02/10/2016 08:26 GMT+7

Những giải pháp chống ngập

QUANG KHẢI GHI
QUANG KHẢI GHI

TTO - TP.HCM liên tục có những trận mưa lịch sử (ngày 26-8 và 26-9) khiến tình trạng ngập nước trên diện rộng, gây xáo trộn sinh hoạt, đi lại của hàng triệu người dân. Làm sao để giảm ngập?

Một trong những túi đựng nước được lắp đặt tại nhà các hộ dân 
- Ảnh: Đ.Q.T.
Một trong những túi đựng nước được lắp đặt tại nhà các hộ dân - Ảnh: Đ.Q.T.

Tuổi Trẻ ghi nhận các đề xuất sau đây và mong nhận thêm các đề xuất, sáng kiến khác của bạn đọc.

* Ông Nguyễn Ngọc Công (giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM):

Sớm thử nghiệm những giải pháp mới

Để giải quyết bài toán ngập nước cho TP bao gồm tổng hòa nhiều giải pháp, trong điều kiện chờ các dự án lớn thì cần những giải pháp mới.

Thật ra một số giải pháp như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung hay từ Công ty Asiapetro (Tuổi Trẻ đã thông tin) không phải là mới mà từng có đối tác nước ngoài và trong nước đề xuất. Nhưng cách thức thực hiện các giải pháp này có khác, mới hơn so với đề xuất trước.

Về mặt lý thuyết, các giải pháp này hỗ trợ rất lớn việc chống ngập. Nhưng để chứng minh được tính hiệu quả thực sự phải thử nghiệm. Hiện chúng tôi gấp rút chọn địa điểm thử nghiệm những giải pháp trên.

Ngay cả giải pháp làm đường, hẻm nhỏ bằng bêtông rỗng thấm nước (khoảng 20-30%) cũng đáng lưu tâm. Trung tâm đang xúc tiến với các đơn vị nghiên cứu như Trường ĐH Bách khoa, các đơn vị nghiên cứu để làm thí điểm, bởi hiện còn khoảng 180 tuyến hẻm trên địa bàn phường xã thường bị ngập bởi các trận mưa lớn.

Về mặt tổng thể, trung tâm đang xây dựng một kế hoạch chi tiết các chương trình hành động phục vụ chống ngập trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó chi tiết trong các năm sẽ thực hiện những dự án gì, nguồn vốn ở đâu, hiệu quả chống ngập thế nào để công khai cho người dân được biết.

* KTS Trương Thanh Hiển (Hiệp hội Những người lao động sáng tạo VN tại TP.HCM):

Sử dụng vỉa hè, mặt hẻm chứa nước bằng vật liệu mới

Từ trước đến nay các công trình chống ngập thường nói đến tính hệ thống. Nhưng với hệ thống thoát nước già cỗi, phát triển đô thị không theo quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn tới ngập nước. Giải pháp chống ngập hiện nay, ngoài việc phân chia những lưu vực lớn, chúng ta có thể tiếp tục chia ra hàng ngàn khu vực nhỏ, cục bộ để chống ngập theo nguyên tắc biến vỉa hè, tuyến hẻm thành những nơi chứa nước hỗ trợ hệ thống cống.

Quá trình nghiên cứu thực tiễn và làm thử nghiệm một số nơi, tôi thấy việc sử dụng các hộp bêtông sợi (không dùng cốt thép) lắp ghép với nhau đặt dưới vỉa hè, mặt hẻm tạo ra nơi chứa nước giúp giảm ngập.

Với cách đặt các hộp bêtông rỗng này ở độ sâu 0,5m thì mỗi mét vuông có thể chứa 500 lít nước mưa và chi phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng. Chúng tôi đã thực hiện mô hình này ở một số nơi thấy hiệu quả và mong muốn hợp tác với các địa phương hoặc cơ quan chống ngập thực nghiệm mô hình này để chứng minh khả năng chống ngập cao của nó.

* Ông Hoàng Minh Tuấn Anh (phó chủ tịch UBND Q.9):

Người dân cùng tham gia chống ngập

Tình trạng ngập nước trong những ngày có lượng mưa lớn vừa qua đang là vấn đề cấp bách mà quận hết sức quan tâm. Hiện nay TP.HCM đã và đang đầu tư mở rộng đường, hệ thống thoát nước các trục chính như Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt..., trên cơ sở đó sẽ phát triển các tuyến thoát nước các tuyến đường, hẻm kết nối vào.

Từ nay đến năm 2020, quận đưa vào kế hoạch trung hạn cải tạo nâng cấp đường và hệ thống thoát nước các tuyến trục chính còn lại: Lê Văn Việt (đoạn còn lại), Lã Xuân Oai, Lò Lu, Tăng Nhơn Phú, Long Phước..., trong đó sẽ tập trung ưu tiên những khu vực ngập nặng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Tuy nhiên, để một dự án, công trình triển khai phải tuân thủ quá trình lập dự án, đầu tư theo Luật đầu tư công và trong tình hình nguồn vốn khó khăn nên việc triển khai cần có thời gian, cần có sự đồng lòng, chia sẻ góp sức của người dân trên địa bàn trong việc nâng cao ý thức chung, không vứt rác xuống kênh, cửa xả thoát nước. Ủng hộ chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm: người dân hiến đất mở đường, hẻm, nhà nước đầu tư hệ thống thoát nước và thảm nhựa mặt đường.

* Ông Trần Minh Quang (người dân ở quận Gò Vấp):

Giải tỏa các điểm lấn chiếm: nói được phải làm được

Nơi tôi sinh sống thường bị ngập nặng sau mỗi trận mưa lớn, ngoài việc cống thoát nước quá tải còn có tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, đặc biệt các kênh rạch được coi là trục thoát nước chính. Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước không chỉ ở trên địa bàn quận Gò Vấp mà hầu như địa phương nào cũng có.

Có vị trong đoàn kiểm tra sau khi đi thực tế đã thốt lên rằng: lấn chiếm kiểu này không ngập mới lạ. Vấn đề là tình trạng lấn chiếm này xảy ra lâu rồi, nói cũng đã nhiều. Mong rằng sau các đợt kiểm tra cần phải quyết liệt, giao tiến độ giải tỏa và giám sát tiến độ này, đừng để việc giải tỏa các điểm lấn chiếm này rơi vào quên lãng như thời gian dài vừa qua.

Ông Đặng Quốc Toản (giám đốc Công ty cổ phần năng lượng dầu khí Châu Á):

Túi chứa nước “dã chiến” giữ lại 80% nước mưa

Với hệ thống cống thoát nước và kênh rạch nhỏ như hiện nay thì những trận mưa từ 50mm trở lên đã có thể gây ngập, vì cống thoát không kịp, trong khi tất cả các mái nhà đều đổ nước mưa xuống đường và cuốn theo cả rác rưởi làm tắc cống rãnh. TP.HCM với lượng mưa bình quân hằng năm khoảng 2.000mm sẽ thu được hàng tỉ mét khối nước mưa.

Với hàng triệu hộ dân và hàng chục ngàn tòa nhà cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, trường học, siêu thị, bệnh viện..., nếu thu toàn bộ nước mưa từ trên mái nhà vào các hệ thống túi, bồn, bể chứa nước mưa thì sẽ giảm ngay ngập lụt, lượng nước này có thể sử dụng cho những việc như tưới cây, cọ rửa, làm mát thành phố...

Theo tính toán, với một mái nhà 50m2, nếu một trận mưa trên 50mm thì thu được khoảng 2,5m3 nước. Thay vì để tất cả chảy xuống cống nên cho chảy vào túi chứa loại 2m3 (hoặc 2 túi mỗi túi 1m3), như vậy giảm được 80% lượng nước đổ xuống cống. Chỉ tính công trình lớn như siêu thị Metro Q.2 với khoảng 15.000m2 mái nhà mỗi năm cũng thu được 30.000m3 nước mưa.

Trước đây TP.HCM cũng từng tính đến chuyện tích trữ nước bằng bồn nước trên các sân thượng, tòa nhà hoặc tầng hầm, nhưng giải pháp này khó thực hiện và tốn kém chi phí vận hành khó khăn. Với túi đựng nước vật liệu bằng nhựa PE, với diện tích choán chỗ khoảng 1m2 cho túi đựng 1m3 thì có thể dịch chuyển bất cứ đâu, thậm chí có thể đặt ở nhà vệ sinh, trước sân...

Đặc biệt loại túi này có thể xếp cất gọn gàng trong 6 tháng mùa nắng, chỉ sử dụng 6 tháng mùa mưa. Vì có bộ lọc thô và kín nên cũng hạn chế được tình trạng muỗi phát triển. Giá hiện nay khoảng 1 triệu đồng túi đựng 1m3, thời gian sử dụng nhiều năm.

QUANG KHẢI GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp