20/06/2013 07:23 GMT+7

Những hệ lụy bi hài của "hòm công đức"

TRầN DIỆU DIỆU
TRầN DIỆU DIỆU

TT - Tiền của những người tín tâm thông qua các loại “hòm công đức”, “nén nhang, giọt dầu” chảy về di tích dưới các hình thức khác nhau. Và chuyện bi hài quanh hòm công đức có lẽ chung quy tổng kết lại chỉ cần cái tứ trong câu Kiều: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

30RXsa3B.jpgPhóng to
Người hành hương chen chúc cúng tiền lẻ tại chùa Đồng, di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử - Ảnh: CHÂU ANH

Đình, chùa, miếu mạo từ thượng cổ vốn bình yên, là nơi người ta tịnh tâm hướng về thế giới tâm linh huyền bí, khả kính. Ngày xưa đúc chuông chùa làng, ai có tâm mà giàu có lắm thì thả mấy xu tiền lẻ bằng đồng hoặc tí ti vàng dát cực mỏng vào, gọi là của ít lòng nhiều. Mỗi tiếng chuông ngân lên, bà con lại thấy rưng rưng xúc động. Còn bây giờ, người quản lý di tích in sẵn phiếu công đức xanh đỏ tím vàng trang trí diêm dúa rất hoành tráng, phát cho người “thả tiền”. Ai gửi cái gì cho phật, thánh... thì được ghi công, đem về treo ở nhà, tên họ của vợ chồng gia đình người công đức được khắc ở chân tượng, khắc ở cột cờ hay cột kèo của di tích, khắc ở ghế đá sân chùa, sân đền. Thậm chí có đại gia còn treo ảnh gia đình mình bên trên ảnh Phật, choán hết không gian cổ tự.

Bỗng dưng có tiền

Tiền nhiều nên mới có chuyện người của ban quản lý di tích dùng ôtô chở tiền lẻ đi đếm, mới có chuyện nội bộ ban quản lý tố cáo nhau đấu thầu quản lý di tích, rồi lại chuyện kẻ cướp bịt mặt khống chế sư nữ cướp đi hòm công đức bao nhiêu là tiền của. Có nhà chùa loan báo mất trộm vài tỉ đồng, dân chúng căm đạo tặc nhiều bao nhiêu thì cũng choáng với cái sự giàu tú hụ của két sắt đền chùa bấy nhiêu!

Hậu quả của các hòm công đức ngất ngưởng tiền có thể thấy rõ. Nạn rải tiền lẻ trong di tích khiến cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính kêu trời, kho bạc địa phương cũng ngán ngại. Vì tiền nên có những “gia đình tu hành” (con sâu bỏ rầu nồi canh thôi) rủ nhau kinh doanh đủ thứ quanh các di tích lớn: trụ trì chùa, nấu nướng cỗ bàn, mở tiệc, trông giữ xe, thậm chí có nhà sư đi xe Mercedes trị giá dăm tỉ đồng, trực tiếp lái xe sang tận Lào mua gỗ về “làm mới ngôi chùa cổ”. Rồi ôtô của “đệ tử” đem “quân” đi mở tiệc, đặt cỗ, kinh doanh các dịch vụ khắp các di tích mà nhà sư này trụ trì. Vì đồng tiền và cách hành xử của người bỗng dưng có tiền nào đó nên mới gây ra bi kịch đó.

Tiền công đức trong hòm đã dăm bảy tỉ đồng một năm, tiền “cúng dường” của những người tín tâm còn lớn hơn nữa. Chính quyền nhiều địa phương bức xúc: di tích quê mình, nghìn năm lịch sử cha ông để lại, tiền công đức để chăm sóc di tích, tôn kính các vị thần linh, thánh, phật, thành hoàng. Vậy mà xã, thôn không được “dây dưa” gì đến hòm công đức. Nhà sư giữ tất, sử dụng tất.

Tiền công đức vì sao lại có tội với di tích?

Một vấn đề đau lòng nữa là tiền công đức đã tham gia phá di tích ở rất nhiều vụ việc. Chúng tôi đã đi nhiều ngôi chùa, đền nổi tiếng ở Thuận Thành, Bắc Ninh, người quản lý hòm công đức nói thẳng: “Các bác ủng hộ tiền công đức đi, cố tí nhé, để sắp tới chúng tôi lại sơn toàn bộ hệ thống tượng cho... mới. Để thánh phù hộ chúng ta. Đền này là đền Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp mà”. Và sự thật là chùa, đền ở nơi này, các cụ cứ thích thì mua sơn Nhật về sơn lại cho bóng bẩy, cho đỏ xanh tím vàng thật đẹp.

Vụ việc tàn phá di tích nóng nhất năm 2012 vừa rồi có lẽ là vụ đập tan nhà tổ và gác trống của chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), sự kiện buồn khiến nhiều cán bộ của Hà Nội và huyện, xã phải chịu án kỷ luật, cảnh cáo, kiểm điểm, cắt thi đua. Nhưng liệu có ai đặt vấn đề nguyên nhân do đâu? Do buông lỏng quản lý. Buông lỏng quản lý cái gì mà gây hậu quả lớn thế? Xin thưa, trăm thứ tội do hòm công đức, tiền công đức đã được sử dụng sai. Tiền nhiều, nhà chùa sang tận Lào áp tải gỗ quý, gỗ lớn về dựng chùa. Dự án của Hà Nội trùng tu tôn tạo chùa Trăm Gian đã hòm hòm, nhưng chưa có kinh phí rót về lẽ ra phải chờ đợi, chờ đợi thì chùa cũng vẫn vững chãi lắm. Thế nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc lý do “không tiện nói ra nào đó”, lại sẵn tiền trong tay cần “giải ngân” người ta làm ào một cái, tai họa ập đến, vẻ đẹp của di tích như bát nước đầy đã đổ đi, như một tình yêu đã mất. Tiền và sự thiếu hiểu biết, cả hai mới đủ để làm tai họa lớn!

Nhiều người đã chia sẻ với ý kiến của một đại biểu tỉnh Ninh Bình phát biểu trong hội thảo “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” (tổ chức ở Hà Nội) ngày 12-4 vừa qua: “Nếu 10 năm trước có người tu hành đi xe Dream thì bây giờ đi xe Hummer, xe xịn nhiều chấm. Người dân nhìn vào sẽ thế nào?”. Thông tin về việc sư có công ty, sư lái xe Hummer như đại biểu Ninh Bình nói là rất nhiều. Chùa làng ở Đường Lâm là di tích quốc gia, tiền tỉ du khách mang vào là để cho cõi Phật, cho di tích. Toàn bộ việc trùng tu tôn tạo di tích (nếu có) là do bộ duyệt, cơ quan hữu trách thực thi, thử hỏi tiền công đức có phục vụ gì cho di tích và du khách không? Ngày xưa ở làng, chùa làng có ruộng chùa, các vị sư, các sãi cấy hái, lấy hoa lợi đó để sống và thanh bạch tu hành. Nay thì mọi chuyện đã khác. Đến mức chính quyền cơ sở phải nhiều lần đề nghị dùng tiền công đức đó vào việc công ích, hoặc làm sao cho minh bạch và đỡ vô lý!

(còn tiếp)

Kỳ 1:

dOcHhZ48.jpgPhóng to
Nhân viên ban quản lý đền Củi - người nhà của ông Quýnh - gom tiền trên hòm công đức ở đền Củi khi du khách làm lễ - Ảnh: V.Định

Những ngày này, đền Củi vẫn có rất nhiều khách thập phương đến thắp hương, cầu an. Cứ đến điểm thắp hương, cầu an nào của đền, chúng tôi đều nhìn thấy những chiếc hòm công đức vuông vắn được làm bằng kính hay gỗ, sắt đặt ở bên.

Tỉnh không đồng tình với bộ

Sau khi kiểm tra, làm việc về đền Củi, trong thông báo ngày 18-4 Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu: cần sớm thành lập ban quản lý đền; việc quản lý đền, tổ chức các hoạt động trong nội tự phục vụ nhân dân giao cho gia đình ông Quýnh, thủ nhang tiếp tục quản lý; việc quản lý tiền công đức cần thực hiện công khai minh bạch, nhưng tỉ lệ phân chia nguồn thu công đức được quy định trong đề án giao cho huyện Nghi Xuân soạn thảo...

Những nội dung mà bộ chỉ đạo về đền Củi, theo ông Võ Hồng Hải, tỉnh Hà Tĩnh không đồng tình. Hiện nay tỉnh giao cho sở tham mưu và trực tiếp làm việc với bộ những nội dung liên quan.

Đi loanh quanh những điểm thờ tự của đền Củi, chúng tôi nhẩm tính có hơn 20 chiếc hòm công đức do gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh (thủ nhang đền) bày ra. Vào những ngày tết hay ngày lễ chính của đền Củi (10-10 âm lịch), du khách tứ phương tấp nập đổ về. Những chiếc hòm công đức luôn trong tình trạng “quá tải” tiền, những mâm lễ thờ ở các điện thờ luôn được du khách giắt, bày biện tiền nhan nhản. Cứ thấy hòm công đức, các điện thờ “quá tải” tiền, người nhà của ông Quýnh lại đi thu gom...

Đầu năm 2011, chuyện về thầu khoán đền Củi giữa xã Xuân Hồng và con trai ông Quýnh - ông Nguyễn Sỹ Quý (người trúng thầu đền Củi vào năm 2011) được dư luận lên tiếng. Khi đó người ta chỉ biết bản hợp đồng kinh tế có giá 420 triệu đồng, còn tiền công đức bao nhiêu, sử dụng ra sao thì không ai biết. Tháng 4-2013, Thanh tra Bộ VH-TT&DL kiểm tra đền Củi, đưa ra kết luận việc quản lý tiền công đức ở đền chưa được công khai, minh bạch.

Sau khi hợp đồng kinh tế thầu đền Củi giữa xã Xuân Hồng và ông Quý kết thúc, huyện Nghi Xuân đã ban hành quyết định thành lập ban quản lý di tích đền do huyện quản lý. Nhưng trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động tại di tích, ban quản lý luôn bị sự chống đối quyết liệt của gia đình ông Quýnh và một số người dân. Sau nhiều cuộc làm việc bất thành, huyện Nghi Xuân đã tổ chức đối thoại trực tiếp với xã Xuân Hồng và người dân, đưa ra ý kiến giao cho UBND xã quản lý và được sự đồng thuận rất cao. Xã Xuân Hồng cũng đã ban hành quyết định thành lập ban quản lý đền và ban hành quy chế hoạt động nhưng vẫn vấp phải sự chống đối.

“Xã Xuân Hồng đã đưa ra các mức giá thỏa thuận về quản lý tiền công đức ở đền nhưng gia đình ông Quýnh không chấp nhận, họ luôn đòi toàn quyền quản lý tiền công đức. Nhiều lúc chúng tôi muốn tiếp cận để biết bao nhiêu tiền công đức ở đền nhưng không thành”, ông Nguyễn Long Thiên - phó trưởng Phòng văn hóa huyện Nghi Xuân - cho biết.

Ông Võ Hồng Hải - giám đốc Sở VH-TH&DL Hà Tĩnh - một mực khẳng định đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với gia đình ông Quýnh làm rõ, công khai tiền công đức năm 2012. Còn lãnh đạo huyện Nghi Xuân lại cho đây là việc khó vì gia đình ông Quýnh không chịu hợp tác...

TRầN DIỆU DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp