12/01/2016 14:41 GMT+7

Những giai thoại về cướp biển

YẾN TRINH - MINH PHƯƠNG (
yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH - MINH PHƯƠNG (
[email protected])

TT - Gồm nhiều đảo lớn nhỏ, quần đảo Hải Tặc từ lâu nổi tiếng ở vùng biển Kiên Giang với những lời truyền miệng nhiều đời về những băng cướp một thời hoành hành.

 

Ông Nguyễn Văn Nam (Tư Nam) nhận mình là con cháu của hải tặc cách đây cả thế kỷ Ảnh: Y.TRINH
Ông Nguyễn Văn Nam (Tư Nam) nhận mình là con cháu của hải tặc cách đây cả thế kỷ - Ảnh: Y.Trinh

Những lời đồn đoán về kho báu đang chôn giấu đâu đó trên những hòn đảo tại xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên ngày nay vẫn lan truyền suốt mấy trăm năm qua.

Một thời tung hoành của những đảng cướp đã qua đi, nhưng câu chuyện về hải tặc và lời đồn kho báu trên quần đảo Hải Tặc đến bây giờ vẫn hấp dẫn người nghe.

Buổi tối trên đảo gió lùa lành lạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Nam (Tư Nam, 67 tuổi). Sống ở Hòn Tre Lớn ngót nghét 40 năm, ông Tư Nam cho biết mình là cháu ngoại ông Tư Vân, cháu cố ông Năm Bùn - hai thành viên của một băng cướp biển rất mạnh.

Dấu vết còn lại

Điện trên đảo chiếu sáng đến 23g thì ngưng toàn bộ, vì thế những lời kể của ông Tư Nam trong cảnh đêm tối càng huyền bí.

Cất giọng trầm trầm, ông kể với chúng tôi ký ức ngày cũ: “Hồi nhỏ tui ở bên Hà Tiên (thị xã Hà Tiên - PV) cũng nghe mấy chuyện về cướp biển. Lúc đó, người lớn xóm tui đi ghe ngang qua khu có cướp biển là sợ lắm”.

Theo ông Tư Nam, ông cố và ông ngoại ông đều là “cướp biển thâm niên”. Ông không được biết về hành tung của ông cố và ông ngoại mình. Lúc ông biết chuyện thì họ đã giải nghệ.

Ông chỉ nhớ được vóc dáng và tính cách của hai người. Khi ông Tư Nam được mười mấy tuổi, ông cố Năm Bùn mất. Sau đó chừng chục năm, tới lượt ông ngoại Tư Vân cũng qua đời.

“Lúc ông cố với ông ngoại đi cướp dữ dằn ra sao tui không rành, nhưng hồi tui còn nhỏ hai ông đã giải nghệ lâu rồi. Những đêm trăng sáng, ông ngoại còn ra sân múa võ, dạy võ cho mấy đứa cháu nữa” - ông Tư Nam hồi tưởng.

Lúc nhỏ ông Tư Nam không biết hai người ông của mình từng là cướp biển. Đến khi lớn lên ông mới được bà ngoại kể lại.

“Bà ngoại kể hồi xưa ông ngoại đi cướp là cướp của những thuyền buôn giàu có về chia lại cho bà con nghèo chứ không giữ hết cho mình... Giải nghệ xong là ông không còn nhắc gì tới quá khứ nữa” - ông Tư Nam bộc bạch.

Không riêng gì ông Tư Nam, ngay cả nhà sử học Trương Minh Đạt tuy sống ở thị xã Hà Tiên cũng cho biết mình từng tiếp xúc với hải tặc. Theo lời ông Đạt, lúc nhỏ ở khu xóm nơi gia đình ông sống có một người tên gọi ông Tư, râu rậm, cao to.

“Lúc đó ông Tư đã ngoài 90 tuổi nhưng khỏe lắm, gánh một lần được bốn đôi nước. Ông giỏi võ, tính tình vui vẻ. Có lần tôi đánh bạo hỏi ông hồi trước làm nghề gì, ông trả lời là cướp biển rồi cười hề hề” - ông Đạt kể.

Ông Tư cũng kể về gốc tích của mình cho những người trong xóm biết. Rằng sau khi Pháp đánh tan toán cướp của mình, ông trà trộn với dân chài ngoài đảo rồi về đất liền sinh sống.

Tính ông hiền lành nên người dân khi cần vẫn gọi ông đi biển chung, cả cha của ông Đạt cũng thi thoảng thuê ông Tư đi ghe.

Về danh tính một số đảng cướp, nhà sử học Trương Minh Đạt cho biết các tư liệu còn ghi lại tên một đảng cướp lớn mạnh, cầm đầu là Đức Bụng, người Triều Châu. Băng này có ghe lớn, đánh cướp cả ghe của chính quyền Mạc Thiên Tích.

Mạc Thiên Tích đã sai tướng Từ Hữu Dũng dẹp tan băng cướp này. Hiện mộ của tướng Từ Hữu Dũng được lập ở Hà Tiên. Đồng thời ở những hòn đảo có cướp biển hoành hành, người dân sinh sống đã bầu chúa đảo để đối phó với cướp.

Tin đồn trăm năm

Đảo Hòn Tre Lớn không chỉ nổi tiếng với những câu chuyện về cướp biển, mà còn về những kho báu được cho là chôn giấu đâu đó trên đảo.

Lý giải về kho báu, ông Tăng Hồng Phước - chủ tịch UBND xã Tiên Hải - kể rằng cách đây vài năm xã cùng một số người dân đã đem cuốc xẻng đến khu vực con lạch chảy sâu vào bên trong đảo để đào thử.

Nhưng nơi đó toàn đất đá, cả đoàn cuốc được bề sâu chừng bằng một viên đá móng xây nhà thì dừng. Từ đó, lời đồn về kho báu có phần giảm đi. Hiện tại nơi này đã xây hai chiếc bồn chứa nước để cung cấp cho dân đảo vào mùa khô.

Nói về kho báu, ông Tư Nam cười lớn. Rồi ông gọi vợ mình là bà Nguyễn Thị Hoa, nói: “Hồi trước bả cũng mua được mấy đồng tiền cổ của tụi con nít trên đảo tắm biển mò được. Mấy đồng này to cỡ mặt đồng hồ, màu vàng đồng. Có đồng hình bông lúa, đồng có chữ nước ngoài”.

Bà Hoa tiếp lời chồng rằng qua thời gian bà không còn giữ nữa, đồng thì cho con cháu, đồng có người mua đồ cổ đến hỏi mua.

Ngay cả ông Tư Nam lâu lâu vẫn có người hỏi rằng ông ngoại làm cướp biển có để lại kho báu cho con cháu không, ông đều lắc đầu. Có lẽ ông nói thật vì mấy đời nhà ông gắn bó với đảo, căn nhà ông đang ở cũng khiêm tốn gió lùa.

“Vợ chồng ngày ngày bán nước, bán hàng tạp hóa kiếm sống chứ kho báu đâu ra” - ông cười hiền.

Hỏi những người trong xóm, chúng tôi được biết gia đình bà Hồ Thị Huyền (50 tuổi) còn giữ khoảng 20 đồng tiền cổ. Gặp bà khi cả nhà đang ngồi hóng mát trên chiếc lán gần biển, bà kể mấy năm qua bà mua lại những đồng tiền từ những người thợ lặn và người dân nhặt được ở ven bờ.

“Tui mua một đồng là mấy chục ngàn đồng, có đồng tới 500.000 đồng. Bữa hổm có người tới mua lại giá 800.000 đồng/đồng tiền nhưng tui thấy tiếc nên không bán” - bà nói.

Chồng bà - ông Kiệt “mủ” - vốn làm nghề mua bán ve chai nên ngoài mua đồng tiền cổ, ông còn mua được những hạt ngọc. Ông cho rằng những đồng tiền này bằng vàng chưa đủ tuổi, rất quý và là một thứ lộc của gia đình nên bao năm qua vẫn trưng trong tủ.

Cách đó mấy căn là nhà của bà Nguyễn Thị Gái (56 tuổi). Bà đem cho chúng tôi xem những đồng tiền đã xỉn màu, được bà lau qua dầu bóng nhiều lần.

Bà kể: “Tiền này do em trai út của tui đi lặn biển mò được cách đây 17 năm. Tui có năm đứa con nên chia cho mỗi đứa 3-4 đồng làm kỷ niệm”.

Từ đó đến nay, nhiều người đến hỏi mua nhưng bà không bán. Để tránh gỉ sét, bà ngâm chúng vào chiếc lọ chứa dầu.

Rải rác trong xóm đảo vẫn còn những gia đình mỗi nhà giữ vài đồng tiền cổ. Họ nói phần do đi lặn lấy được, phần do đám trẻ con tắm biển nhặt đem về.

Những đồng tiền hầu hết đã mờ họa tiết, được họ cất giữ bao năm nay như lưu giữ một câu chuyện huyền bí trăm năm nay về kho báu ở quần đảo Hải Tặc.

Một số đảo trong quần đảo Hải Tặc - Ảnh: Yến Trinh
Một số đảo trong quần đảo Hải Tặc - Ảnh: Yến Trinh

Theo tư liệu UBND xã Tiên Hải và nhà sử học Trương Minh Đạt có được, tên gọi quần đảo Hải Tặc có từ thời Pháp chiếm Hà Tiên năm 1867. Còn các đảng cướp đã xuất hiện nơi đây từ cuối thế kỷ 17.

Thời chính quyền Mạc Thiên Tích, các đảng cướp nhiều lần đụng độ quan quân chính quyền. Khi chính quyền Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại, cướp biển được thế hoành hành khu vực này.

Tàu buôn nước ngoài vẫn thường xuyên ra vào, là miếng mồi ngon cho các đảng cướp vốn ngày đêm mai phục ở các đảo.

Và cũng bởi một thời gian dài Hà Tiên không có chính quyền cai quản, không có lực lượng nào chống trả cướp biển, nên các băng đảng mặc sức tung hoành trên một địa bàn rộng lớn kéo dài đến tận Cà Mau.

___________________________

Kỳ tớiHai ông tây đi tìm kho báu

YẾN TRINH - MINH PHƯƠNG (
[email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp