Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, trao hoa và quà cho tác giả, nhân vật của bài viết “Ông Mỹ vá đường” - Ảnh: T.T.D. |
Đó là hai trong số 209 câu chuyện xúc động được gửi về cuộc thi “Hạt giống tâm hồn Việt” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ.
Sau ba tháng phát động, hôm qua 4-10, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi đã được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (Q.Phú Nhuận).
Những con người bình dị
Cầm tờ báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29-6, đọc bài viết “Ông Mỹ vá đường” của tác giả Thanh Ba, độc giả hẳn cảm động trước hình ảnh một ông lão 65 tuổi suốt 20 năm ròng cần mẫn đắp những con đường làng cho bà con xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).
Dắt tay ông Mỹ lên sân khấu, Thanh Ba “bật mí” rằng bạn đã biết ông từ thuở đạp xe đi học, bể bánh là dắt vào tiệm nhờ ông vá. Nhưng ý niệm về ông vá sửa xe cũng nhạt nhòa suốt những năm cậu xa nhà lập nghiệp.
Cho đến một lần về quê viếng mộ ông bà, Thanh Ba ngỡ ngàng khi chạy xe băng băng trên con đường dẫn vào nghĩa trang vốn lởm chởm. Hỏi ra, bà con nói là ông Mỹ “dở hơi” làm. Ông làm suốt ba năm, sáng làm chiều làm. Không chỉ đường này mà còn mấy con đường khác nữa. Ông nói làm cho bà con đi viếng mộ bớt cực, đi ruộng gánh lúa về đỡ vất vả.
Chuyện ông Mỹ, Thanh Ba nghe mà sống mũi cay cay. Ông không dư dả, cũng không phải người khỏe mạnh cường tráng. Vậy mà ông một mình lặng lẽ làm cái việc nặng nhọc trong khoảng thời gian dài bằng một phần ba đời người.
Sáng 4g ông dậy làm, 6g về. 7g bà con ra đường bỗng thấy con đường hôm nay đẹp hơn hôm qua. Đến chiều xe cộ thưa thớt, ông lại quăng cuốc xẻng lên cái xe kéo tự chế, đạp máy ra đoạn đường làm dở, tiếp tục công việc thầm lặng trong ánh chiều chập choạng.
Với các tác giả như Thanh Ba, hoặc tác giả bài viết “Nồi cơm thầy Hiếu” là Trịnh Văn Huê, việc làm của các nhân vật đã chạm đến trái tim họ. Nhưng với các nhân vật, đó là việc người trong cuộc không thể không làm.
Nếu ông Mỹ nhìn bà con chở lúa té lên té xuống ở những đoạn đường đất gập ghềnh không đặng thì thầy Phan Công Hiếu, hiệu trưởng Trường tiểu học Đăng Hà, huyện Bù Đăng (Bình Phước), lại không thể làm ngơ trước cảnh học trò trường thầy bám lớp bằng cái bụng đói.
Để có một bếp ăn nấu cơm trưa cho học sinh học hai buổi, học giỏi, chăm ngoan nhưng gia cảnh nghèo khó, thầy Hiếu cùng hội đồng giáo viên chia ra gõ cửa từng nhà, từng doanh nghiệp, bấm mọi số điện thoại có được, vận động từng bao gạo, chai nước tương.
Để tiết kiệm, các thầy cô người góp nồi, góp chảo, góp luôn... căn phòng sinh hoạt của thầy cô làm bếp. Cùng với các cô chú tạp vụ, bảo vệ, thầy cô cũng xắn tay áo nấu nướng cho các em.
Giờ đây, sau tám năm, bếp ăn đậm tình thầy của Trường tiểu học Đăng Hà đã lo được 50 suất ăn/ngày cho 50 em. Những bữa cơm đạm bạc nhưng cũng đảm bảo có thịt cá, rau canh.
Có những lúc kho không còn hạt gạo, quỹ không còn một đồng, người ngoài khuyên thầy Hiếu buông tay thì thầy gạt phăng: “Đã lo phải lo đến nơi đến chốn. Để đứt quãng thì không phải với trách nhiệm làm thầy, có lỗi với các em”. Lại chạy đầu này, xoay đầu kia.
Báo lên, cả thầy lẫn trò nghẹn ngào xúc động với những ký cua được gửi từ tít Cà Mau, những người xa lạ chở theo mì gói đứng đợi trước cổng trường khi trời chưa sáng rõ. Thầy Hiếu đỡ lo hơn vì biết từ nay, việc thầy làm sẽ có thêm nhiều bàn tay góp sức. Hạt giống nhỏ xíu ban đầu thầy trồng nay đã vươn cây.
Bắc nhịp tâm hồn
Một trong những điều bất ngờ tại buổi lễ là khi tiếp xúc với Nguyễn Thị Thảo, tác giả bài viết “Đóa xương rồng rực rỡ” kể câu chuyện của cô bạn vận động viên khuyết tật Huỳnh Thị Kim Hoàng, chúng tôi nhận ra tác giả là một người khiếm thính, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đôi mắt ánh lên niềm vui khi biết bài vào chung kết, Thảo chia sẻ động lực lớn nhất giúp bạn vượt qua mọi trở ngại bản thân để hoàn thành bài viết là sự cảm phục thái độ sống của Hoàng.
Tâm nguyện của Thảo là muốn nhân rộng tinh thần sống của nhân vật đến các bạn trẻ đồng lứa. Viết câu chuyện của Hoàng cũng là cách cô bạn tự khích lệ bản thân: phải sống đầy đam mê và lạc quan như Hoàng.
Ngồi bên cạnh, Kim Hoàng thổ lộ: “Tôi cảm thấy mình nhỏ bé sau khi đọc tất cả 12 bài viết lọt vào vòng chung kết. Từ đó, tôi nhắc mình phải sống tốt hơn nữa”.
Cảm thấy mình nhỏ bé cũng là cảm nhận chung của chính ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, ban tổ chức trong quá trình nhận và chấm giải các bài dự thi.
Dành những lời trân trọng nhất cho các nhân vật đến dự lễ trao giải, ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, tâm sự nhãn hàng luôn cố gắng chia sẻ trách nhiệm xã hội với cộng đồng qua nhiều công tác thiện nguyện. Nhưng khi đọc các bài viết, biết những điều 209 nhân vật đã và đang lặng lẽ cống hiến, ông nhận thấy những nỗ lực của bản thân ông và tập thể nhân viên còn quá nhỏ bé.
Bà Ngô Thị Phương Thảo - giám đốc marketing First News, thành viên ban giám khảo - kể bà đã dừng lại rất lâu khi đọc bài về ông Mỹ.
Từ bài viết ấy, bà Phương Thảo chiêm nghiệm: “Mỗi người chúng ta đều có tám giờ trong ngày để làm việc. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tám giờ đó chúng ta làm việc của mình bằng tình yêu, sự cởi mở, nhiệt tình giúp cho cái chung, cho cộng đồng được tốt đẹp hơn như tinh thần của các nhân vật được viết trong cuộc thi”.
Kết quả cuộc thi viết “Hạt giống tâm hồn Việt” * Giải nhất: Ông Mỹ vá đường, tác giả Nguyễn Thanh Ba, nhân vật Phạm Thế Mỹ. * Giải nhì: Người vá những nụ cười, tác giả Bình An, nhân vật Võ Thành Trung; Nối dài ước mơ cho người điếc, tác giả Trần Thị Hạnh (Hạnh Nguyên), nhân vật Nguyễn Thị Hòa. * Giải ba: Thu gom ve chai làm từ thiện, tác giả Vân Anh, nhân vật Nguyễn Huỳnh Ngọc Thiện; Ước mơ 180.000 quyển tập cho trẻ em nghèo, tác giả Lê Ngọc Phương Thanh, nhân vật Trần Việt Dương; Nồi cơm thầy Hiếu, tác giả Trịnh Văn Huê (Lê Trịnh), nhân vật Phan Công Hiếu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận