phục vụ tết, đến khoảng cỡ ngày 20-12 (âm lịch) là cơ sở sản xuất với số lượng nhiều, mỗi ngày có thể làm hàng trăm bịch bánh với hàng nghìn chiếc bánh.
Thợ đang đúc những chiếc bánh in - Ảnh: LÊ TRUNG
Cơ sở của ông sản xuất nhiều loại bánh như bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh và nhiều bánh in nhiều màu sắc để thờ cúng. Nguyên liệu để làm bánh in gồm bột nếp, đậu xanh, đường cát, vani.
Theo ông để làm một chiếc bánh hoàn chỉnh thì không khó lắm, đầu tiên đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xoay nhuyễn thành bột. Bột nếp cũng làm tương tự, sau đó nấu đường cho tới đổ vào hỗn hợp bột nếp và đậu xanh. Sau đó, trộn hợp hỗn cho đều.
Tiếp tục công đoạn bỏ vô khuôn gỗ với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp và cán bánh cho chặt, sau xếp bánh đã cán lên kệ. Công đoạn cuối cùng là đem bánh đi sấy khô và đóng gói bao bì.
Thợ làm bánh in An Lạc - Ảnh: LÊ TRUNG
Những chiếc bánh in được sấy khô đem ra khỏi lò - Ảnh: LÊ TRUNG
Hiện giá bánh dao động khoảng 25.000-30.000/kg, mỗi mùa tết cơ sở của ông Cầm sản xuất khoảng 5 tấn bánh các loại phục vụ thị trường như Tam Kỳ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Bà Võ Thị Hoài, một chủ cơ sở bánh in khác ở đây- kể rằng hiện nay, làng nghề bánh in An Lạc có hơn 20 cơ sở sản xuất bánh in đậu xanh với hàng trăm lao động làm việc. Mỗi mùa tết, các cơ sở sản xuất từ 5-10 tấn bánh in các loại.
Theo bà Hoài, bánh in An Lạc có nhiều màu nhưng phổ biến nhất là hai màu trắng và vàng, có vị ngọt thanh của đường, thơm của nếp và đậu xanh, rất xốp.
Gói bánh vào bao để xuất cho thương lái - Ảnh: LÊ TRUNG
Một bịch bánh in An Lạc - Ảnh: LÊ TRUNG
Bánh thuẫn "cháy hàng"
Huyện Thăng Bình là nơi được xem có nhiều cơ sở, làng nghề làm bánh thuẫn nhiều ở xứ Quảng.
Cơ sở sản xuất bánh thuẫn Nhâm Bình (tổ 13, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) của ông Võ Văn Bình (61 tuổi) những ngày này gần chục nhân công đang ngồi làm bánh.
Nhân công đang làm bánh thuẫn - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo ông Bình, cơ sở ông làm bánh thuẫn tết từ ngày 18-12 đến 28-12 (âm lịch), mỗi ngày sản xuất khoảng 800-1.000 bịch bánh thuẫn.
Mỗi ký bánh được ông bỏ cho thương lái với giá 60.000 đồng. Mỗi mùa tết như vậy cơ sở của ông sản xuất từ 4-5 tấn bánh phục vụ thị trường tết.
Thị trường bánh thuẫn của ông Bình chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam, một số được bán ở TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi. "Đến thời điểm hiện tại bánh thuẫn của cơ sở chúng tôi đã cháy hàng, sức mua quá lớn, cung không đủ cầu, phải tăng thêm nhân công"- ông Bình nói.
Lấy bánh thuẫn ra khỏi lò - Ảnh: LÊ TRUNG
Đổ bột vào khuôn - Ảnh: LÊ TRUNG
Vớt bánh ra - Ảnh: LÊ TRUNG
Thợ làm bánh ở cơ sở này kể rằng việc làm bánh đơn giản. Đầu tiên cho bột, đường vào thau đánh trứng trộn đều cho đến khi bột đã nhẹ thì bắt đầu chuẩn bị lò than và khuôn đổ.
Khi lò than đã đỏ lửa, bắc trên lò một trã rang có vung đậy. Trong lòng trã đổ cát mịn chừng một nửa, rồi đặt các khuôn bánh thuẫn được thợ thiếc gò có hình thuẫn (bầu dục), nên người ta gọi là bánh thuẫn.
Những chiếc bánh vàng rực tuyệt đẹp - Ảnh: LÊ TRUNG
Tất cả khuôn đều được thoa dầu phụng bên trong. Khi nồi cát nóng làm cho các khuôn nóng, thợ làm bánh bắt đầu dùng muỗng rót bột vào khuôn cho vừa đầy và đều khắp, xong đậy nắp vung lại.
Trên nắp bỏ nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả màu vàng là bánh đã chín, lấy cây tăm tre dài xâu vào bánh lấy ra.
Gói bánh vào bao bì - Ảnh: LÊ TRUNG
Bánh thuẫn có mùi vị rất đặc trưng, ngọt dịu của đường và mùi thơm của trứng, ăn hoài không ngán.
Người dân xứ Quảng hay dùng bánh thuẫn là một vật phẩm để cúng tổ tiên, làm quà tặng cho nhau khi mỗi dịp tết.
Bánh thuẫn thường dùng làm quà biếu dịp tết - Ảnh: LÊ TRUNG
Một cơ sở sản xuất bánh nổ ở Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận