01/01/2012 08:44 GMT+7

Những hành trình lãng mạn

NGUYỄN TRỌNG HIỀN
NGUYỄN TRỌNG HIỀN

TTCT - Đây không phải là lần đầu Scott xuống Nam Cực. Scott đã từng dẫn đầu chuyến đi tương tự vào năm 1904.

Kỳ trước: Vùng đất Nam Cực còn nguyên vẹn không một vết chân người suốt chiều dài lịch sử nhân loại, cho đến thập niên 1900. Cuối tháng 10-1911, cuộc chạy đua lịch sử về Nam Cực bắt đầu trong thầm lặng với hai đoàn thám hiểm, một của Robert Falcon Scott (Anh) và một của Roald Amundsen (Na Uy). Cuối tháng 3-1912, khi chỉ còn cách trạm thực phẩm cuối chưa đầy 11 dặm, đoàn của Scott không đi tiếp được nữa vì thời tiết quá lạnh. Scott là người cuối cùng trong đoàn ông nằm xuống...

Kỳ 1:

Cya4IXLn.jpgPhóng to

Từ trái sang: TS Nguyễn Trọng Hiền (thứ ba), Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg (thứ tư, áo đen) nhân chuyến thăm nhóm Keck tại Nam Cực tháng 12-2011 - Ảnh nhân vật cung cấp

Scott vốn là đại tá hải quân hoàng gia Anh, sinh thời ông là người trầm lặng và điềm tĩnh. Chuyện ông đi Nam phần lớn là do Clements Markham, chủ tịch danh dự Hội Địa lý hoàng gia, khởi xướng và kêu gọi. Markham là người đã chọn Scott làm người lãnh đạo cuộc hành trình. Ý thức về vai trò và bổn phận của một sĩ quan hải quân với đất nước đóng phần chủ đạo trong quyết định ban đầu đi Nam của Scott.

Mặc dù không đạt được mục tiêu là về đến Nam Cực, sau chuyến đi năm 1904 Scott đã trở nên khá nổi tiếng. Năm 1908 Scott lập gia đình ở tuổi 40 và vợ ông, Kathleen, cũng khuyến khích ông hoàn tất chuyện đi Nam. Một năm sau (1909) Shackleton, vốn là nhân viên cấp dưới của Scott trong chuyến đi Nam lần 1904, đã về đến vĩ tuyến 88012’ Nam, tức là chỉ chưa đầy 120 dặm là về đến Nam Cực.

Shackleton và ba người cùng đi phải quay trở lại vì bệnh tật và thời tiết. Điều này càng thôi thúc Scott, có lẽ ông nghĩ mình là người đã mất nhiều công sức để khởi đầu phong trào, và vì thế trên chính danh chỉ có ông mới được quyền đi Nam Cực.

Hành trình định mệnh của Scott

16g ngày 14-12-2011, tại khu vực Cực chào đón (là nơi có cờ của 12 nước đầu tiên trong Hiệp ước Nam Cực) đã diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm con người đặt chân đến cực Nam Trái đất. Hơn 200 cư dân trạm Amundsen-Scott và gần 100 khách từ xa đã tập trung tại đây tổ chức lễ kỷ niệm. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đã có bài phát biểu nhắc đến Scott và đồng đội đã bỏ mình trong những nghiên cứu khoa học tại Nam Cực.

Cuộc hành trình Nam Cực lần thứ hai này của Scott vào năm 1911 về thực chất là cũng chỉ để đi nốt cái phần hơn một trăm dặm mà Shackleton đã để lại. Cũng là điều mỉa mai bởi trên danh nghĩa chuyến đi là vì mục đích khoa học chứ không phải chỉ vì chuyện đặt chân đến cực Nam, lại càng thêm chua chát vì chính Scott đã thú nhận là bản thân ông cũng “không ham gì chuyện thám hiểm vùng Cực”.

Xem ra ý thức về bổn phận, cộng thêm sự quyến rũ của danh vọng và nỗi bức xúc vì tị hiềm cá nhân đã thúc đẩy Scott nhiều hơn hết. Chuyến đi Nam Cực đối với Scott là một sứ mệnh an bài cho số phận ông, không hẳn là chuyện phiêu lưu theo kiểu “dám đến những nơi chưa ai từng”. Đây có lẽ là điểm khác biệt mấu chốt và bao trùm giữa hai đoàn thám hiểm của Scott và Amundsen.

Amundsen cũng hám danh vọng và đầy tị hiềm, chuyện ông hủy chuyến đi Bắc Cực và bí mật đổi hướng để đi Nam Cực đã phơi bày điều này. Nhưng Amundsen còn là dân nhà nòi đích thực - ông không chỉ ham đi, ông mê các cuộc thám hiểm. Từ khi còn nhỏ ông đã biết về chuyến đi thảm hại của người Anh là John Frank trong việc mở hành lang Tây Bắc, nối liền Bắc Băng Dương sang Thái Bình Dương. Sau này Amundsen trở thành người đầu tiên thực hiện thành công chuyến đi mở hành lang này.

Cuộc hành trình dài hai năm liền (1903-1905) đã dạy cho Amundsen lối sống của người Eskimo ở vùng Bắc Cực, để về sau giúp ông chuẩn bị cho chuyến đi Nam một cách thiết thực nhất. Bốn năm sau, khi nghe tin Shackleton không đến được cái đích của chuyến đi là Nam Cực, Amundsen nghĩ ngay rằng chính việc những người Anh không biết sử dụng chó và ván trượt đã giữ cho Nam Cực vẫn còn an toàn, và trong thâm tâm ông biết mình sẽ nắm nhiều lợi thế trong cuộc đua sắp tới.

Vì sao Amundsen chiến thắng?

Trong chiến tranh yếu tố con người là cần thiết, nhưng hậu cần là phần then chốt quyết định kết quả trận chiến (1). Cuộc chạy đua về Nam Cực nếu có đạt được kết quả mỹ mãn cũng chính là nhờ biết tuân thủ quy luật này. Ở đây mục tiêu cơ bản của hậu cần là khá rõ ràng: giữ cho thân thể ấm, mang nhẹ và đi được nhanh. Chúng ta thấy Amundsen sử dụng nhuần nhuyễn cả ba yếu tố này, yếu tố thứ ba “đi được nhanh” đạt được là nhờ hai yếu tố đầu, và nếu làm đúng yếu tố thứ ba sẽ tác động tích cực đến hai yếu tố đầu - cụ thể là việc Amundsen sử dụng chó kéo sledge để đi cho nhanh rồi ăn thịt chó.

Có điều gì đó nhẫn tâm, trái với tình cảm con người trong chiến thuật này. Những người đàn ông Ănglê sẽ không làm điều nhẫn tâm như thế, đơn giản vì chó gần gũi với họ, là bạn đồng hành của họ. Đây không phải là những trái tim yếu mềm, chúng ta đã thấy họ cứng cỏi trước thiên nhiên, kiên trì cật lực trong suốt chuyến đi để rồi dũng cảm đón lấy cái chết như thế nào.

So sánh hai chuyến đi, ta thấy có khác biệt chủ quan và khách quan từ hai đoàn thám hiểm dẫn đến kết quả rất khác nhau, dù họ cùng hướng về một mục tiêu. Những khác biệt này hết sức cơ bản và hầu hết là nằm ở khâu hậu cần, từ trang bị cá nhân (Scott dùng vải gió, Amundsen dùng lông thú), thực phẩm (Scott dùng lương khô, Amundsen dùng thịt tươi), phương tiện di chuyển (Scott dùng lừa và máy móc, Amundsen dùng chó), đến kỹ năng cá nhân (Scott dùng sức người, Amundsen dùng ván trượt) và thời tiết, dù đây là yếu tố khách quan.

Đối với Amundsen, đặt chân đến Nam Cực để cắm cờ Na Uy là mục đích duy nhất. Trong khi với Scott, trên danh nghĩa thì mục đích chính cho cuộc hành trình của ông và những người cùng đi là khoa học, và việc về đến đích Nam Cực chỉ là một trong nhiều kết quả mang lại từ chuyến đi. Với Hội Địa lý hoàng gia, chuyện “dám đến những nơi chưa ai từng” chỉ là cuộc phiêu lưu sáo rỗng, là điểm hấp dẫn nhất thời cho những cái đầu bồng bột, và họ tuyên bố chỉ tài trợ cho những chuyến đi có hứa hẹn mang lại những kết quả khoa học cụ thể.

Mặc dù về sau ta thấy chính hội này và bản thân Scott cùng đồng đội đã không cưỡng lại nổi sức mê hoặc của sự kiện đặt chân đến Nam Cực, và mục đích khoa học trên thực chất chỉ là điều phụ. Bất luận phụ hay chính, danh nghĩa khoa học buộc người tổ chức phải thiết kế chuyến đi theo khuôn khổ khoa học. Và như ta thấy cách thiết kế này đã mang lại nhiều gánh nặng cho cuộc hành trình, đến nỗi cái giá cuối cùng Scott và đồng đội phải trả là sinh mạng của chính họ.

Một trăm năm trước khi Scott và Amundsen cùng đồng đội của họ đi về Nam Cực, họ đã đi với khát vọng là đến được nơi mà chưa ai từng bước chân qua. Với những con người đi tiên phong, xưa và nay, động cơ sâu xa nhất mà cũng là phần thưởng thiết thực nhất có lẽ chỉ có thế, “đến được nơi chưa ai từng”. Dẫu cho chuyến đi sẽ không mang lại cho họ lợi lộc gì về tiền bạc hay của cải. Dẫu cho nơi họ sẽ đến là một chốn cách biệt và lạnh lẽo, và đối diện họ thường xuyên chỉ có nỗi vô vọng tột cùng.

Có lẽ vì thế mà đối với quần chúng, hành trình của họ ít nhiều nhuốm màu lãng mạn với mục tiêu cao cả. Tính cao cả trong những chuyến thám hiểm có lẽ là sự dấn thân hi sinh để tìm thấy tri thức mới trong tinh thần vô vụ lợi, hay ít nhất đó là cách nhìn của số đông quần chúng đã dành cho Scott và Amundsen. Hai cá nhân này dẫu đã sai sót thế nào trong chuyến đi, nhưng nói như Cherry-Gerrard, một trong những thành viên trẻ nhất đoàn của Scott, “họ không hề thất bại”.

Scott và đồng đội đã anh dũng cho đến giây phút cuối: “Chúng tôi nguy yếu lắm rồi. Viết đã khó khăn, nhưng với riêng mình tôi không hối hận về hành trình này, qua đó cho thấy người Ănglê chịu đựng gian khổ, giúp đỡ lẫn nhau, và đón nhận cái chết với phẩm cách can trường vĩ đại như trong quá khứ.

Chúng tôi chấp nhận gian nguy, chúng tôi biết điều này khi chấp nhận; mọi thứ đã đối nghịch với chúng tôi, chúng tôi không kêu ca mà chỉ cúi tuân theo mệnh trời, quyết tâm làm với khả năng tốt nhất của mình cho đến cùng. Nhưng nếu bọn tôi đã sẵn lòng hiến dâng mạng sống mình cho công cuộc này, cho danh dự của đất nước ta, thì tôi kêu gọi đồng bào ta hãy lo cho [những người thân còn lại của chúng tôi]”.

__________

(1) Sự vận dụng tài tình công tác hậu cần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ là một trong những bài học kinh điển về chiến thuật quân sự.

NGUYỄN TRỌNG HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp