Các trọng tài thường xuyên lâm vào cảnh bị cầu thủ và cả CĐV đe dọa trên sân bóng phủi - Ảnh: H.TÙNG
Nếu các cầu thủ đá phủi luôn lo sợ việc bị đối phương triệt hạ thì áp lực với trọng tài bóng đá phong trào lại đến từ cả... ba phía, bao gồm hai đội bóng và những khán giả cuồng loạn.
Ông bầu cũng bất lực
Trước tết, giới đá phủi một phen dậy sóng với vụ việc cầu thủ Bảo Trung (đội Lý Nguyễn FC) hành hung trọng tài đến bất tỉnh. Tình huống diễn ra sau trận đấu, khi có một số CĐV kích động trên khán đài ném chai nước vào trọng tài Nguyễn Văn Nguyên, rồi một vài thành viên phía đội Lý Nguyễn FC cũng lao vào tranh cãi.
Đỉnh điểm của vụ việc là khi cầu thủ Bảo Trung tung cú đá vào thái dương trọng tài Nguyên, khiến trọng tài sinh năm 1990 này bất tỉnh tại chỗ.
Dù sau đó trọng tài Nguyên được cấp cứu kịp thời và mau chóng hồi phục nhưng vụ việc một lần nữa khiến người yêu bóng đá phải ngán ngẩm với giới đá phủi VN. Ngay ông bầu Lý Hồng Châu của đội bóng này cũng bàng hoàng trước vụ việc.
Sau đó, ông Châu tuyên bố giải tán đội bóng. Mới đây, trả lời Tuổi Trẻ về vụ việc này, ông nói: "Lỗi thuộc về tôi khi đã không sát sao hết được mọi cầu thủ của đội. Hôm đó tôi đã chủ động kéo 2 cầu thủ hay cãi nhất ra ngoài sân từ sớm để tránh sự cố đáng tiếc.
Tưởng đưa hết mấy "thầy cãi" ra là ổn, có ngờ đâu lại sót Bảo Trung mà cũng không hề nghĩ Trung nó lại có hành động như vậy. Lúc nghe tin Trung đánh trọng tài, tôi cũng không hiểu sao nó lại hành động như vậy...
Thực sự tôi có lỗi khi không theo sát cầu thủ của mình. Lúc xong xuôi tôi mới hỏi nguyên nhân sâu xa từ đâu, tụi nó mới bảo là do trọng tài Nguyên từng bắt như thế này thế kia vài trận với tụi nó ở các giải khác rồi.
Nếu tôi sớm biết như vậy sẽ theo sát, đưa các cầu thủ nóng nảy ra cho bằng hết rồi khuyên nhủ cầu thủ mình. Chưa nói trình độ của trọng tài Nguyên, các trọng tài World Cup còn sai sót huống chi mấy ông bắt giải phong trào.
Vấn đề cơ bản là cầu thủ cứ thích đổ thừa hết cho trọng tài. Cơ hội ghi bàn không ăn được thì thôi, nói lại mấy tình huống của trọng tài sai sót làm gì", ông Lý Hồng Châu nói.
Các trọng tài cần những giải phong trào để có thêm thu nhập nhưng cũng cần được bảo vệ - Ảnh: H.TÙNG
Đời làm trọng tài phủi, ai chưa từng bị đánh
Nói nghe thật cay đắng nhưng sự thật là vậy. Chúng tôi hỏi khắp các trọng tài người quen từng bắt sân phủi thì ai cũng bảo đã quen với chuyện bị các cầu thủ, HLV cho đến khán giả bên ngoài sân đe dọa, hành hung. Bi kịch này xảy đến với cả những trọng tài có "số má" ở V-League.
Điển hình như ông Lê Ngọc Ân, người có kinh nghiệm 10 năm làm trợ lý trọng tài tại V-League và chỉ mới về hưu sau mùa giải 2020. Có uy tín nên ông Ân thường bắt các giải đấu chất lượng chứ không chỉ là phong trào. Mới đầu năm nay, ông bị tấn công ngay ở một giải lão tướng do Liên đoàn Bóng đá TP.HCM đứng ra tổ chức.
"Lúc đó, trận đấu khá căng khi hai đội hòa nhau. Hai đội đều có những lần cãi vã trọng tài khi bị thổi phạt. Tôi cố làm sao để trận đấu vào loạt sút luân lưu. Lúc đó ai thắng ai thua cũng không thể đổ cho trọng tài được", ông Ân kể lại.
Dù kịch bản diễn ra đúng như vậy nhưng ông Ân vẫn không tránh được cảnh bị đánh. "Chung cuộc đội chủ nhà thua. Tôi nghe đâu họ gọi khoảng mười mấy người lên sân, đều là dân "xã hội" đến để "xử" tôi", ông kể.
Dù biết vậy, nhưng ông Ân vẫn ở lại sân vì có dự cảm rời sân sẽ "lành ít dữ nhiều". Thật vậy, ở trận sau khi ông ngồi bàn kỹ thuật thì bị một nhóm người từ đâu kéo đến đánh túi bụi. Thời điểm đó là gần hết giờ mà lực lượng an ninh trên sân bỗng kéo đi đâu hết.
"Tôi chỉ biết dùng hai tay che đầu để tránh chấn thương nghiêm trọng. Còn người ta thì đánh vào hai bên hông, khiến tôi đau nhức mấy ngày liền". May mắn cho trọng tài Ân khi lúc đó, một ông bầu của đội khác xuất hiện và xua những người lạ mặt ra.
Cũng chính ông bầu này là người đề nghị cho ông Ân đi chung xe hơi để rời sân, vì ngoài bãi xe còn khoảng 3, 4 thanh niên nữa đang đứng chờ để "xử" ông. "Giờ nghĩ lại, nếu ngộ nhỡ tôi bị gì thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai", ông Ân cay đắng nói.
Tự phát, đầy rủi ro và quá nhiều sức ép, nhiều trọng tài vẫn cắn răng bắt các giải phong trào để kiếm đồng ra đồng vào. Vậy mới có chuyện bi hài như trọng tài phong trào Châu Tấn Phát kể đi làm mà phải lén... giấu vợ.
"Cốt lõi nằm ở các ông bầu bóng đá phủi. Các cầu thủ nói chung sẽ biết nghe lời ông bầu. Do đó, nếu ông bầu cũng nóng nảy lao vào sân thì khán giả, người hâm mộ bên ngoài rất dễ bị kích động dẫn đến bạo lực. Lực lượng an ninh sau đó có can thiệp cũng chỉ giải quyết phần ngọn thôi", trọng tài Phát nói.
Thực ra, sự phát triển của sân bóng phong trào cũng tạo thêm cơ hội làm việc, kiếm thêm thu nhập cho các trọng tài, vì không phải ai cũng đảm bảo được hành nghề ở V-League suốt cả sự nghiệp. Nhưng đi kèm đó là những rủi ro nghề nghiệp quá lớn.
Do cầu thủ không hiểu luật
Một nguyên do lớn dẫn đến việc các trọng tài phong trào thường bị hành hung, đe dọa là bởi chính cầu thủ không hiểu luật.
"Luật bóng đá quốc tế thì có vô vàn, mà mỗi năm lại mỗi thêm luật mới. Điển hình như luật chạm tay thôi cũng mỗi ngày mỗi cập nhật, thay đổi. Các cầu thủ không hiểu thì lại nghĩ bị trọng tài xử ép, rồi tức giận với chúng tôi. Mà sân phủi lại chẳng có góc máy quay chậm nào để làm bằng chứng giải thích với họ", trọng tài Ân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận