Một bức ảnh chụp vào dịp Tết của vợ chồng giáo sư Tôn Thất Tùng - Vi Thị Nguyệt Hồ - Ảnh tư liệu gia đình
Hôm qua 15-12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và gia đình đã tổ chức tang lễ cho bà Vi Thị Nguyệt Hồ (phu nhân giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng).
Bà Vi Thị Nguyệt Hồ qua đời vào tối 13-12, hưởng thọ 94 tuổi. Câu chuyện tình yêu của bà và chồng, suốt đời gắn bó với hai cây đại thụ của nền y khoa Việt Nam là chồng (giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng, 1912 - 1982) và con trai (phó giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Bách, 1946 - 2004) luôn được mọi người nhắc đến.
Những lá thư tình yêu
Như phần đông phụ nữ Việt Nam với bản chất thuần hậu, kể từ khi trở thành "bà Tôn Thất Tùng", cuộc đời của bà Nguyệt Hồ rẽ sang hướng mới. Từ cô tiểu thư, bà đi học y khoa và trở thành y tá (hiện nay gọi là điều dưỡng), làm người phụ tá đắc lực cho ông trong công việc. Rất nhiều ca mổ của ông có bà là phụ mổ, tâm đầu ý hợp trong từng động tác nhỏ.
Những thầy thuốc học trò của giáo sư Tùng kể rằng chỉ cần ông đưa tay ra là bà đặt đúng con dao mà ông cần. Là vợ chồng nhưng tính ông nghiêm khắc, hơi nóng nảy. Không ít lần ông mắng bà ngay ở phòng mổ. Thậm chí có lần ông còn ném cả hộp dụng cụ đi, bà lại nhặt lên. Tình yêu và sự nhẫn nại luôn đem lại những ngọt lành. Mối tình son sắt của ông bà chính là một minh chứng cho điều đó.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng thường có những chuyến công cán xa nhà. Những chuyến đi có cả vợ cả chồng chắc chắn là những kỷ niệm đẹp nhất trong tâm trí của cả hai người. Nhưng còn rất nhiều chuyến đi một mình, kể cả trong nước hay ngoài nước. Trong mỗi chuyến đi đó, bác sĩ Tôn Thất Tùng thường viết thư cho vợ.
Những bức thư, được viết từ bàn tay tài hoa quen cầm dao mổ, chan chứa tình cảm lãng mạn và lấp lánh chất văn học nhưng cũng mang ánh nhìn quan sát tỉ mỉ của "dân" khoa học. Trong mỗi lá thư, ông kể chi tiết về những địa danh đã đi qua và những khách sạn ông đặt chân đến. Con người và cảnh sắc thiên nhiên ở những vùng đất xa lạ hiện lên sinh động qua những dòng "tình thư" thấm đẫm nỗi niềm.
"Anh đã tới New Delhi từ chiều hôm qua, đi máy bay 4 động cơ của Anh, Hãng BOAC. Hotel ở đây sang quá, tính ra 90 rayne 1 ngày (trên 60.000 đồng, bằng 2 tháng lương của Hồ). Nhà cửa ở đây đồ sộ kiểu Anh, Mỹ, lạ lắm...".
"Ở Matxcơva vui vẻ lắm. Thịt bò mềm như ở Mỹ (hơn cả Pháp nữa) và cá hộp thì tha hồ. Lúc về anh đem về nhiều hộp cá sardine và bánh cho em và cả nhà. Anh ở chỗ cũ, chỗ mà Hồ và anh đã ở rồi, yên tĩnh. Anh thấy khỏe nhiều và đã đi bộ chơi trên con đường cũ mà Hồ đã biết...".
Những tình thư khi nào cũng kết thúc bằng những cảm thán rất... Tây. "Hôn em, nhớ em lắm", "Hôn Hồ của anh"...
Năm 1982, giáo sư Tôn Thất Tùng qua đời. Bà Vi Thị Nguyệt Hồ trở thành quả phụ khi ngoài 50 tuổi. Cháu nội của bà, nhà thiết kế thời trang - nhà báo Tôn Hiếu Anh, kể rằng khi còn khỏe, tuần nào bà nội cũng đi xe máy xuống mộ ông ngồi trò chuyện hàng giờ như thể kể cho ông hết niềm vui nỗi buồn của cả 7 ngày xa cách. Khi không còn tự đi xe máy được nữa, bà lại thuê riêng một chiếc taxi để đi "gặp" người chồng thương yêu mỗi tháng một lần.
Thầy thuốc ưu tú Vi Thị Nguyệt Hồ (1928 - 2022)
Điều dưỡng trọn đời
Luôn muốn được mọi người biết đến với danh xưng là nữ y tá Vi Thị Nguyệt Hồ chứ không chỉ là vợ của giáo sư - viện sĩ Tôn Thất Tùng, hình ảnh quen thuộc của bà trên chiếc xe đạp hằng ngày đến Bệnh viện Việt Đức là điều mà nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ vẫn lưu giữ trong tâm trí. Nữ y tá Nguyệt Hồ không khi nào bước chân lên ô tô riêng đón chồng, dù bà có thể cũng đi về hướng ấy.
Bởi vậy, tình yêu bà dành cho chồng cũng là mối chân tình của một phụ nữ mạnh mẽ, một hậu phương vững chắc của người chồng giỏi giang. Bà chính là người tham gia sáng lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam và giữ vị trí chủ tịch hội trong suốt 22 năm, từ 1990 đến 2012. Bà đã đào tạo và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ điều dưỡng và sinh viên y khoa Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò vị thế của người điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Vì những đóng góp thiết thực của mình, bà Vi Thị Nguyệt Hồ đã được trao Giải thưởng Cống hiến trọn đời (Lifetime Archivement Award) của một tổ chức y tế uy tín trên thế giới. Ông Phạm Đức Mục, chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, chia sẻ ông đã cùng "cô Hồ" tham gia vận động thành lập hội từ những ngày đầu tiên và đã học được rất nhiều ở cô.
"Nghề điều dưỡng thực sự vất vả. Nếu gia đình có một người ốm liệt, phải hỗ trợ thở, chăm sóc đã vất vả, nhưng ở bệnh viện, điều dưỡng phải chăm nhiều người bệnh cùng lúc, áp lực rất nhiều. Nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ điều dưỡng, đặc biệt là cô Hồ, đến nay vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người dân đã được cải thiện hơn" - ông Mục nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận