Các họa tiết mang hình tròn cũng là điểm chung của kiến trúc Indianapolis, thành phố còn có tên "Thành phố hình tròn" này. Ảnh: Quốc Vinh
Lần đầu "chơi hết mình" tại bảo tàng trẻ em
Khi đến với bảo tàng trẻ em thành phố Indianapolis – là bảo tàng thiếu nhi lớn nhất Hoa Kỳ thì tôi thực sự sửng sốt bởi không nhiều quốc gia trên thế giới có những bảo tàng nói về chủ đề trẻ em nhưng nơi đây, chính quyền thành phố đã tạo dựng lên một địa điểm dành cho thiếu nhi có quy mô lớn bậc nhất trên thế giới.
Tòa nhà này rộng gần 500.000m2 với nhiều phòng trưng bày và cổ vật được lưu giữ. Bảo tàng này là một trong những nơi được rất nhiều gia đình có trẻ em yêu thích tìm đến hằng năm, ngoài ra bảo tàng này không chỉ thu hút lứa tuổi học sinh, sinh viên mà còn thu hút những người lớn tuổi bởi các cuộc triển lãm hóa thạch khủng long.
Những thí nghiệm khổng lồ ngay từ cổng vào của bảo tàng đã hút hồn trẻ em. Ảnh: Quốc Vinh
Và cũng nhờ đó mà những "kỷ lục" trong đời tôi được thiết lập. Lần đầu tiên mua vé tham quan bảo tàng mà cứ như mua vé máy bay giá rẻ bởi khi mua vé qua mạng nếu càng sớm thì giá vé càng rẻ, càng đến gần ngày mình cần tham quan thì giá vé có thể đắt lên; vé được đổi ngày và bù thêm tiền nếu có chênh lệch giá, không được hoàn tiền.
Lần đầu tiên phải trả gần 100 USD cho cả gia đình bởi trước đây thường ưu tiên tìm đến các bảo tàng miễn phí hoặc giá mềm.
Lần đầu tiên tham quan một bảo tàng có quá nhiều sự lựa chọn về chủ đề với hơn 30 sự kiện hàng ngày diễn ra thường xuyên ở 4 tầng cùng hơn 1 triệu hiện vật.
Lần đầu tiên tham quan một bảo tàng trong thời gian kỷ lục bắt đầu từ 10h sáng kể từ khi mở cửa đến 17h chiều lúc bảo tàng đóng cửa mới đi hết các nơi mà chỉ đủ dành 30 phút ăn trưa không kịp nghỉ ngơi.
Lần đầu tiên được tham gia đi bộ diễu hành trong khuôn viên bảo tàng vào cuối ngày.
Từ những xác ướp Ai Cập cổ đại...
đến những bộ xương khủng long hóa thạch luôn tạo sự kỳ bí cho khách tham quan. Ảnh: Quốc Vinh
Từng đó thôi cũng đủ thấy được sức hút mãnh liệt khách du lịch của khu bảo tàng nơi đây. Tôi nghĩ thầm nếu ở Mỹ có ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 như ở Việt Nam thì không biết tình trạng "thất thủ" sẽ vượt quá tưởng tượng đến nhường nào!
Lần đầu trong đời tôi được bảo tàng giới thiệu vinh danh và cùng tham gia diễu hành trước khi bảo tàng đóng cửa. Ảnh: Quốc Vinh
Lần đầu tận mắt chiêm ngưỡng... rừng xe F1
Có lẽ khi nghe đến tên thành phố Indianapolis thì mọi người nghĩ ngay đến trường đua Speedway Indianapolis.
Phía bên ngoài của bảo tàng vinh danh của trường đua Speedway Indianapolis. Ảnh: Quốc Vinh
Số lượng người tham dự giải Indianapolis 500 và Allstate 400 biến nơi đây trở thành địa điểm tổ chức sự kiện thể thao riêng lẻ lớn nhất thế giới với hơn 250.000 người hâm mộ tham dự trong mỗi lần tổ chức.
Bảng vàng vinh danh những tay đua chiến thắng của mỗi chặng đua. Ảnh: Quốc Vinh
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một... rừng xe đua "từ cổ chí kim" có thật trước mắt, được nhìn ngắm chiếc cúp vô địch khắc tên từng nhà vô địch mỗi năm của giải đấu mà lâu nay chỉ thấy được qua truyền hình, được xe bus dẫn đi tour quanh trường đua mà ngày xưa chỉ một lần được xem đua xe máy ở sân vận động Tự Do (Huế) và một lần xem đua xe "hạng ruồi" ở trường đua nhỏ xíu thuộc thành phố Lubbock (Texas).
Nâng chiếc cúp có khắc tên mình là ước mơ của mọi tay đua khi tham gia trường đấu nổi danh này. Ảnh: Quốc Vinh
Vừa tham quan vừa ngó nghiêng, tuổi thơ tôi lại tràn về với những chiếc xe công thức 1 "dân dã" của mình được cắt bằng vỏ lon bia, rồi đính những chú bọ xít quẹt dầu hắc in lên chiếc xe và cứ thế khi thả ra là chúng đua bạt mạng.
Có lẽ nếu gặp được các tay đua cự phách thì tôi cũng sẽ gửi cho họ món quà này để giao lưu văn hóa mà không hề sợ bị mang tội... ngược đãi động vật.
Bảo tàng vinh danh trưng bày những chiếc xe chiến thắng của từng tay đua vô địch từ khi ra đời...
đến tận ngày nay sau hơn 100 lần tổ chức giải đấu Indianapolis 500. Ảnh: Quốc Vinh
Lần đầu "đột nhập" lên... đài tưởng niệm
Đài tưởng niệm binh lính và thủy thủ của thành phố Indianapolis được công nhận là một trong những di tích nổi bật của thế giới, tượng đài này đã trở thành biểu tượng cho cả thành phố và toàn bang.
Ban đầu nó được thiết kế để tôn vinh các cựu chiến binh của cuộc Nội chiến Indian nhưng sau đó đã ghi nhận cho sự dũng cảm của các cựu chiến binh, những người đã từng phục vụ trong tất cả các cuộc chiến tranh trước Thế chiến I, bao gồm Chiến tranh cách mạng, chiến tranh 1812, chiến tranh Mê-hi-cô, nội chiến Hoa Kỳ, chiến tranh biên giới và chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ.
Đài tưởng niệm là một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch khi đến tham quan thành phố. Ảnh: Quốc Vinh
Đây là đài tưởng niệm đầu tiên ở Hoa Kỳ được dành chung cho mọi người lính Mỹ chết trận. Vào thời điểm xây dựng đài tưởng niệm vào năm 1902, chi phí của nó là 598.318 đô la mà người ta ước tính rằng việc xây dựng một cấu trúc tương tự vào năm 2014 sẽ vượt quá 500 triệu USD.
Và đây cũng là lần đầu tiên tôi quyết định "đột nhập" vào trong một đài tưởng niệm quốc gia để lên tận đến đỉnh nhìn ra toàn bộ thành phố.
Khi đến đỉnh đài, du khách sẽ được ngắm nhìn thành phố từ trên cao thật thoáng đãng. Ảnh: Quốc Vinh
Dù có thể leo lên đỉnh của tượng đài mất 331 bước nhưng tôi đã chọn cách "tốn kém" hơn bằng việc trả thêm 2 USD để mua vé đi thang máy mà tiết kiệm được 300 bước chân và chỉ phải bước thêm phần còn lại khi thang máy cập điểm đến.
Từ độ cao chỉ thấp hơn 5m so với đỉnh của tượng Nữ thần Tự Do ở New York, tôi có thể tự "seo - phì" 360 độ ở mọi góc trên cao của thành phố thân thương này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận