Hai anh em Điểu Phi và Điểu Dũng với bữa cơm trắng không có thức ăn, trong khi người chị Điểu Thị Nguyệt phải bỏ học giữa chừng để phụ chị kiếm tiền nuôi em - Ảnh: B.Sơn |
Như Ðiểu Thị Nguyệt, học sinh lớp 6 Trường THCS Hưng Phước, huyện Bù Ðốp, Bình Phước, đã phải bỏ học ba tháng nay để phụ chị nuôi em.
Em muốn trở lại trường...
Căn nhà nhỏ của gia đình Nguyệt nằm lặng lẽ bên con đường đất tại ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (huyện Bù Ðốp).
Ðây là một xã biên giới giáp Campuchia với nhiều đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống. Ðiểu Phi 6 tuổi và Ðiểu Dũng 5 tuổi - hai em trai của Nguyệt - đang nằm lăn lê trên nền nhà, tay chân cáu bẩn. Chúng tôi hỏi Ðiểu Phi: “Chị con đâu?”. Bằng giọng nói ngập ngừng, phát âm chưa sõi, Ðiểu Phi đáp: “Chị đi hái tiêu rồi”.
Ông Phạm Thanh Cần, bí thư chi bộ ấp Bù Tam, giải thích: gia đình Ðiểu Thị Nguyệt là người dân tộc S’Tiêng. Nhiều năm trước, mẹ Nguyệt trong lúc tức giận cãi nhau với chồng đã làm bị thương đứa con đầu khiến cháu tử vong nên bị bắt đi tù. Người cha mải mê rượu chè và hay đi lang thang, có lúc nhiều tháng không về, bỏ mặc các con. Ngoài hai em trai, Nguyệt còn một người chị lấy chồng từ năm 16 tuổi, nay mới hơn 17 tuổi đã sinh con và tách ra ở riêng kế bên nhà.
Vì vậy, Nguyệt trở thành người lớn tuổi nhất trong nhà và phải lãnh nhiệm vụ phụ chị coi sóc các em. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập, các thầy cô cũng động viên nhưng ba tháng trước Nguyệt phải nghỉ học giữa chừng để cùng vợ chồng người chị đi hái tiêu thuê.
Chúng tôi tìm gặp được Nguyệt giữa một vườn tiêu bát ngát ở vùng biên giới. Nguyệt nói con của người chị gái mới có mấy tháng tuổi, nếu Nguyệt không ở nhà, sẽ chẳng có ai bế cháu để vợ chồng anh chị đi làm kiếm tiền nuôi các em.
Chị của Nguyệt kể mỗi sáng thay vì cắp sách tới trường như chúng bạn, Nguyệt lại lẽo đẽo theo anh chị ra cánh đồng tiêu, lúc thì bế em bé, lúc lại đổi ca hái tiêu thay cho chị. Ba người làm nhưng chỉ được tính là hai người, vì lúc nào cũng phải có người trông cháu nhỏ, tiền công được 150.000 đồng/người/ngày.
“Cũng chỉ có thể đi hái thuê được vài tháng trong năm, hết mùa tiêu lại ở nhà, ai thuê gì làm nấy. Chúng em làm vậy nên đâu đủ ăn và nuôi các em. Bố em thì cứ bỏ đi suốt nên Nguyệt phải nghỉ học thôi. Mấy đứa em trai ở nhà cũng phải nghỉ học và tự chơi với nhau” - chị của Nguyệt buồn rầu nói.
Ông Phạm Thanh Cần cho biết gia đình của Ðiểu Thị Nguyệt là hộ có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong số 35 hộ khó khăn của ấp Bù Tam. Khi chúng tôi tới nhà Nguyệt, đã giữa trưa nhưng bếp núc vẫn lạnh lẽo. Nguyệt và vợ chồng người chị đi hái tiêu đến tối mới về.
Tới bữa, hai anh em Ðiểu Phi, Ðiểu Dũng tự vào bếp lấy cơm và mì ăn. Hai đứa trẻ ngồi bệt trên nền nhà, tay bốc cơm trắng trong nồi (không có thức ăn), tay xúc những sợi mì lạnh lẽo do được nấu từ sáng sớm... Chỉ ba phút là xong bữa trưa. Ðiểu Phi dùng tay quệt vào quần rồi lấy chổi quét nhà. Những đứa trẻ thiếu người lớn đã phải học cách tự lập như thế.
Tới nay, dù đã đến tuổi đi học nhưng anh em Ðiểu Phi, Ðiểu Dũng vẫn phải ở nhà. Còn Ðiểu Thị Nguyệt thì trả lời khi đang trông em bé giữa vườn tiêu: “Em cũng muốn trở lại trường với các bạn”. Nhưng có lẽ chưa ai biết tới khi nào mong muốn ấy của em mới có thể thực hiện.
Mong chiếc xe đạp tiếp sức
Với 20 đứa trẻ ở ấp 8B, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, nơi có bảy người phụ nữ bị tử vong do chìm xuồng trên sông Măng khi sang Campuchia làm thuê xảy ra vào tháng 10-2013, tết này là cái tết thứ hai các em không có mẹ.
Ông Ðiểu Be (47 tuổi, chồng của nạn nhân Thị Ch Ho, một trong bảy người tử vong do chìm xuồng) cùng các con đang ở trong căn nhà được xây dựng từ quỹ tình nghĩa nhiều năm trước, chỉ có vài món đồ tuềnh toàng.
Ông cho biết từ ngày xảy ra tai nạn, cuộc sống gia đình ông khá khó khăn do mất đi một lao động chính. Bốn cô con gái chỉ có con đầu 17 tuổi đã giúp được cha đi chăn trâu, còn ba cháu nhỏ vẫn đang đi học. Vắng mẹ, nhà chỉ có vài miếng ruộng, thu nhập bấp bênh nhưng rất may các con của ông Ðiểu Be chưa em nào phải bỏ học.
Không được như gia đình ông Ðiểu Be, từ khi người mẹ mất, gia đình của ông Ðiểu Phưm (44 tuổi, chồng của nạn nhân Thị Phêm) đã phải cho con gái lớn Thị Têm (15 tuổi) nghỉ học. Ngoài phụ giúp gia đình, Thị Têm đi nhặt phân bò bán kiếm tiền phụ giúp cha để em trai mới 8 tuổi vẫn được đến trường.
“Sau khi xảy ra tai nạn, Nhà nước và cộng đồng đã có chia sẻ thiết thực cho gia đình các nạn nhân, giúp họ có một số vốn để làm ăn. Tuy nhiên, việc thoát nghèo và để những đứa trẻ không bỏ học giữa chừng sẽ phải nỗ lực cả một quá trình dài” - ông Nguyễn Xuân Cường, phó chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, nói.
Ông Cường cũng chia sẻ xã Lộc Hòa giáp biên giới, có tới hơn 40% đồng bào dân tộc và nhiều hộ còn nghèo. Nhiều em ở các ấp xa như ấp 8B phải đi bộ 7-8km mới tới trường. “Chúng tôi rất mong muốn các em này được tặng chiếc xe đạp để tiếp sức các em tới trường, để không em nào phải bỏ học giữa chừng”- ông Cường trăn trở nói.
5.000 phần quà tết cho học sinh Chương trình “Tết cho học sinh biên cương” dự kiến trao tặng 600 phần quà tết (mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới tỉnh Bình Phước. Cùng với Bình Phước, chương trình cũng dự kiến trao tặng quà cho các học sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Lào Cai (mỗi tỉnh 800 phần), Kiên Giang và Kon Tum (mỗi tỉnh 600 phần quà). Thời gian thực hiện từ ngày 29-1 đến 10-2-2015. Bạn đọc ủng hộ chương trình mời gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, văn phòng đại diện Tuổi Trẻ tại các tỉnh, thành. Hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; ủng hộ trực tiếp trên mạng qua mục: http://pay.tuoitre.vn/cong-tac-xa-hoi. Ðiện thoại liên hệ 0913.804.883. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận