Giấc mơ được đạp xe trên đường nhựa đến trường của trẻ em Bình Lợi nay đã thành hiện thực. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Bình Lợi bên ngôi trường mới xây đẹp không thua trường quốc tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Cùng với lá cờ thi đua danh dự ấy là câu chuyện đổi đời của nhiều thế hệ người dân trên vùng đất nổi tiếng nhiễm phèn, mặn và ngập nặng này… Cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km về phía tây, Bình Lợi vốn là vùng lõi của căn cứ Vườn Thơm thời kháng Pháp, chống Mỹ và là nơi thổ nhưỡng đặc biệt khắc nghiệt.
Ký ức Vườn Thơm
Chiều đầu năm mới, ông Út Điểm (Nguyễn Trọng Điểm, nông dân cố cựu ở đây) bắc ghế ngồi trước hiên nhà nhấp tách trà bông lài. Nghe chúng tôi hỏi chuyện ngày xưa, ông Út bâng khuâng đọc mấy câu thơ của những ngày khốn khó: "Vườn Thơm rau chạy, cỏ bàng/Rau chạy em luộc, sợi bàng em đương…".
Rồi ông kể dân vùng này hồi đó cực lắm, thiếu thốn đủ thứ, nước thì mặn, đất thì phèn, lại trũng thấp. Có năm nước ngập mênh mông, nhiều chỗ ngập cao tới ngực. Cây, rau gì cũng chết. Rau muống là thứ dễ trồng nhất vậy mà cắm cọng muống xuống đất này vẫn không sống nổi. Rốt cục chỉ có rau chạy (tên đúng là rau choại), cây dứa (thơm), cây mía là có thể đâm chồi.
Đó cũng là lý do nơi đây từng được gọi là Vườn Thơm. Còn rau chạy là thứ rau cứu đói cho dân vùng này những khi thiếu gạo.
Theo ông Út Điểm, sau ngày giải phóng, giao thông trong vùng vẫn rất khó khăn. Đường đất sình lầy, chạy xe đạp còn khó, xe máy, xe hơi chỉ thấy trên phim. Bà con chủ yếu đi bộ. Kênh rạch chằng chịt, cầu khỉ thì nhiều. Con nít đi học phải chèo đò qua sông.
Bao nhiêu năm dài, người lớn mơ có ngày được thong thả mang dép đi đường rải đá, thảm nhựa, con nít thì hỏi má chừng nào được đạp xe một lèo tới trường mà khỏi chờ đò lâu lắc.
Những tháng ngày loay hoay
Đã từng có thời gian người dân Bình Lợi trồng mía tương đối khấm khá, lò đường mọc lên nhiều nơi. Nhưng khi nhiều lò đường quy mô công nghiệp lớn ra đời ở các tỉnh giáp ranh thì những lò đường thủ công nhỏ lẻ nơi này phải thu hẹp dần rồi đóng cửa.
Ngày cây mía bắt đầu thoái trào cũng là lúc rộ lên phong trào trồng dứa Cayenne. Giấc mơ về những cánh đồng dứa bạt ngàn, sai trái không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước khiến cán bộ xã và bà con nông dân ai nấy nuôi hi vọng đổi đời, nhất là khi thổ nhưỡng vùng này vốn thích hợp trồng dứa.
Ông Lê Hữu Duyên, nguyên bí thư xã Bình Lợi, nhớ lại: "Ngày đó, cán bộ, đảng viên xã gương mẫu đi đầu. Từ bí thư, cán bộ hội nông dân, hội cựu chiến binh cho đến các tổ chức đoàn thể khác đều xung phong trồng dứa Cayenne rồi vận động người dân cùng trồng. Ai ngờ phong trào thất bại. Dứa không tiêu thụ được. Đợt đó, dù được thành phố hỗ trợ một phần nhưng người trồng đa số thua lỗ, mất trắng vốn".
Những năm sau đó, người dân loay hoay tìm nhiều loại cây, con giống về thử. Hết trồng chanh không hạt lại đến trồng riềng, trồng bông lài nhưng đều không khả quan. Nguyên nhân có phần do thiếu hệ thống thủy lợi, không chủ động được nguồn nước. Giấc mơ về một thứ cây thích hợp để thâm canh trên mảnh đất vốn không được nhiều ưu đãi của thiên nhiên lại tiếp tục treo lơ lửng…
Đất phèn nở hoa
Được mời giao lưu báo cáo thành tích tại chương trình tổng kết 10 năm phong trào xây dựng nông thôn mới toàn TP.HCM, chủ tịch UBND xã Bình Lợi Trương Thái Ngọc xúc động nói: "Mang tiếng ở thành phố mà cách đây không lâu, người dân Bình Lợi mới được tận mắt thấy xe hơi lăn bánh trên những con đường trong xã. Sự thay đổi lớn nhất chính là hạ tầng giao thông và hệ thống thủy lợi".
Để làm được chuyện này cũng không đơn giản. Những ngày đầu phát động làm nông thôn mới, người dân không phản đối nhưng cũng chưa hào hứng. Bài học về cây dứa Cayenne còn đó chưa quên. "Vấn đề là phải lấy lại niềm tin của người dân. Một lần nữa, cán bộ, đảng viên phải đi đầu" - ông Ngọc chia sẻ.
Cụ thể, đảng ủy xã yêu cầu mỗi đảng viên phải tích cực, gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đảng viên trong từng chi bộ trực tiếp tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, vận động người dân khảo sát nhu cầu nhà ở, học hành, vận động học nghề, giới thiệu những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, kêu gọi bà con hiến đất làm đường, làm thủy lợi.
1.220 hộ dân Bình Lợi đã hiến hơn 248.192m2 đất trị giá gần 90 tỉ đồng để làm đường giao thông, trong đó có 35 đảng viên hiến 23.000m2 đất.
Năm 1990, toàn xã chỉ có 2 hộ trồng mai vàng. Từ ngày xây dựng nông thôn mới, cán bộ nông nghiệp xuống khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật, phát hiện thổ nhưỡng vùng này đặc biệt thích hợp trồng mai. Ông Hồ Quốc Trường, chủ tịch Hội nông dân xã Bình Lợi, cho biết cây mai trồng trên đất phèn trũng này chủ yếu phát triển rễ cám, không có rễ cọc. Khi bứng mai đi bán hoặc vô chậu, cây không bị đứt rễ cọc sẽ không mất sức, bông luôn tươi đẹp, ít bị héo.
Chính quyền tiếp sức bằng cách hỗ trợ vay vốn: cứ 1ha trồng mai, nông dân được vay 1 tỉ đồng trong 5 năm, hỗ trợ lãi suất 80%. Anh Lê Hữu Thiện, giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, cho biết theo thời giá hiện nay, đầu tư 1ha trồng mai sau 3 năm, trung bình lời được 500 triệu đồng. Những hộ trồng giỏi, có kỹ thuật tốt trừ chi phí có thể thu lời 1 tỉ đồng/ha sau 3 năm.
Đến nay, toàn xã có diện tích trồng mai lên tới khoảng 400ha. Thu nhập bình quân của xã thời kỳ bắt đầu xây dựng nông thôn mới chưa đầy 20 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên hơn 3 lần, đạt 64,5 triệu đồng/người/năm. Bình Lợi hiện là vùng chuyên canh cung cấp mai giống, mai thành phẩm cho thị trường TP.HCM và nhiều tỉnh từ miền Trung trở vào ĐBSCL.
Hi vọng cây mai sẽ mang đến nhiều may mắn cho người dân xứ này!
* Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: "Từ câu chuyện ở xã Bình Lợi và những điển hình trong xây dựng nông thôn mới, có thể thấy cái được lớn nhất là nghị quyết của Đảng hợp lòng dân nay đã đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết tâm hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhận thức, đặc biệt là trách nhiệm trước nhân dân".
* Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Trương Thái Ngọc: "Những kết quả mà chúng tôi đạt được là nhờ tạo dựng được lòng tin của bà con. Xây dựng nông thôn mới - mọi việc đều phải công khai để dân bàn bạc, lắng nghe ý kiến góp ý để tạo đồng thuận trong từng tiêu chí, người dân phải là chủ thể thực hiện. Từng mô hình phải do chính người dân địa phương tự bàn bạc dân chủ, công khai để quyết định và tổ chức thực hiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận