Hố thiên thạch Gosses Bluff ở Tây Úc - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Forbes, trong khi khoan lòng đất tìm vàng, các chuyên gia của Công ty khai thác khoáng sản Evolution Mining (Úc) nhận thấy nhiều điểm lạ lùng. Một số phiến đá bị biến dạng khác thường, trong đó nhiều lớp lại chênh lệch niên đại.
Vị trí phát hiện nằm tại Ora Banda, vùng đất xa xôi miền Tây Úc. Khi đem soi dưới kính hiển vi, nhiều lớp đá nằm sâu trong lòng đất có kết cấu như thủy tinh bị vỡ. Đem phân tích các lớp vàng trong khu mỏ, các chuyên gia cũng nhận thấy khoáng sản quý này dường như đã từng bị vỡ vụn bởi một ngoại lực cực mạnh.
Ngay lập tức, một nhóm các nhà khoa học từ nhiều đại học nổi tiếng ở Úc vào cuộc. Nhà địa vật lý học Jayson Meyers (Úc) cho biết nhóm đã sử dụng nhiều phương pháp vẽ bản đồ hiện đại như quét điện tử hay phân tích trọng lượng để giải mã bí ẩn.
Vị trí hố thiên thạch mới được phát hiện - Ảnh: GOOGLE MAP
Kết quả, các nhà khoa học xác định đây là một hố thiên thạch khổng lồ. Tuy vậy, hố không "lộ thiên", tức hiện rõ trên mặt đất như nhiều hố khác. Quá trình bồi đắp các lớp đất giữa sa mạc đã tạm che đi hố thiên thạch này.
Nhóm tính toán, đường kính của hố có thể lên đến 5km, nằm trong nhóm những hố thiên thạch có kích thước lớn nhất hiện nay. Tiến sĩ Jayson Meyers cũng đã giới hạn và xác định được chu vi của hố.
Qua phân tích cacbon, nhóm bước đầu dự đoán hố thiên thạch này được hình thành cách đây hơn 100 triệu năm, vào thời kỷ Phấn Trắng. Đây cũng là giai đoạn hưng thịnh của loài khủng long.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang phân tích thêm các đặc tính vật chất bên trong khu vực này. Nhóm xem xét tác động của hố thiên thạch này với môi trường xung quanh.
Các hố thiên thạch được hình thành do va chạm giữa Trái đất và thiên thạch nhiều năm trước đây. Tác động lực mạnh làm mặt đất lõm vào bên trong. Trải qua hàng trăm triệu năm, nhiều hố được các lớp trầm tích, đất đá phục hồi.
Đến nay, các nhà khoa học đã biết được khoảng 180 hố thiên thạch còn giữ được kết cấu, trong đó phần lớn là những hố "lộ thiên". Một số hố thiên thạch có kích thước lớn và tuổi đời khó tin.
Cũng nằm ở Tây Úc, Yarrabubba thường được xem là hố thiên thạch có tuổi đời lớn nhất trên Trái đất. Hố có đường kính gần 70km (đường tròn trắng đứt khúc) nhưng chỉ có một phần nhỏ "lộ thiên". Nhóm nghiên cứu Đại học Curtin (Úc) phân tích đồng vị của khoáng chất zircon và monazite, xác định hố này hình thành cách đây khoảng 2,2 tỉ năm, tương đương khoảng nửa tuổi Trái đất - Ảnh: GOOGLE EARTH
Một hố thiên thạch phát hiện năm 2019 ở Trung Quốc. Hố có đường kính khoảng 1,9km, sâu khoảng 150m. Viện Địa hóa học Quảng Châu cho biết hố nằm trên dải núi Tiểu Hưng An (Trung Quốc). Đến nay, chỉ khoảng 1/3 miệng hố bị hư hại - Ảnh: NYK DAILY
Hố Karakul ở Tajikistan. Nằm ở độ cao 3.900m so với mực nước biển, Karakul thường được xem là một trong những hố thiên thạch cao nhất trên thế giới. Ước tính hố có niên đại khoảng 25 triệu năm. Ngày nay, hố nằm trong Vườn quốc gia Tajik, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2013 - Ảnh: WIKIMEDIA
Nằm ở phía đông bắc của sa mạc Great Sandy (Tây Úc), hố Wolfe Creek gần như vẫn còn nguyên vẹn. Theo các nhà khoa học, Wolfe Creek rộng khoảng 880m, sâu khoảng 55m. Hố còn khá "trẻ", được hình thành cách đây không quá 120.000 năm khi một thiên thạch rơi xuống Trái đất ở vận tốc khoảng 15km/giây - Ảnh: GETTY IMAGES
Barringer là một trong những hố thiên thạch nổi tiếng nhất thế giới ở Mỹ. Barringer sâu khoảng 170m, đường kính khoảng 1,6km, thường được xem là hố thiên thạch "lộ thiên" còn nguyên vẹn lớn nhất hiện tại - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Hố Barringer cũng khá "trẻ", tuổi đời khoảng 50.000 năm. Trước đó, một thiên thạch đường kính gần 50m va chạm với Trái đất ở vùng sa mạc Arizona đã tạo nên hố này. Ước tính, vụ va chạm có sức "công phá" gấp khoảng 150 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima - Ảnh: PLANET
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận