Nhân viên của một vựa phế liệu ở Q.Bình Tân, TP.HCM dù đang đóng bao phế liệu nhưng vẫn thản nhiên hút thuốc - Ảnh: Đức Thanh |
Bên cạnh đó, nhiều đại lý gas hoạt động ngay cạnh trường học cũng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất an.
Quá thiếu thiết bị phòng chống cháy
trên đường Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, Q.9) là một căn nhà khá dài và rộng, được làm đơn giản bằng gỗ và lợp tôn. Trong vựa này có hàng chục bao tải chứa đồ phế liệu được chất xếp cao đụng nóc nhà.
Tuy nhiên, chúng tôi tìm quanh quẩn trong vựa phế liệu này mới thấy một bình chữa cháy được cột kỹ trên vách, nằm lẫn với các đồ phế liệu cũ.
Tương tự, vựa thu mua vỏ chai nhựa cũ có diện tích rộng cả ngàn mét vuông nằm trên đường Mã Lò (P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) dù ngoài bãi để hàng trăm bao tải chứa các loại vỏ nhựa đã xay nhỏ nhưng lại không có mái lợp để bảo quản dưới cái nắng gay gắt. Cả khu vực cổng bảo vệ và nhà để xe không hề thấy bình hay vòi chữa cháy.
Tại cơ sở thu mua phế liệu trên đường Rạch Bùng Binh (Q.3), người chủ lấy cả vỉa hè làm nơi để phế liệu với giấy báo, sắt thép ngổn ngang. Bên trong là căn nhà tối hù, nhếch nhác, đồ phế liệu chất đầy. Vựa này thu mua cả bình gas, bình chữa cháy...
Người chủ cho biết với những loại bình gas vẫn còn gas bên trong thì sẽ xì hết gas ra ngoài. Ông này tỉnh bơ chỉ ra vỉa hè trước cửa nhà - nơi rất nhiều xe cộ qua lại, cho biết đấy là nơi để xả gas. “Mình xì cho gas ra, làm sao nổ được” - người này khẳng định. Khi được hỏi có trang bị bình chữa cháy không, người này cho biết đã có hai bình chữa cháy, nhưng hiện nay đã mang đi sạc rồi.
Người dân sống gần vựa ve chai trên đường Rạch Bùng Binh cho biết họ mong mỏi vựa ve chai này mau chóng dời ra ngoại ô. “Lúc nào chúng tôi cũng phập phồng vì sợ cháy. Khu vực này dễ xảy ra cháy lắm. Đợt trước đã có hai căn nhà trong hẻm bị cháy nên ai cũng lo” - chị Tuyết, một người dân sống ở đây, kể. Và càng lo hơn khi trên đường Rạch Bùng Binh này, cách nhau mấy trăm mét nhưng có đến hai vựa thu mua phế liệu.
“Bom” gas sát trường học
Tại số 15 Bàu Cát 1, P.14, Q.Tân Bình là đại lý gas tư nhân C.L, cách đó một căn nhà là một trung tâm ngoại ngữ tin học. Người dân ở đây cho biết đại lý gas này đã bán hơn mười năm nay, còn trung tâm mới mở sau này. Thường vào thời điểm buổi chiều tối, học sinh đến trung tâm học đông khiến nhiều người lo lắng nếu có sự cố xảy ra.
Tương tự, đại lý gas X.TH trên đường Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 nằm sát bên Trường mẫu giáo tư thục Hoa Hồng. Cô giáo Nguyễn Thị Diễm, quản lý học sinh của trường, cho biết mặc dù 16 năm nay không xảy ra sự cố gì nhưng do hằng ngày nhiều người ra vào đại lý gas mua bán, vận chuyển gas nên cả giáo viên và phụ huynh đều cảm thấy lo lắng.
Nhà trường có mua bình chữa cháy, trang bị dây thoát hiểm và chuẩn bị số điện thoại gọi khẩn cấp phòng khi sự cố xảy ra. Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy của quận cũng xuống tập huấn cho giáo viên.
Tuy nhiên, do khu trường học không có lối thoát hiểm nên nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì cả cô và trò rất khó thoát ra. “Các bé còn nhỏ, dù chuẩn bị nhưng nếu sự cố xảy ra chẳng biết xử lý sao” - cô Diễm nói.
Ông Trần Sinh Hùng, phó chủ tịch UBND P.14, cho biết phường thường xuyên theo sát kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chất dễ gây cháy nổ trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nay cơ quan cấp phép cho các đơn vị kinh doanh này thường không có sự phối hợp với địa phương dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ vẫn được hoạt động xen kẽ trong khu đông dân cư.
Chính vì vậy, ông Hùng đề xuất các cơ quan cấp phép nên lấy ý kiến góp ý của phường xác định được những vị trí an toàn để có cơ sở cấp phép kinh doanh.
Tán đồng với đề xuất này, ông Cao Hồng Việt, phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, bổ sung thêm rằng về lâu dài, các loại hình kinh doanh dễ cháy nổ nên quy hoạch tập trung về một số nơi để dễ kiểm soát.
Ông Chu Xuân Kiên (phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội): Nhiều điểm thu mua phế liệu không đăng ký kinh doanh Sau vụ nổ ở điểm thu mua phế liệu tại Q.Hà Đông, sở đã họp về việc này. Trong quá trình họp đã xem xét các vấn đề liên quan và cũng thấy còn nhiều vấn đề về quản lý phải xem xét. Với những điểm thu mua phế liệu có đăng ký kinh doanh, có giấy phép chuyên kinh doanh thu mua phế liệu thì Sở Công thương và lực lượng quản lý thị trường có kiểm tra. Tuy nhiên, không phải điểm thu mua phế liệu nào cũng đăng ký kinh doanh, cũng có giấy phép kinh doanh. Thực tế có tình trạng người thu mua phế liệu thuê nhà rồi thu gom, thu mua phế liệu về tích trữ tại đó, sau đó chuyển đi các tỉnh thành khác bán cho những điểm tập kết lớn. Cũng có tình trạng những người buôn bán đồng nát thuê nhà rồi đi mua phế liệu sau đó về tích trữ phế liệu tại nơi mình thuê. Những người này không có đăng ký kinh doanh, ngay địa điểm họ thuê ở cũng không cố định nên lực lượng quản lý thị trường không thể kiểm tra. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét quy trình quản lý với những trường hợp kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh thế nào cho phù hợp, sẽ có những đề nghị về trách nhiệm của quận, phường trong quản lý lĩnh vực này thời gian tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận