Đáp ứng cả ba yêu cầu cho mô hình mới, gồm: sử dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng kiến thức của người dân địa phương, áp dụng được ở địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác do chi phí rẻ…, mô hình bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn chống xói lở có đầy đủ tính ưu việt để áp dụng tại vùng ven biển Kiên Giang và nhân rộng.
Bền vững, thân thiện môi trường
Với hơn 200km bờ biển, Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đang đối mặt với những nguy cơ lớn do tình trạng lở đê, dẫn tới xâm nhập mặn. Những con đê được đắp lên lại bị sóng biển lôi ra. Trong khi đó, chi phí làm đê bằng bê tông có thể lên tới 30 tỉ đồng trên 1km, mà vẫn bị vỡ nếu không có rừng bảo vệ.
Trước thực trạng đó người dân đã địa đã sử dụng cây tràm - loại cây đặc trưng của vùng đất Kiên Giang làm đê kè chống sạt lở, làm rào cản giảm tốc độ của những con sóng khi đánh vào bờ. Đây là cách làm vừa ít tốn kém chi phí, vừa sử dụng được nguyên liệu tại chỗ và vừa không gây ô nhiễm đến môi trường. Loài cây chịu được nước này cũng được người dân sử dụng để đóng cừ xây dựng những công trình kiên cố.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay người dân địa phương sống ở vùng ven biển thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang đang tham gia mô hình chống xói lở bờ biển, bằng phương pháp phục hồi rừng ngập mặn, sử dụng hàng rào chắn sóng để giữ bùn.
Đây là dự án trồng rừng ngập mặn của Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do Chính phủ Đức và Chính phủ Australia tài trợ. Dự án này cũng chính là mô hình thí điểm cho một trong những giải pháp chống biến đổi khí hậu trong khu vực, đối phó với nạn xâm thực của biển đang diễn ra ngày càng khốc liệt ở các địa phương ven biển thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tham gia dự án, người dân đã tích cực ươm vườn cây lấn biển ngăn mặn nhằm bảo vệ tuyến đê biển vừa mới được gia cố và bảo vệ hàng ngàn héc-ta lúa, nuôi tôm, trồng màu… Chỉ vài năm nữa, những cánh rừng ngập mặn này sẽ vươn cao bảo vệ tuyến đê biển ở bên trong. Cách làm này không chỉ tốn kém ít chi phí mà còn rất thân thiện với môi trường.
Có khả năng nhân rộng
Từ năm 2008 đến nay, ICMP đã phục hồi được 3 ha rừng ngập mặn ở Vàm Rầy, với 500m chiều dài và 600m từ đất liền ra biển, 25ha đất nông nghiệp phía sau đê cũng được bảo vệ. Ở khu vực xói lở ít chỉ xây dựng hàng rào giữ bùn dài 900m cũng đã bảo vệ được bờ biển và 9ha rừng ngập mặn trước đê, 45ha đất nông nghiệp phía sau đê.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, kế hoạch tới năm 2020 tỉnh sẽ phát triển thêm 610ha rừng bảo vệ đất liền, trong đó có 100ha gây bồi tạo bãi và 510ha rừng ngập mặn.
Mới đây, Chính phủ Đức và Chính phủ Australia đã ký kết tài trợ 39,4 triệu USD, để chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học ở 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, dựa trên mô hình đã thành công bước đầu ở Vàm Rầy.
Theo đó, nếu trong giai đoạn đầu dự án mới chú trọng xây dựng mô hình phục hồi rừng cho cộng đồng, đến giai đoạn hai dự án sẽ chú trọng việc cải thiện sinh kế cho người dân trong khi vẫn bảo vệ được toàn bộ diện tích rừng đã được khôi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận