23/09/2014 09:42 GMT+7

​Những đứa trẻ trong trường giáo dưỡng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - “Các cháu được đưa vào đây đều đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật giống như các phạm nhân: cướp của, giết người, trộm cắp, gây rối... và đặc biệt, ở đây có rất nhiều cháu đã thực hiện hành vi hiếp dâm”.


Một thầy giáo của Trường giáo dưỡng số 5 (Bến Lức, Long An) đã trả lời tôi như vậy khi tôi chỉ vào mấy đứa bé nhỏ xíu hỏi mấy đứa đó tại sao lại vào trường?

Đứa trẻ gầy gò có gương mặt thông minh, lanh lợi, có vẻ hơi xấu hổ khi kể về lý do mình phải “nhập trường”: “Con xem phim cùng mọi người rồi bắt chước thôi”.

Đứa trẻ ấy kể rằng nó không biết cha là ai và nó cũng không ở với mẹ. “Hôm bữa mấy chú ở gần chợ cho con xem phim, rồi đang xem dở thì mấy chú chạy đi làm, chỉ còn con với bé T.. Xem gần xong thì con bắt chước phim thôi ạ. Bé T. lúc đầu đồng ý nhưng sau đó sợ, la lên rồi về mách cha mẹ nên con bị đưa vào trường”.

“Con thấy có lỗi nên con tự thú”

Còn đứa trẻ 15 tuổi tên Phan Trọng H. (quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết nó đã nghỉ học sau khi học xong lớp 7 vì không có ai cho tiền mua sách vở, với lại nó học cứ đuối dần ở cuối lớp, năm nào cũng là nỗi “nhục” cho lớp, vậy nên nó nghỉ.

Ở nhà không biết làm gì thì tiếp tục tụ tập với bạn chọc chó chọc mèo nhà hàng xóm, chơi điện tử, rồi nghĩ đến việc trộm cắp. Cháu ăn trộm nên bị bắt vào đây!

- Cháu trộm cái gì?

- Xe đạp cô ạ.

- Có nhiều tiền không?

- Dạ, hơn 10 triệu.

- Xe gì mà nhiều tiền vậy?

- Dạ, xe thì ít tiền, mà cháu trộm nhiều lần, mười mấy chiếc lận.

- Cháu trộm xe của cửa hàng à?

- Không ạ, xe trong trường của các bạn.

- Rồi bị bảo vệ bắt phải không?

- Dạ, bữa đó cháu trộm xong xe rồi mang đi bán, đang trên đường mang đi thì bị chặn lại giao cho công an, thế là các chú đưa cháu vào đây học tập.

Thầy giáo chủ nhiệm của H. nói nó là một đứa bé lanh lợi và thông minh, trong lớp được nhiều anh chị thương mến. 

Trong tổng số gần 400 trẻ đang được học tập tại trường, chỉ có bảy đứa con gái. Bảy đứa ấy được gom vào một lớp do cô giáo Trần Thị Thu Hà làm chủ nhiệm. Cả bảy gương mặt non nớt với nhiều tính nết khác nhau.

Đứa bé ít tuổi nhất (14 tuổi) có lọn tóc mai xoăn rất đẹp, đôi mắt cũng rất đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ. Tên em là Lê Mỹ D. (Rạch Giá, Kiên Giang). D. giết một người xe ôm.

“Cháu đã viết thư cho vợ chú ấy để xin lỗi nhưng cháu không nhận được thư trả lời. Thật sự cháu cảm thấy rất cắn rứt và đau khổ vì đã cướp đi mạng sống của chú ấy”.

D. kể cô bé không biết cha mình là ai, còn mẹ đi lấy chồng khác. Mẹ nghèo và sinh thêm nhiều em nên dường như không quan tâm gì đến em. D. ở với bà ngoại và dì, người dì này lớn tuổi và không có con nên yêu D. như con ruột.

Nhưng “con có những khoản muốn chi tiêu nhưng cả dì và bà ngoại đều không cho, vậy nên bữa đi Sóc Trăng chơi với bạn, bạn rủ đi giết người lấy tiền và con đồng ý” - D. kể.

Hai đứa con gái đã thủ sẵn dao trong người, kêu một người chở xe ôm đến một đoạn đường vắng, dùng dao giết người ấy. “Nhưng chú ấy cũng không có tiền, chúng con không cướp được gì cả, hai đứa đành bắt xe lên Sài Gòn sống”.

Rồi ai biết con giết người? Không ai biết cả cô ạ, bốn tháng sau con tự thú. Lúc giết chú ấy, chú ấy kêu khóc rồi hỏi sao lại giết chú, con đã thấy mình rất có lỗi rồi. Nhưng vì người bạn của con nên con không đi tự thú. Bốn tháng sau con mới đi báo công an rằng con chính là kẻ giết người...

Dù vào trường giáo dưỡng đã được mấy tháng nhưng D. cũng chỉ gặp mẹ được một lần: “Dì lên thăm cháu thường xuyên hơn và thỉnh thoảng gửi mì gói vào cho cháu. Còn mẹ chắc bận quá, không lên được”. D. nói, đôi mắt đẹp nhìn xuống đất.

Học chữ, học nghề

Cách đây mấy tháng, trường có tổ chức hoạt động viết thư xin lỗi để những đứa trẻ phạm tội khi còn quá bé có thể nhận ra sai trái của mình để sau này trở về sẽ sống tốt hơn.

Tuy nhiên có quá nhiều em không biết viết thư, chỉ đơn giản bởi các em còn mù chữ, hoặc biết chữ thì cũng mới biết đọc, biết viết, chưa bao giờ biết trình bày một lá thư, viết một lá thư ra sao. Ngoài giờ học chữ trên lớp, các em còn  được học nghề.

Đại tá Nguyễn Nhật Anh, hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5, cho biết chỉ có hơn 40% các em có trình độ từ tiểu học trở lên, còn lại là các em chưa học xong tiểu học, thậm chí mù chữ. 

Việc giáo dục, giáo dưỡng các em này càng khó khăn hơn rất nhiều bởi phần lớn các em đều có hoàn cảnh đặc biệt. “Thậm chí có cháu vào đây hai năm mà người thân chỉ đến thăm được vài lần. Có cháu hết thời gian học tập nhưng không muốn về với gia đình” - thầy Anh kể.

Điều lo lắng của những người làm công tác giáo dưỡng là sau thời gian học tập và cải tạo, những đứa trẻ này trở về có được gia đình đón nhận, chăm sóc, yêu thương và tạo điều kiện để trở thành người tốt hay không.

“Chúng tôi nhận thấy tâm hồn các cháu còn rất trong sáng, lương thiện, vì thiếu nhận thức, vì bị lơ là chăm sóc mà phạm lỗi, vậy nên cần nhất là sự bao dung, giúp đỡ của cả gia đình và xã hội. Yêu thương, tha thứ được cho các cháu thì các cháu thành người tốt, còn không yêu thương, không giúp đỡ, các cháu sẽ trở thành gánh nặng cho chính gia đình các cháu, rồi đến xã hội”.

Đại tá Nguyễn Nhật Anh đã nói như vậy khi chia sẻ với những bậc cha mẹ, những người làm công tác xã hội đến trường dự hội nghị viết thư “Gửi lời xin lỗi” do trường phát động vào một ngày giữa tháng 9.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp