23/05/2016 08:08 GMT+7

Những lá phiếu đặc biệt

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Họ là những con người đang trong hoàn cảnh đặc biệt, nhưng họ vẫn được tham gia “ngày hội non sông” trong vai trò những cử tri đặc biệt, với những gửi gắm riêng của mình.

Bầu cử ngay tại buồng giam ở trại tạm giữ Q.11 (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Dương
Bầu cử ngay tại buồng giam ở trại tạm giữ Q.11 (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Dương

Ông Trần Ngọc Du, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), cho biết trong sáng 22-5, toàn bộ hơn 9.500 học viên cai nghiện và sau cai tại 17 trường, trung tâm và cơ sở xã hội do TP.HCM quản lý đã được tổ chức đi bầu cử. Đặc biệt, có những trung tâm có hơn 1.000 học viên đã được TP.HCM tăng cường lực lượng để tổ chức bầu cử cho các học viên.

“Cử tri công nhân chúng tôi mong muốn các đại biểu khi trúng cử sẽ quan tâm đến quyền lợi, đời sống của anh chị em công nhân nhiều hơn

Anh Nguyễn Văn Nam (công nhân tại KCN Việt Hương, Bình Dương) mong mỏi sau khi bỏ phiếu. Anh cho biết hôm nay công ty của anh vẫn phải làm việc, anh tranh thủ tới bỏ phiếu trước khi vào làm

Mang thùng phiếu đến từng buồng giam

Sáng sớm 22-5, tại điểm bỏ phiếu số 83 trại giam Chí Hòa (TP.HCM) có 2.266 can phạm tham gia bỏ phiếu. Lễ khai mạc có đại tá Đinh Thanh Nhàn - phó giám đốc Công an TP.HCM và bà Lê Thị Hồng Sâm - tổ trưởng tổ bầu cử trại giam Chí Hòa, cùng giám thị trại và các can phạm.

Sau lễ khai mạc, một số can phạm tham gia bỏ phiếu ở khu vực ngoài phòng giam giữ. Ngoài ra, hàng chục thùng phiếu cũng được thành viên tổ bầu cử mang đến từng buồng giam để các can phạm lần lượt ra bỏ phiếu.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đại tá Nguyễn Đình Long, giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đến 10g ngày 22-5, tất cả 136 người bị tạm giữ, tạm giam tại trại đã bỏ phiếu xong.

Trước ngày bầu cử, ban giám thị trại giam và các quản giáo đã tạo điều kiện để những người đang bị tạm giữ, tạm giam ở trại được đọc tiểu sử, lý lịch của các ứng cử viên. Hình ảnh, lý lịch của các ứng viên được dán tại khu vực học tập của trại.

Tại trại tạm giam Hòa Sơn (Công an Đà Nẵng), cán bộ trại đã đưa thùng phiếu đến các buồng tạm giam, tạm giữ để các cử tri bỏ phiếu. Tại Nghệ An, 727 người đang bị tạm giữ, tạm giam tại trại giam Công an tỉnh cũng đã đi bầu.

Đại tá Trần Sỹ Phàng, giám thị trại giam Công an tỉnh Nghệ An, cho biết sau khi có danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An, tổ bầu cử số 5 đã photocopy và dán tại các phòng tạm giam, tạm giữ để cử tri có thể nghiên cứu, lựa chọn trước.

Bệnh nhân bầu cử

Tại TP.HCM, lúc 11g, tổ bầu cử số 45 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) đã mang thùng phiếu lưu động đến Bệnh viện Từ Dũ. Ông Phạm Hoàng Nam, phó trưởng phòng tài chính kế toán bệnh viện, cho biết có 19 cử tri tham gia bỏ phiếu tại bệnh viện. Đây là các bệnh nhân khoa ung bướu phụ khoa và khoa hậu phẫu đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau.

Cử tri Hà Thị Tuyết bỏ phiếu tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng
Cử tri Hà Thị Tuyết bỏ phiếu tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng phối hợp với tổ bầu cử địa phương đem thùng phiếu phụ vào tận giường bệnh để cử tri bỏ phiếu.

Bệnh nhân Tô Vinh Sáu (28 tuổi, trú tại bản Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn) đang nằm điều trị tại khoa ngoại của bệnh viện huyện cho biết: “Trước ngày bầu cử bỗng nhiên tôi đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Được sự hướng dẫn của ban giám đốc bệnh viện, tôi gọi người nhà đem thẻ cử tri của mình đến bệnh viện để thực hiện quyền của mình. Sáng 22-5, các cán bộ trong tổ bỏ phiếu đã đem thùng phiếu phụ đến tận giường bệnh, hướng dẫn tôi bỏ phiếu”.

TP.HCM: Người dân có tinh thần trách nhiệm cao

Tối 22-5, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Ủy ban bầu cử TP.HCM, cho biết tính đến 19g cùng ngày, tỉ lệ cử tri toàn TP.HCM đi bầu đạt 99,36%. Trong đó có 67 phường, xã, thị trấn đạt tỉ lệ người dân đi bầu 100%. Có 2 cử tri lớn tuổi nhất (116 tuổi) tham gia bầu cử là cụ Trần Đắc Nhơn (địa chỉ số 77/5 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh) và cụ Vũ Thị Đôn (địa chỉ 5/46/10 Chấn Hưng, P.6, Q.Tân Bình).

Bà Tâm cho biết qua kiểm tra đánh giá sơ bộ của Ủy ban bầu cử TP.HCM, công tác tổ chức tại các điểm bầu cử rất chu đáo, chủ động. Người dân có tinh thần trách nhiệm cao, nhiều người đến xếp hàng đợi để bầu cử. An ninh trật tự được bảo đảm. Người dân thấy được trách nhiệm của mình chứ không xem đây đơn thuần là quyền. Công tác cập nhật số liệu rất chính xác. Bà Tâm đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phối hợp tuyên truyền tốt hoạt động bầu cử của TP.HCM.

Bà Tâm cho biết theo quy định, ứng cử viên hoặc người được ủy quyền, các phóng viên báo chí đã có thể đến chứng kiến việc kiểm phiếu. “Chúng tôi sẽ giám sát kỹ để đảm bảo công tác này được diễn ra đúng quy định” - bà Tâm nói.

MAI HƯƠNG

Linh mục 92 tuổi bỏ phiếu

Linh mục Đỗ Chính Thống bỏ phiếu - Ảnh: Đông Hà
Linh mục Đỗ Chính Thống bỏ phiếu - Ảnh: Đông Hà

Sáng sớm 22-5, tại khu vực bỏ phiếu số 1, P.5, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong hàng ngàn cử tri của khu phố có linh mục Đỗ Chính Thống năm nay đã 92 tuổi. Linh mục Đỗ Chính Thống là người bỏ lá phiếu đầu tiên của điểm bầu cử.

Linh mục Thống cho biết từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, không lần nào ông bỏ sót lá phiếu của mình trong tất cả các lần có tổ chức bầu cử. “Chỉ mong cho đất nước được bình yên, mọi người yêu thương nhau, nhân dân yêu thương nhau mà đoàn kết, đừng để ngoại xâm chiếm cứ” - linh mục Thống gửi gắm.

ĐÔNG HÀ

Cử tri không bàn tay

Ông Vi Văn Ăm bỏ phiếu bầu - Ảnh: T.Thành
Ông Vi Văn Ăm bỏ phiếu bầu - Ảnh: T.Thành

Khi các cử tri đang tất bật xếp hàng bỏ phiếu, ngoài hội trường khu vực bầu cử có một người đàn ông cặm cụi ngồi, nheo đôi mắt đã mờ và thi thoảng đưa hai cánh tay đã cụt dò thông tin từng ứng cử viên các cấp. Ông là Vi Văn Ăm, 61 tuổi, người dân tộc Thái, ở thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).

Tuy hai bàn tay không lành lặn nhưng ông Ăm vẫn hồ hởi đi bầu cử với tâm niệm “phải chọn người có đức, có tài”. Ông Ăm cho biết hai cánh tay bị cụt sau một vụ tai nạn cách đây 37 năm, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình là người khuyết tật. “Hai tay tôi vẫn dùng bút viết và bỏ phiếu được đấy” - ông Ăm tự tin nói.

Nhiều cử tri tại tổ bầu cử số 2, thôn Lầu Nàng cũng ngạc nhiên khi thấy ông Ăm chịu ngồi gần hai giờ nghiên cứu thông tin các ứng cử viên rồi mới đặt bút gạch vào lá phiếu. Vừa đặt lá phiếu vào thùng phiếu, ông Ăm nói: “Tôi rất mong sau khi các đại biểu được người dân bầu sẽ tạo điều kiện tốt cho cuộc sống và công việc làm ăn của người dân trong xã, đồng thời đưa ra những chính sách chu đáo, hợp lòng dân”.

TIẾN THÀNH

Đôi bạn U-80 rủ nhau đi bầu

“Cặp bài trùng” U-80: ông Thái Bình và ông Huỳnh Minh Xuân - Ảnh: Tịnh Ngọc
“Cặp bài trùng” U-80: ông Thái Bình và ông Huỳnh Minh Xuân - Ảnh: Tịnh Ngọc

Tại tổ bầu cử số 1 (thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) sáng 22-5, hình ảnh đẹp đập vào mắt nhiều người là đôi bạn U-80 cụ ông Thái Bình và cụ ông Huỳnh Minh Xuân - cùng cư ngụ tại ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm - tham gia bỏ phiếu bầu cử.

Cụ Bình chia sẻ: “Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi muốn tự mình đi bầu cử. Tôi cùng người bạn thân là cụ Xuân mong mỏi ngày này cũng đã lâu rồi”. Theo người nhà của cụ Bình, cụ mắc bệnh tim đã lâu, hằng ngày phải uống thuốc điều độ mới đảm bảo sức khỏe nhưng cụ bảo cụ đi được, đây là ngày hội non sông nên cụ muốn tự tay bỏ phiếu.

Thấy cụ Bình kiên quyết, con cháu cụ không nói gì, ai ngờ cụ lại có một người bạn thân đi cùng. Cụ Xuân cũng vui không kém cụ Bình, cụ cho biết đã đếm từng ngày cho nhanh đến ngày bầu cử để được đi bầu.

TỊNH NGỌC

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp