Ngài đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg (giữa) trò chuyện tại Đường sách TP.HCM chiều 13-5- Ảnh: L.Điền |
Đó là ý kiến của ông Bruno Angelet, đại sứ, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, phát biểu khai mạc Những ngày sách văn học châu Âu ở TP.HCM sáng 13-5.
Trong đó, theo ông, việc Hà Nội và TP.HCM xây dựng được hai đường sách là tín hiệu rất đáng mừng.
Ông Bruno cũng cho rằng nếu TP.HCM có ý định trở thành một thành phố thông minh thì đây sẽ là một hành trình, ở đó chắc chắn có điểm trùng hợp với hành trình đọc sách của người dân thành phố.
“Qua nhiều thế kỷ, hành trình đọc sách đã phá nhiều rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để con người đến gần nhau hơn” - ông Bruno nhấn mạnh.
Đây là lần thứ hai Những ngày sách văn học châu Âu được tổ chức tại TP.HCM. Năm nay có 8 nước thành viên châu Âu cùng tham gia, với hàng loạt sự kiện diễn ra tại đường sách trong các ngày từ 9 đến 15-5.
Không chỉ những “tín đồ” của văn học châu Âu, rất nhiều bạn đọc “sẽ yêu và yêu thêm” văn học châu Âu từ độ hội tụ của chương trình với nhiều chuyên gia, dịch giả, chính khách... đến nói chuyện, trải lòng với cùng mục đích là đồng hành đưa văn học châu đến với Việt Nam, cũng như tạo xúc tác để bạn đọc Việt Nam tiếp nhận sâu sắc hơn, đồng điệu hơn và hứng khởi hơn đối với những tác phẩm văn học châu Âu.
Trong khuôn khổ đó, đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg cũng có mặt tại Đường sách TP.HCM chiều 13-5 để cùng giao lưu với bạn đọc Sài Gòn về tác phẩm Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất - một tác phẩm văn học Thụy Điển với bản dịch do NXB Trẻ thực hiện đã tái bản đến lần thứ 12.
Điều thú vị là từ trường hợp “ông trăm tuổi” được nhiều độc giả yêu thích, người ta nhớ lại những giá trị tuyệt vời được tạo thành từ đất nước Thụy Điển tận Bắc Âu.
Trong vai trò dẫn chuyện, nhà báo Lê Hồng Lâm đặt câu hỏi rằng tại sao quốc gia Thụy Điển nhỏ bé, chỉ 9,5 triệu dân nhưng lại góp cho cộng đồng toàn cầu nhiều giá trị đến vậy:
- Là một trong những quốc gia đáng sống nhất
- Có nhiều tác phẩm văn chương đỉnh cao
- Quê hương của Nobel và giải thưởng mang tên nhà khoa học đến nay vẫn danh giá nhất trên thế giới
- Và ngài đại sứ bổ sung: trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới, Thụy Điển có 7 trường.
Lý giải điều này, ngài đại sứ Pereric Hogberg cho rằng điều may mắn là “chúng tôi có một xã hội mở, chúng tôi được nói, được viết, được phép thành công và thất bại.
Quan trọng hơn, chúng tôi liên tục chuyển mình, có thể nói chúng tôi đã chuyển mình từ thế kỷ 16 đến tận năm 2017 này.
Chúng tôi có những con người kiệt xuất, tìm kiếm ý tưởng có tầm toàn cầu và đưa nó quay về Thụy Điển. Và nữa, môi trường tự nhiên khắc nghiệt cũng góp phần đào luyện con người Thụy Điển rất nhiều”.
Buổi giao lưu kết thúc với lời khẳng định về điểm giống nhau giữa Việt Nam và Thụy Điển, là chúng ta đều hi vọng về một tương lai xán lạn hơn, khởi từ tinh thần đọc sách: đọc để giúp chúng ta nhận thức đúng hơn về thế giới xung quanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận