Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sáng nay 14-10, báo cáo nhanh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó với bão số 7 và mưa lũ ở miền Trung, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay, việc tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất ở khu vực trạm bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đang vô cùng khó khăn do khối lượng đất đá bị sạt lở do tiếp cận khó.
Video: Khoảnh khắc trực thăng thả nhu yếu phẩm xuống khu vực thủy điện Rào Trăng 3
"Tại hiện trường hiện có 642 người tham gia ứng cứu, 93 phương tiện, gần 100 ô tô, máy xúc, máy ủi, 3 máy bay trực thăng làm công tác cứu nạn để khảo sát hiện trường. Đến 16h30 ngày 13-10 đã san gạt đất chỉ còn cách khu vực sạt lở của trạm bảo vệ rừng 67 khoảng 2km.
Trong sáng nay, lực lượng sẽ tiếp cận được để cứu nạn ở khu vực trạm bảo vệ rừng 67, sau đó, tiếp tục san gạt đất đá sạt lở để tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3" - Đại tá Nguyễn Xuân Dũng cho biết.
Đại tá Dũng cũng cho biết, trong số 13 người mất tích, có 11 người là bộ đội, 1 chủ tịch UBND huyện Phong Điền và 1 phóng viên.
Tan hoang
Là những cảm nhận đầu tiên tại hiện trường vụ sạt lở ở trạm quản lý, bảo vệ rừng 67 do một người đã đến được hiện trường vào chiều 13-10 ghi lại bằng điện thoại. Tất cả đều tan hoang, bị vùi lấp dưới những lớp đất đá và cây rừng. Đáp lại những tiếng hú, tiếng hô "Còn ai không?" của lực lượng tìm kiếm, ngoài tiếng nước chảy, chỉ là một sự yên lặng đáng sợ, yên lặng đến nhói lòng.
Hiện trường trạm bảo vệ rừng 67 - Video: CTV
Trước đó, vào 12h ngày 12-10, nắm được thông tin thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đoàn công tác, gồm có lãnh đạo tỉnh, lực lượng quân đội để khảo sát tình hình. Thành phần đoàn công tác gồm 26 người, xuất phát từ huyện Phong Điền lúc 14h ngày 12-10.
"Tuy nhiên, trong quá trình đi do đường bị sạt lở quá nhiều nên đoàn xuống đi bộ, có 21 người đi tiếp, 5 người ở lại. Đến 0h thì toàn bộ quả núi sạt xuống, vùi lấp toàn bộ khu nhà nghỉ của trạm kiểm lâm, 8 người may mắn thoát ra, hiện còn 13 người mất tích" - Đại tá Nguyễn Xuân Dũng nói.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, ngay sau vụ việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn đề nghị các lực lượng khẩn trương khắc phục, Bộ Quốc phòng cũng có công điện chỉ đạo các lực lượng ứng cứu.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Uỷ ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói về đoàn cứu hộ gặp nạn - Video: CHÍ TUỆ
Tiếp cận điểm sạt lở bằng 3 mũi
Sáng cùng ngày, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Ban chỈ huy tìm kiếm cứu nạn đã triển khai 3 mũi tìm kiếm nhằm tiếp cận sớm nhất mục tiêu là các Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67, thủy điện Rào Trăng 3 -4 cùng thủy điện ALin B1-B2. Theo đó mũi tiếp cận gồm hàng không (trực thăng), đường thủy và đường bộ. Dự kiến trưa nay hướng tiếp cận đường bộ sẽ được thông tuyến để thực hiện các biện pháp cứu hộ cứu nạn.
Trong khi đó vào lúc 10h30 sáng nay, chiếc máy bay Mi 18 sau khi tiếp cận trên không hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, đã quay về sân bay Phú Bài. Một nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết mục đích của chuyến bay vẫn là để khảo sát thực địa để tìm hướng tiếp cận là chính. Ngoài ra trên chuyến bay này còn mang theo một số hàng hoá như yếu phẩm để tiếp tế. Nguồn tin này cho biết trong thành phần bay sáng nay còn có một thành viên là người địa phương, thông thạo địa hình khu vực gặp nạn
Trực thăng tại sân bay Phú Bài, Huế sẵn sàng phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận