Từ trái qua là các tổng thống Mỹ Andrew Johnson, Richard Nixon, và Bill Clinton - Ảnh chụp màn hình Tampa Bay Times
Sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ tuần này kích hoạt tiến trình luận tội với Tổng thống Mỹ Donald Trump về hành vi lạm dụng quyền lực để yêu cầu lãnh đạo nước ngoài (Ukraine) làm suy yếu đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ, ông Trump đã gia nhập một nhóm nhỏ các tổng thống Mỹ từng gặp rắc rối như vậy.
Theo hãng tin AP, chỉ 3 người tiền nhiệm của ông Trump (tổng thống Mỹ thứ 45) đã trải qua tiến trình tương tự: Andrew Johnson, Bill Clinton (cả hai đã được tha bổng sau phiên xét xử ở Thượng viện) và Richard Nixon (người đã từ chức để tránh bị luận tội liên quan tới vụ bê bối Watergate).
Tiến trình luận tội hiếm hoi này được nêu trong Điều 2, mục 4 của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, tổng thống và các quan chức chính phủ khác có thể "bị phế truất khi bị luận tội về hành vi phản quốc, hối lộ và các tội nặng nhẹ khác".
Bước đầu tiên để luận tội sẽ được thực hiện bởi Hạ viện. Đây là nơi tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên tống đạt cáo trạng đối với tổng thống không. Điều này chỉ cần đa số trong tổng số 435 thành viên của Hạ viện tán thành.
Nếu Hạ viện chấp thuận đưa ra những cáo buộc nhằm vào tổng thống, quá trình luận tội sẽ tiếp tục ở Thượng viện, nơi tổ chức một phiên tòa để xác định tội lỗi của tổng thống.
Trong phiên tòa, các thành viên Hạ viện sẽ đóng vai trò là công tố viên, các thượng nghị sĩ là bồi thẩm đoàn, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ làm chủ tọa. Nếu muốn kết tội và phế truất tổng thống, quyết định phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện gồm 100 nghị sĩ. Và kết quả này chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ.
Nếu tính luôn ông Johnson và ông Clinton, chỉ 20 quan chức chính phủ Mỹ từng bị luận tội. Chỉ 8 người trong số này bị kết tội và phải rời vị trí của họ.
Cùng nhìn lại các tiến trình luận tội tổng thống Mỹ trước đây:
Bill Clinton (tổng thống thứ 42)
Tháng 10-1998, Hạ viện Mỹ do các thành viên Đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu để bắt đầu quy trình luận tội Tổng thống Bill Clinton sau nhiều tháng diễn ra tranh cãi về mối quan hệ giữa ông với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton quan sát khi ông Bill Clinton cảm ơn những thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu luận tội ông vào ngày 19-12-1998 - Ảnh chụp màn hình AP
Cuộc bỏ phiếu được "bấm nút" sau 2 vòng lấy lời khai của ông Clinton vào đầu năm đó. Vào tháng 1-1998, ông Clinton đã bác bỏ có quan hệ tình dục với Lewinsky. Đến tháng 8 cùng năm, dưới sự chất vấn của công tố viên đặc biệt Kenneth Starr trước một bồi thẩm đoàn liên bang, ông Clinton thừa nhận có quan hệ "sai trái" với cô Lewinsky.
Tổng thống Clinton đã bị luận tội vào ngày 19-12-1998 với lý do khai man trước bồi thẩm đoàn và cản trở công lý. Một phiên tòa xét xử của Thượng viện đối với ông Clinton đã bắt đầu vào ngày 7-1-1999 và diễn ra trong 4 tuần, với chủ tọa là Chánh án William Rehnquist.
Tuy nhiên, ngày 12-2 cùng năm, Thượng viện Mỹ đã biểu quyết tha bổng cho Tổng thống Clinton vì không đủ 67 phiếu để kết tội. Chỉ 45 thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết án ông về tội khai man, và 50 thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết tội cản trở công lý.
Richard Nixon (tổng thống thứ 37)
Hạ viện Mỹ đã khởi xướng quá trình luận tội đối với Tổng thống Nixon vào tháng 2-1974, khi ủy quyền cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện mở cuộc điều tra xem liệu có đủ căn cứ để cáo buộc ông về các trọng tội và các tội nhẹ hơn hay không.
Các cáo buộc chủ yếu liên quan đến vụ bê bối Watergate - vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ để ăn cắp tài liệu của đảng này vào năm 1972 - và những nỗ lực của chính quyền Nixon để che giấu sự liên quan của họ.
Tổng thống Richard Nixon có bài phát biểu chia tay trước nội các của ông ở Nhà Trắng vào ngày 9-8-1974 - Ảnh chụp màn hình AP
Đến tháng 7-1974, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn 3 điều khoản luận tội với Tổng thống Nixon, gồm các tội cản trở công lý, lạm quyền và coi thường Quốc hội.
Thậm chí, trước cả khi toàn thể Hạ viện có thể biểu quyết cho các điều khoản luận tội, một đoạn ghi âm được công bố cho thấy rõ ràng Tổng thống Nixon có vai trò trong việc che đậy vụ bê bối trên. Ông Nixon đã từ chức vào ngày 9-8-1974.
Có thể ông Nixon biết chắc số phận bị phế truất nên đã chủ động từ chức trước khi quá trình này được tiến hành đến nơi đến chốn. Ông Nixon đã trở tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ từ chức và cho đến nay vẫn là người duy nhất phải tự thu dọn khỏi Nhà Trắng khi chưa hết nhiệm kỳ.
Andrew Johnson (tổng thống thứ 17)
Việc luận tội Tổng thống Johnson năm 1868 là đỉnh điểm của một cuộc xung đột ác liệt giữa một vị tổng thống và Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát liên quan tới công cuộc tái thiết nước Mỹ sau cuộc nội chiến.
"Mồi lửa" cụ thể dẫn tới luận tội là việc ông Johnson nỗ lực sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton - người có lập trường cứng rắn hơn ông Johnson đối với phe bại trận miền nam.
Có 9 trong số 11 điều khoản luận tội đối với Tổng thống Johnson đều liên quan đến những lùm xùm của ông đối với người đứng đầu Bộ Chiến tranh Mỹ thời điểm đó.
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Johnson vào ngày 3-3-1868. Chỉ 3 ngày sau, Thượng viện đã triệu tập một phiên tòa luận tội chính thức, với chủ tọa là Chánh án Tối cao Pháp viện Salmon Chase.
Đến ngày 16-5 cùng năm, sau một phiên xét xử đầy bão táp, Thượng viện Mỹ cuối cùng không thể kết án bất kỳ tội danh nào đối với Tổng thống Johnson, vì không đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết. Sau 10 ngày tạm nghỉ, thêm 2 vòng bỏ phiếu cũng gặp thất bại và phiên tòa khép lại.
Trong trường hợp quá trình luận tội dẫn tới việc phế truất Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence sẽ trở thành tổng thống Mỹ trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông Trump, vốn sẽ kết thúc vào ngày 20-1-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận