Những đứa trẻ sinh năm lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn - Ảnh: YẾN TRINH |
Những đứa trẻ trong ca sinh năm ở TP.HCM giờ đã được 2 tuổi. Hồn nhiên, khỏe mạnh, chúng ra đời từ quyết định đầy rủi ro của người mẹ: chấp nhận không bỏ bớt giọt máu nào, để tất cả các con đều được cất tiếng khóc chào đời.
Bà Chín hàng xóm đang dỗ dành đút cơm cho Cả, vừa quay qua nhắc Hai không được chạy ra đường. Trong nhà, chị Lê Huỳnh Anh Thư (30 tuổi, mẹ năm đứa trẻ) đang pha năm bình sữa, còn bà nội Nguyễn Thị Kim (65 tuổi) loay hoay gấp mớ quần áo của năm thiên thần.
Tối, khi năm đứa trẻ đã thiếp ngủ, chị Thư mới lo đến bữa cơm của mình. Từ ngày có con thì chị nghỉ làm, ít khi đi đâu khỏi nhà trừ đi chợ và đưa chúng đến nhà trẻ. Chị nói người ta nuôi một đứa đã khổ, đằng này vợ chồng chị nuôi một lúc năm đứa nên cái khổ nhân năm và cực kỳ tốn kém. Có mua quần áo phải mua một lúc 5 bộ, rồi 5 đôi dép, 5 cái cặp... Dù vậy, chị Thư - anh Hiếu vẫn nói với mọi người dù có thế nào vợ chồng cũng dốc sức lo cho năm thiên thần ấy, bởi chúng là máu mủ của anh chị và được sinh ra quá ư là đặc biệt |
Của trời cho
Nhìn các con vui đùa, chị Thư nói dường như trời thương mới ban cho gia đình chị những đứa con ngoan ngoãn như vậy.
Chị lấy anh Nguyễn Thanh Hiếu (40 tuổi) cuối năm 2011. Sau hai năm, nỗi khát khao có tiếng trẻ con trong nhà khiến vợ chồng tìm đến một phòng khám nhờ hỗ trợ. Một thời gian ngắn sau chị mang thai.
“Khi thai được ba tháng, siêu âm mới biết sẽ sinh ba. Đến tháng thứ tư, bác sĩ phát hiện bốn em bé. Lúc đó tôi cũng lo vì nghe nói mang đa thai có nhiều nguy cơ cho cả mẹ lẫn con” - chị Thư kể.
Bác sĩ cũng khuyên chị bỏ bớt một phôi thai. Sau những phân vân, cuối cùng chị giữ lại vì “đứa nào cũng là con”. Đến ngày sinh chị mới biết mình mang đến năm đứa trẻ trong bụng!
Bình thường chị Thư nặng 41kg, khi mang thai cơ thể tăng lên gần 70kg. Những vất vả đối với người mang đa thai không thể kể hết. Ba tháng đầu chị bị nghén, người bần thần mỏi mệt. Đó là chưa kể những nguy cơ như tràn dịch đa màng, suy dinh dưỡng cho thai phụ, sẩy thai...
Anh Hiếu vốn ít nói nhưng những lúc như vậy lại nhẹ nhàng khuyên chị phải vì con. Nghe lời anh, chị cố gắng chờ ngày con ra đời. Cũng may mẹ chồng hết lòng chăm lo cho chị. Bà nhớ lại: “Lúc Thư chửa vượt mặt đi lại khó khăn, hầu như chỉ ngồi một chỗ”.
Dự tính cuối tháng 4 mới sinh nhưng chiều 17-3-2013 chị Thư chuyển dạ, được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ.
19g10, các bác sĩ quyết định mổ vì chị mang đa thai và có những cơn gò tử cung. Sau khi gây tê, các bác sĩ thắt động mạch tử cung dự phòng của chị để hạn chế mất máu. 50 phút của ca mổ trôi qua, ba bé trai mỗi bé nặng 1,5kg và hai bé gái mỗi bé 1,3kg chào đời.
Tuy nhiên hai bé gái có biểu hiện suy hô hấp, phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Chị Thư chỉ biết những điều đó từ lời của chồng vì bản thân chị cũng mất sức sau ca mổ.
Người mẹ kể lại những giây phút nóng ruột vì chưa được nhìn con trong hai ngày đầu: “Người mệt lả nhưng tôi chẳng ngủ được. Trong lòng cứ bồn chồn mà không hiểu vì sao mình lại lo lắng đến vậy dù đã được nhìn ảnh con do chồng chụp bằng điện thoại”.
Các con ở lại bệnh viện 14 ngày, chừng đó thời gian chị cũng nằm lại hồi sức và theo dõi tình hình con. Cha mẹ ruột của chị Thư cũng từ Tiền Giang lên chăm sóc chị. Còn bà Kim chạy đi chạy về vừa lo cơm nước cho con dâu, vừa “ngó nghiêng” các cháu ở phòng theo dõi đặc biệt.
Đến giờ khi nhớ lại, bà còn lẩm bẩm về trường hợp lạ lùng của gia đình mình, coi đó như một phép mầu và trách nhiệm của bà là cùng nuôi dạy những đứa trẻ thật tốt.
Còn chị Thư sau lần vượt cạn, sau giây phút đối mặt với những hiểm nguy sinh mạng đã coi những ngày tháng sau này của đời mình là những năm tháng vì con, mọi việc làm của chị đều xoay quanh năm khúc ruột vừa sinh ra.
Ngày năm bé sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ (17-3-2013) - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tất cả cho đàn con
Được cảnh báo nguy cơ trẻ sinh ra từ đa thai dễ bị nhiễm trùng sơ sinh, các bệnh liên quan tai và mắt... nên sau một tháng chị Thư đưa các con đi khám.
“Khi biết kết quả các con mình khỏe mạnh bình thường, gia đình tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Lạy trời cho sau này các con không xảy ra chuyện gì” - chị Thư bộc bạch.
Chăm sóc một lúc năm đứa trẻ không phải là điều giản đơn. Trong tháng đầu tiên, bệnh viện đã hỗ trợ một y tá đến tận nhà chị Thư mỗi buổi chiều tắm rửa vệ sinh cho các bé bởi việc tắm cho trẻ sơ sinh đòi hỏi phải có kinh nghiệm, huống gì đây là năm đứa trẻ sinh thiếu tháng.
Chỉ riêng chuyện tắm rửa cũng đã gây ra lắm vui buồn cho gia đình nhỏ của chị Thư. Chị Thư và mẹ chồng phải thay phiên nhau, chị giữ bốn bé còn lại, còn bà Kim tắm một bé ở phòng ngoài. Tắm xong năm đứa con là mất đúng một giờ!
Những tháng đầu, bà Kim và chị Thư mỗi tối chỉ ngủ 2 - 3 giờ vì canh chừng những đứa trẻ. Chị Thư kể: “Tối khuya mà nghe chúng khóc là lật đật dậy pha sữa, mắt nhắm mắt mở cay sè vì thiếu ngủ. Được cái mấy đứa cũng ngoan, không quấy khóc nhiều”.
Chị Thư vốn dáng người mỏng manh nên việc bận bịu chăm con làm chị càng thêm gầy guộc. Sáng nào chị cũng dậy từ sớm lo việc pha sữa, thay tã rồi cho bú, canh chừng, trưa chiều vòng quay lặp lại đến tận tối khuya. Bà Kim cũng gầy rạc vì năm đứa cháu.
Khi con được 1 tuổi, ông bà ngoại mới bàn với chị Thư để ông bà nuôi phụ hai đứa. Thế nhưng đưa chúng về quê ngoại mới vài ngày, mấy bé còn lại trên Sài Gòn đã mếu máo.
Còn hai bé bị tách về quê ngoại cứ khóc miết, đòi mẹ, đòi anh chị khiến ông bà chúng dù có kinh nghiệm chăm trẻ cũng chào thua.
“Lạ lắm, dường như cùng một bào thai nên chúng rất gắn bó. Bình thường cứ chọc phá nhau nhưng vắng đứa nào một chút là chúng nhao nhao tìm kiếm...” - chị Thư nói. Vậy là chị lại trở ngược xuống Tiền Giang đón con trở lên cho cả năm đứa sum họp.
Khi năm đứa trẻ được 18 tháng, vợ chồng chị Thư đưa ba bé lớn đi nhà trẻ gần nhà, vài tháng sau đến lượt hai bé út. Mỗi sáng, anh Hiếu trước khi đi làm tranh thủ phụ chị Thư đưa con tới nhà trẻ, nhờ thêm một người hàng xóm mới đủ ba chiếc xe để chở con.
Năm đứa trẻ tuy ít bệnh nhưng mỗi lúc bị cảm, ho là tất cả cùng bị giống nhau. Để tiện lo cho con, chị tìm một phòng khám gần nhà để con bệnh thì đưa đi cho gần.
Cách đây một tháng, cả năm bé đều bị tiêu chảy, tiền thuốc men chạy chữa hết mấy triệu đồng. Chị nói vì chi phí đều nhân lên năm lần nên cả nhà phải dành hết mọi thứ để lo cho chúng.
Càng lớn càng phải gánh gồng, với đồng lương lái taxi của chồng, chị sợ không biết sau này có chăm lo tươm tất cho năm đứa trẻ được không.
Bà Kim cũng tâm sự: “Vì ba tụi nhỏ là con một nên không có anh em họ hàng phụ giúp. Nhà bên ngoại cũng làm vườn đủ sống nên khó lòng giúp đỡ được”. Công ty tài trợ sữa cho năm đứa trẻ thì sau 36 tháng sẽ chấm dứt, mà sữa là vấn đề chị Thư lo nhất bởi rất tốn kém.
Cực khổ nhưng niềm vui của chị Thư là ngày ngày nhìn các con lớn dần. Mỗi đứa con là mỗi tính nết, bé Cả hiền lành ít nói, bé Hai nghịch ngợm, bé Ba hay mè nheo, còn hai cô gái út quấn quýt mẹ và hay hát.
Đi nhà trẻ chưa lâu nhưng Tư và Út đã hát gần hết bài Cháu lên ba, Cả nhà thương nhau. Mỗi khi hàng xóm ghé chơi, bảo Tư vỗ tay hát, cô bé lại hồn nhiên “Ba thương con vì con giống mẹ... Cả nhà ta cùng yêu thương nhau...”.
Bà Chín, người ở gần và thường phụ gia đình chị Thư chăm sóc các bé, chia sẻ: “Khu xóm này từ ngày có mấy đứa nhỏ này thì rộn ràng hẳn. Tui đi bán ngoài chợ tới chiều về, mát mát lại ra chơi với tụi nhỏ, đút cơm hoặc phụ mẹ nó trông nom chúng. Lâu dần cũng mến chân mến tay như con cháu của mình vậy”.
Những hình ảnh đáng yêu của 5 anh em
Ngồi coi tivi, nghe có nhạc là mấy anh em đứng lên nhảy - Ảnh: Yến Trinh |
5 anh em gắn bó với nhau nên trước đây ông bà ngoại muốn nuôi phụ cũng không được - Ảnh: Yến Trinh |
5 anh em rất hiếu động, ban ngày chỉ có lúc bú sữa là chịu nằm yên - Ảnh: Yến Trinh |
Việc chăm sóc 5 đứa trẻ chiếm hết thời gian của chị Thư - ảnh: Yến Trinh |
Việc đút cơm phải nhờ hàng xóm |
"Anh" Ba nghịch ngợm, hay làm trò - Ảnh: Yến Trinh |
Bé Tư hiền lành, hay hát - Ảnh: Yến Trinh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận