22/04/2019 19:30 GMT+7

Những đứa trẻ mang mặt nạ sau cơn ác mộng ấu dâm

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Tas và Phed là hai trong số những đứa trẻ người Thái xuất hiện trong bộ ảnh đặc biệt về nạn nhân ấu dâm của nhiếp ảnh gia Marieke van der Velden. Các em che mặt mình bằng những chiếc mặt nạ tự vẽ.

Những đứa trẻ mang mặt nạ sau cơn ác mộng ấu dâm - Ảnh 1.

Những đứa trẻ trong bộ ảnh This is me của

Bộ ảnh có tên This is Me (Đây là tôi), vừa được báo The Guardian giới thiệu, là sản phẩm mà Marieke van der Velden được tổ chức Down to Zero (Hà Lan) "đặt hàng" nhằm nâng cao nhận thức về những trẻ người Thái là nạn nhân của việc khai thác tình dục thương mại.

"Những người sống sót trẻ tuổi đương đầu với thế giới trong những chiếc mặt nạ tự mình vẽ nên", The Guardian thuyết minh về bài viết có tựa đề "Những đứa trẻ Thái với gương mặt dũng cảm trên nỗi kinh hoàng mang tên lạm dụng tình dục".

"Đây là tụi con, xin đừng hủy hoại tương lai của tụi con vì lợi ích của riêng mình", video quảng bá dự án truyền đi thông điệp đau lòng

Theo bài viết, khi nhận lời Down to Zero, Marieke - nữ nhiếp ảnh gia từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều tổ chức phi chính phủ này - cũng chưa biết mình phải làm gì, bởi rõ ràng không thể để lộ mặt các em trong bộ ảnh.

"Tôi được yêu cầu đến 2 mái ấm ở Thái Lan để gặp gỡ và chụp chân dung của những đứa trẻ là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục thương mại bởi người nước ngoài. Vì không được chụp rõ mặt các em, tôi nảy ra ý tưởng mang bút màu đến, đề nghị các em vẽ gương mặt mình. Nếu các em không muốn vẽ mặt mình, có thể vẽ gương mặt của người mà mình muốn trở thành", Marieke chia sẻ trong phần giới thiệu về bộ ảnh trên website của cô.

Theo The Guardian, Marieke cho rằng nền tảng từng là giáo viên tiểu học đã giúp cô nghĩ ra cách tiếp cận đó với bọn trẻ. Và cách đó đã hiệu quả, các em tham gia nhiệt tình khi được đưa cho những cây bút chì màu, để vẽ gương mặt mình muốn thể hiện và "núp" mình sau những hình vẽ đó.

"Các em nhìn bản thân mình như thế nào?" là câu hỏi mà nữ nhiếp ảnh 44 tuổi theo đuổi trong dự án lần này. Hầu hết những đứa trẻ đều chọn vẽ người khác: một ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc mà Marieke chưa bao giờ biết đến, những nhân vật hoạt hình…

Những đứa trẻ mang mặt nạ sau cơn ác mộng ấu dâm - Ảnh 3.

Cô bé tên Kite, năm nay 13 tuổi, chọn Doraemon để vẽ. Năm 11 tuổi, Kite trở thành trẻ em đường phố và phải bán dâm để đổi lấy tiền và thức ăn - Ảnh: Marieke van der Velden

Bọn trẻ tỏ ra ngạc nhiên khi nghe Marieke nói cô không biết thần tượng của chúng. "Cô ở hành tinh nào tới vậy?", mấy đứa trẻ lí lắc hỏi.

The Guardian cho biết trong quá trình chụp ảnh, cô thấy mừng vì mình không phải trực tiếp hỏi bọn trẻ về những gì các em phải chịu đựng, mà chỉ giao tiếp thông qua người phiên dịch. "Tôi cảm thấy chúng tôi như đến từ một phần khác của thế giới vậy. Tôi là ai mà dám hỏi chuyện gì đã xảy ra?," cô chia sẻ.

"Công việc của nhân viên mái ấm làm tôi ấn tượng. Tôi hiểu rằng cần phải có lòng kiên nhẫn và sự nỗ lực để có thể có được lòng tin của những đứa trẻ đó, để không nổi giận khi chúng tạm thời quay lại cuộc sống cũ trên đường phố, cũng như có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài để có thể cùng chúng trên bước đường đời trong tương lai", Marieke viết về trải nghiệm của mình trên website.

Cậu bé hay mắc cỡ Tas, 14 tuổi, là một trong những nhân vật mà Marieke ấn tượng. Tas cùng em họ của mình bị bán cho một người đàn ông người Anh và được trả 13USD (hơn 300.000 đồng) để "phục vụ" tình dục trong 2 tuần. Năm đó Tas 11 tuổi.

Tas mất 2 giờ để vẽ nên chiếc mặt nạ của mình. "Con không muốn vẽ mặt mình, nên ban đầu con muốn vẽ một cầu thủ bóng đá, vì con chơi bóng rất giỏi. Con chơi vị trí nào cũng được và con hâm mộ nhất là Messi. Nhưng mà sau đó con nghĩ, con sẽ vẽ con quái vật nửa thần nửa quỷ. Bạn con hay cho con coi mặt nạ hình đó và con thích lắm", Tas chia sẻ.

Những đứa trẻ mang mặt nạ sau cơn ác mộng ấu dâm - Ảnh 4.

Tas và chiếc mặt nạ của mình - Ảnh: Marieke van der Velden

Trong khi đó, cậu bé 13 tuổi tên Phed, từng bị một người nước ngoài tấn công tình dục trong một ngôi chùa, vẽ một con Godzilla mà The Guardian gọi là "vệ sĩ tối thượng". Cha mẹ ly dị, mẹ tái hôn nên em ở cùng cha ở miền nam Thái Lan. Cha Phed rất nghèo và bị rối loạn tâm thần nên Phed thường phải tự chăm sóc mình.

Cha em thường quan hệ tình dục với phụ nữ trong căn phòng mà hai cha con ở chung, rồi Phed bắt đầu có những hành vi tương tự đối với một bạn nữ ở trường. Gia đình cô bé gái đã báo cáo sự việc và nhà trường quyết định rằng cha Phed không phải là người bảo hộ thích hợp, đề nghị chuyển em vào một mái ấm.

Những đứa trẻ mang mặt nạ sau cơn ác mộng ấu dâm - Ảnh 5.

Phed và chjiếc mặt nạ hình Godzilla em vẽ - Ảnh: Marieke van der Velden

Sau bộ ảnh, Marieke rùng mình nhận ra rằng đối với nhiều đứa trẻ mà cô chụp ảnh, lạm dụng tình dục đã bị "bình thường hóa" ngay từ buổi ban đầu, đến mức mà mãi sau này những đứa trẻ đó mới nhận ra được chuyện gì xảy ra với mình, mới bắt đầu hiểu được mình đã là nạn nhân của những lời nói dối.

Phim tài liệu mới về Michael Jackson bị phản ứng vì có yếu tố

TTO - Bộ phim tài liệu 'Leaving Neverland' dự kiến ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Sundance nửa sau tháng này vừa bị phản ứng vì có các chi tiết cáo buộc ông vua nhạc Pop lạm dụng tình dục hai bé trai dưới tuổi vị thành niên.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp