Nhưng cuộc sống hối hả vẫn có chiều ngược lại: giữa thị thành đông đúc, nhiều nghi kỵ lại có một người dừng bước để thấy một con người nằm co ro bên hè phố trước giấc mơ tương lai đời mình.
Phóng to |
4g sáng, Dương mang theo chai nước 5 lít và năm đòn bánh tét cùng chiếc xe đạp cũ từ Cai Lậy (Tiền Giang) lên trường thi ở đường Hồng Bàng (TP.HCM) - Ảnh: L.Trang |
Anh chủ nhà tốt bụng đã thấy được chiếc xe đạp buộc vào chân của cậu học trò nghèo và hiểu ra tất cả.
Cũng thật thú vị khi có email của một học sinh kể rằng: Dương sẽ không đi thi được nếu như không có tấm lòng của cô giáo dạy tiếng Anh.
Gọi về Tiền Giang, cô Trương Thị Kim Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lưu Tấn Phát (Cai Lậy), hơi bất ngờ rồi cho biết Dương học lớp B, năm nay do khách quan thay giáo viên chủ nhiệm tới ba, bốn lần. Cô chỉ là giáo viên bộ môn với mỗi tuần khoảng 5-6 tiết dạy chính thức và thêm hai tiết dạy kèm vào chủ nhật cho những em còn yếu, trong đó có Dương. Việc đầu tiên của cô là muốn biết trong lớp sẽ có ai chọn thi và không thi đại học. Thoạt đầu, trong số ít học sinh không đăng ký thi đại học có Dương.
“Đầu năm tôi yêu cầu các em mua kẹp giấy để ghim tài liệu. Đến khi cầm xấp tài liệu của Dương, tôi thấy em dùng cơm nguội dán từng tờ giấy vào nhau. Hỏi sao không mua kẹp giấy, cậu học trò đáp: “Vậy cũng được cô à”. Từ đó tôi biết nhà Dương nghèo lắm. Dương thu mình trong mặc cảm, hình như điều đó cũng ảnh hưởng tới việc học của em. Em không phải là một học sinh giỏi nhưng là một học sinh chăm chỉ, tự trọng và nỗ lực. Ngày nhà giáo VN 20-11, Dương bứt một bó cỏ may vào lớp. Tôi hỏi chi vậy? Dương bảo tặng cô. Tôi quý những món quà như vậy...
Tôi bàn với lớp trưởng nên tổ chức cho các bạn trong lớp làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học cho Dương sau khi tham khảo ý Dương. Tôi đưa tiền nhờ một bạn chở Dương đi mua hồ sơ, đăng ký dự thi và chụp hình làm hồ sơ. Các bạn trong lớp bàn với nhau rồi tư vấn Dương ngoài đại học nên thi vào trường cao đẳng sư phạm để không phải đóng học phí. Dương đồng ý với phương án này. Hôm sau, Dương đứng tần ngần chờ tôi trước cổng trường. Tôi hỏi có chuyện gì? Dương bảo cho em gửi trả lại tiền cho cô. Tôi thấy bên ngoài ló ra tờ 50.000 đồng, bèn nói: Nhiều lắm, vài trăm ngàn sao em trả hết? Dương bảo cô cho em trả từ từ, mai mốt em trả tiếp”.
Ngày Dương đi thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi Phan Việt Thống, cách đó 20km, cô Phượng biết cậu sẽ đạp xe đi nên cho 100.000 đồng bảo ráng thi đậu. Dương không nhận, cô bảo hãy nhận, thi cho tốt. Đậu rồi sau này vô đại học, học thành tài, đi làm, lúc đó trả bao nhiêu cô cũng nhận. Dương thi được 34 điểm. Cô mừng lắm bởi nếu không được học tiếp, cuộc đời Dương không biết sẽ đi đâu, về đâu...
Đó là tất cả câu chuyện trong buổi chiều với cô giáo của Dương, năm nay 33 tuổi. Cô bảo rằng quê mình ở Chợ Gạo, xưa nhà nghèo cũng đạp xe mười mấy cây số đi học, cũng thấy cha mẹ phải chạy vạy cho con vào giảng đường... nên quan tâm Dương, vậy thôi.
Phóng to |
Nhiều bạn đọc đến thăm hỏi Dương (giữa) sau khi đọc bài báo “Đạp trăm cây số đến trường thi” tại nhà anh Đáng - Ảnh: L.Trang |
Hóa ra điều kỳ diệu trong câu chuyện này lại bắt đầu từ cái kẹp giấy, những hạt cơm nguội và tấm lòng của một cô giáo trẻ. Dương có thể lọt tên trong nhiều danh sách, nhưng có một danh sách mà cậu đã may mắn không lọt qua, đó là nhờ tấm màng lọc của tình thương yêu từ những con người rất đỗi bình dị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận