Bởi với họ, biển không chỉ là không gian sinh tồn mà ở đó có lớp lớp cha ông đã truyền đời bám sóng giữ nghề và giương cao ngọn cờ Tổ quốc.
Tiếp bước ra khơi
Hai ngư dân đen nhẻm, rắn rỏi đang ngồi trong căn nhà nhỏ ở thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) là Võ Văn Kệnh (47 tuổi) và Võ Văn Ý (40 tuổi) vừa có chuyến đi biển về.
Hai ông Kệnh, Ý cùng một người anh khác là Võ Văn Lênh (52 tuổi) chính là những ngư dân đã sống sót trở về trong thảm họa Chan Chu khiến 87 ngư dân xã Bình Minh tử nạn giữa biển khơi năm 2006. Điều đặc biệt là họ có hai người anh em ruột mất trong bão nhưng vẫn quyết không bỏ nghề.
Ông Kệnh nói gần 20 năm qua ba anh em vẫn ra biển hằng ngày. Sau đại tang ở Bình Tịnh, trong đó có nhà của Kệnh khi có hai anh em Kệnh cùng mất trên biển, mấy anh em đã có một quãng thời gian tạm gác nghề biển, lên bờ vay vốn nuôi tôm, tìm cơ hội khác.
Nhưng rồi nỗi nhớ biển mênh mông, nhớ bầu trời xanh thong dong, tự do dù mong manh bất trắc trên biển mà cả ba anh em lại ôm quần áo lên tàu theo bạn nghề ra khơi.
Kệnh tâm sự chuyến đi biển dở dang của anh vừa diễn ra được mấy hôm. Sau cả tháng chuẩn bị tổn phí, đồ đạc, tàu đưa gần 30 bạn nghề ra vùng Hoàng Sa để hành nghề câu mực. Khi ra được gần 10 ngày thì mẹ ở quê báo tin ba mất, cả ba anh em đành nhảy lên tàu cá khác để về chịu tang.
Ngôi nhà ông Kệnh và ba mẹ nằm sát nhau trên con hẻm dẫn từ đường chính qua xã Bình Minh vào hướng biển ở thôn Bình Tịnh. Một bộ bàn đá tiếp khách được đặt ngoài góc sân.
Mẹ Trần Thị Liên, năm nay 76 tuổi, ở làng biển này là một trong những hình ảnh sinh động về sự can trường và trở thành biểu tượng của tinh thần vượt lên mọi đau đớn để đưa chồng, con thay nhau bám biển.
Trong những ngày đau xót của bão Chan Chu, mẹ Liên quấn trên đầu hai vòng khăn tang. Hai con trai của bà đi biển đã nằm lại cùng các anh em ngư dân khác. Cùng với hàng chục người vợ, người mẹ khác ở Bình Minh, nỗi đau đến với mẹ Liên như điên dại và phải rất lâu để họ có thể nguôi ngoai, gượng dậy sau mọi thứ.
Trải qua sinh tử, lẽ thường con người ta sẽ run sợ và tìm con đường khác để mưu sinh. Nhưng cả mẹ Liên và ba người con trai còn sống sót thì không như vậy.
Chúng tôi hỏi những ngư dân khác ở Bình Tịnh, Tân An, Hòa Bình - những "ngôi làng Chan Chu" từng trải qua đau buồn năm 2006 - thì tất cả đều chung một câu chuyện giống mẹ Liên và ba cậu con trai còn sống. Sau dông bão, họ vẫn níu vai nhau ra biển.
Mẹ Liên bảo rằng giờ mỗi lần con đi, bà ngồi trước sân nhà coi tấm lưng mấy đứa khuất dần ngoài bãi cát.
Bao đời nay họ vẫn cứ như thế, vẫn theo nhau tiến ra đầu sóng ngọn gió biển cả như lời mẹ Liên. Ý, Kệnh, Lênh nói rằng trong bão Chan Chu, ba anh em đi trên hai con tàu khác nhau và tàu dù đã bị gió quăng đập gần 10 giờ đồng hồ giữa biển nhưng cả ba vẫn trở về được. Đó là cuộc trở về với con tàu tả tơi, không còn ngư cụ, không thứ gì sót lại trên boong. Tất cả bị bão xé rồi hất xuống biển tả tơi.
Cả ba anh em ngư dân này nói rằng rút kinh nghiệm từ bão Chan Chu, từ sau đó đến nay họ đều không đi cùng nhau trên một hoặc hai tàu nữa mà tản ra. Lý do dù không nói ra nhưng ai cũng biết.
Can trường trên sóng gió
Chúng tôi qua nhà người phụ nữ khác có con, chồng mất trên biển cũng tên là Trần Thị Liên, 66 tuổi, nằm bên kia đường biển chạy qua thôn Bình Tịnh. Bà Liên ngồi bế mấy đứa cháu, hôm nay có người thân của bà mới đi Nhật Bản xuất khẩu lao động và trở về nên nhà đông trẻ con, rộn rã như đang có đám cưới.
Bà Liên đã hết buồn rồi. Thời gian cũng đủ giúp bà chấp nhận nỗi đau để khép lại vết thương lòng mà sống cho các con cháu còn lại. Bà nói nhà sắp làm đám giỗ cho chồng bà và cậu con trai.
Ngày hai người thân ruột thịt của bà nằm lại trên biển, bà đã tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi để có thể sống tới hôm nay. Nhưng như bà nói, ở làng biển của bà, đã xác định ra khơi là phải có sự can trường, chấp nhận bất trắc nhưng cũng luôn có niềm tin mãnh liệt.
Chúng tôi gặp nữ trưởng thôn Bình Tịnh Trần Thị Điểu khi đang đi vào thăm hỏi các gia đình nhân dịp sắp lễ giỗ chung của ngư dân gặp nạn bão Chan Chu.
Bà Điểu đọc vanh vách từng con số khiến người nghe lùng bùng lỗ tai: bão Chan Chu đã lấy đi 87 ngư dân của Bình Minh, trong đó thôn Bình Tịnh có 54 người không về, thôn Hòa Bình là 30 người và số còn lại là ở Tân An. Nhưng như bà Tịnh nói thì điều rất kinh ngạc là đa số gia đình, vợ con các ngư dân sau khi chịu tang người thân xong thì không bỏ biển mà lại có người tiếp tục ra khơi.
Có những ngư dân khi nằm xuống, con mới chỉ trong bụng người vợ ở nhà, nay đứa con đó đã lớn khôn, đủ sức vóc học nghề câu mực, lưới vây để lên tàu ra hướng ba mình đã nằm xuống.
"Nhiều không đếm xuể, không nhớ hết. Nào là anh Nguyễn Văn Nhứt, 37 tuổi, hiện đang đi biển. Ba anh Nhứt là Nguyễn Văn Năm cũng mất trong bão Chan Chu. Rồi anh Đặng Văn Láng, 39 tuổi, cũng tiếp tục bám nghề sau khi ba là Đặng Văn Minh bị nạn trong bão Chan Chu. Để thống kê hết có khi phải lục lại danh sách rồi ngồi đếm cả hàng chục phút", bà Điểu tâm sự.
Những thế hệ đi biển mới ở "làng vọng phu"
Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh Lê Xuân Tới cho biết toàn xã này có hơn 2.000 hộ với khoảng 8.000 dân. Từ trước tới nay phần lớn bà con đều làm nghề biển. Câu chuyện thảm khốc của bão Chan Chu năm 2006 đã để lại những mái nhà tan tác và tương lai mịt mờ với người ở lại.
Nhưng với ý chí sắt đá của người miền biển, sau gần 20 năm bão vào Bình Minh, giờ đây thậm chí không thể nhận ra những ngôi làng từng có những gia đình xác xơ, tan tác trong Chan Chu. Làng nào cũng kín nhà cao tầng, kiên cố nằm san sát.
Người ở nhà đi buôn bán, người đi biển trúng mực trúng cá... khiến cuộc sống vượt lên, thay đổi mỗi ngày. Trong số này có rất nhiều ngôi nhà khấm khá của các góa phụ vì bão gió đại dương.
Bà Đặng Thị Mỹ Ly, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Minh, cũng nắm danh sách hàng chục chị em thuộc diện có chồng con mất trong bão Chan Chu, nhờ nguồn hỗ trợ sinh kế của xã và các nhà hảo tâm mà gác qua nỗi đau, vượt lên làm ăn khấm khá.
"Ba mẹ, anh em mất trên biển nhưng con cái họ ngoài tiếp tục đi biển, vẫn học hành và thành đạt. Nhiều con em ngư dân tử nạn năm 2006 nay đã thành cán bộ, tốt nghiệp đại học và ra trường đi làm", bà Ly nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận