23/09/2016 11:25 GMT+7

Những đứa trẻ trên đảo Hòn Chuối

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - Lên lưng chừng núi, vừa đi qua đồn biên phòng Hòn Chuối thì chúng tôi nghe tiếng ríu ran vang lên từ lớp học. Trong lớp tầm 20 em học sinh nghe thầy giáo Trần Bình Phục đang giảng bài.

Thầy giáo bộ đội biên phòng Trần Bình Phục và các em học sinh là cư dân trên đảo Hòn Chuối - Ảnh: N.LOAN
Thầy giáo bộ đội biên phòng Trần Bình Phục và các em học sinh là cư dân trên đảo Hòn Chuối - Ảnh: N.LOAN

 Ở đảo Hòn Chuối có khoảng 30 em nhỏ, trừ những em còn quá nhỏ thì đa số là đang ngồi ở lớp học này.

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 18 hải lý.

Ông Lê Văn Phương, tổ trưởng tổ tự quản đảo Hòn Chuối, cho biết trên đảo có 56 hộ dân với 125 nhân khẩu. Họ sinh sống bằng nghề buôn bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho các tàu đánh cá và nuôi cá bè.

Ở đảo Hòn Chuối không có trường học, chỉ có lớp học tình thương của đồn biên phòng Hòn Chuối lập ra hơn 20 năm nay.

Lớp chỉ dạy chương trình tiểu học nên muốn học lên, các em phải vào đất liền. Nhưng số em vào đất liền “du học” ít lắm, phần lớn “tốt nghiệp” xong là nghỉ ở nhà, theo cha mẹ kiếm sống.

Em Nguyễn Trần Yến Ly, năm nay 10 tuổi và đang theo học chương trình lớp 2. Nhỏ thó, da ngăm đen nhưng Ly có nụ cười rất tươi. Nhà Ly có năm anh em, ba mẹ làm nghề nuôi cá bè. Ly nói em muốn học xong ở đây rồi được vào bờ đi học tiếp, “em không muốn phải nghỉ học”.

Kim Anh Khôi, 12 tuổi, đang học chương trình lớp 3, nói chen vào: “Con cũng muốn vô bờ đi học”. Khôi có em gái 10 tuổi cũng đang học lớp 2 ở đây.

Khôi theo lớp này đã nhiều năm và lẹt đẹt bây giờ mới đến lớp 3. Em nói: “Có bạn còn học mấy năm trời lớp 1, còn nhiều hơn con nữa luôn”.

Khôi giải thích là ở đây khó khăn lắm, thấy ở lớp học vậy chớ về nhà làm thấy mồ! Rồi em nhanh miệng khoe: “Mà con còn là thợ lặn nữa. Nhưng lớn lên con phải vào bờ ở nhà nội để đi học tiếp”.

Cùng với thầy Phục - cán bộ đồn biên phòng Hòn Chuối - còn có thầy Tự, thầy Kiên. Dạy được tụi nhỏ chữ nào hay chữ đó nhưng các thầy luôn đau đáu nỗi lo về tương lai của các em.

“Các em ở đây không biết được ở thế giới bên ngoài đang diễn ra điều gì. Cuộc sống của các em phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, có thể nay đây mai đó nên việc học cũng gián đoạn. Ở đây các em được học con chữ nhưng chưa có chương trình bài bản, cũng không có những quy định của trường lớp. Nếu như có thầy cô giáo thì các em sẽ được học chương trình đầy đủ hơn” - thầy Phục trăn trở.

Dù khó khăn, không có điều kiện như cuộc sống trên đất liền nhưng các em vẫn vui tươi, hồn nhiên, vẫn mong được vào bờ để đi học, để viết tiếp ước mơ cho cuộc sống sau này.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp