TTO - Nhu cầu lao động phổ thông tại các công trình xây dựng tại huyện đảo (Kiên Giang) gần đây tăng cao là hấp lực thu hút hàng ngàn gia đình nông dân các tỉnh miền Tây ra đảo. Thế nhưng, phía sau những công trình tráng lệ, những khu nhà trọ là những câu chuyện nhói lòng.

Sống tạm bợ trong các khu nhà trọ hay lán trại công trình, có trẻ may mắn được đến trường nhưng cũng quá tuổi so với bạn bè. Nhiều em 12 tuổi mới vào lớp 1, có em học lớp 3 đã 14 tuổi… Nhiều trẻ chỉ có cái tên, cái họ còn nguyên tên họ, chữ lót thế nào cha mẹ cũng không biết vì không có bất cứ giấy tờ gì.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 1.
Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 2.

Nếu không có bộ đồng phục chắc ai cũng nghĩ Danh Khang, 14 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học An Thới 2, đang nô đùa với đám trẻ trên sân trường là anh trai chúng bạn đến đón em.

Khang cao lớn vạm vỡ, đứng cao hơn cả cô giáo và đã ra dáng một chàng trai. Mỗi lần chơi đùa, nhiều bạn học đu lên người Khang đòi cõng, bế…

Như một người anh chiều chuộng đám em, Khang công kênh từng đứa một trên lưng, hai tay ôm hai đứa khác quay như chong chóng khiến cả lũ cười nắc nẻ.

Anh Danh Bình, cha Khang, cho biết quê anh ở Phước Long, Bạc Liêu. Ở quê không có việc làm nên vợ chồng dắt díu con cái đi làm thuê khắp nơi. Hết Đồng Nai, Bình Dương rồi TP.HCM, rày đây mai đó theo những công trình xây dựng nên mấy đứa con không đứa nào được đi học.

Cách đây 4 năm, nghe ở Phú Quốc có nhiều việc làm, vợ chồng anh lại dắt nhau ra đảo. Che cái chòi nhỏ ở gần bãi rác An Thới, hàng ngày anh Bình đi phụ hồ, còn chị Út vợ anh và Khang đi nhặt rác trong bãi.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 3.

Nằm cách bãi rác gần 1km là Trường tiểu học An Thới 2. Thấy đám trẻ ở "xóm bãi rác" đến trường, Khang cũng muốn đi học để biết đọc, biết viết "chứ không mù chữ như cha mẹ".

Thương con, anh Bình đến trường xin cho Khang đi học. Đều đặn 3 năm nay, bất kể con đường đất đỏ vào bãi rác ngập nước hay gió bụi, chưa ngày nào Khang vắng học.

Hỏi Khang có xấu hổ khi lớn tuổi mà còn đi học với các em nhỏ không, Khang lắc đầu cười: "Ban đầu cũng thấy kỳ kỳ nhưng học vài bữa, viết được mấy chữ cái con vui lắm, không mắc cỡ nữa. Con ráng học hết lớp 5 rồi nghỉ đi kiếm việc làm chứ không học nữa đâu!".

Ở bãi rác An Thới này có hơn 20 hộ sinh sống bằng đủ thứ nghề. Đa số là bà con dân tộc Khơmer từ các tỉnh miền Tây ra đảo kiếm sống. Nhiều trẻ không có giấy khai sinh nên không thể đến trường.

Nhiều cha mẹ khi được hỏi tuổi con cũng không biết sinh năm nào. Như cô bé Danh Huyền Trân (9 tuổi), nhân vật "được" Tuổi Trẻ đưa tin hai năm trước khi em ngồi giữa bãi rác đầy ruồi nhặng.


Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 4.

Bé Danh Huyền Trân (trái), 9 tuổi, nhân vật của Tuổi Trẻ 2 năm trước, vừa mới đi học sau khi làm được giấy khai sinh - Ảnh: DUY KHÁNH

Cũng ở ngôi trường này, Danh Thị Trúc Nhi, 14 tuổi, lớp 3/1, là một trường hợp đặc biệt.

Gia đình ở Vĩnh Hiệp (Rạch Giá) ra Phú Quốc ở trọ hơn 5 năm nay. Trước đây cha mẹ Nhi cũng dắt con đi làm thuê khắp nơi nên Nhi không được đến trường. Ra Phú Quốc làm ăn được, cha mẹ em quyết định gắn bó lâu dài nên Nhi mới có cơ hội đi học.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 5.

Cô học trò có gương mặt sáng, đã ra dáng thiếu nữ e ấp khi được hỏi về ước mơ của mình.

"Hết lớp 5 là con 16 tuổi, chắc đi xin việc làm để giúp ba mẹ nuôi em chứ lớn quá mà học lớp 6 chắc mắc cỡ lắm", Nhi nói.

Cô Lê Thị Thu Vân - tổng phụ trách đội Trường tiểu học An Thới 2 - cho biết đa số học sinh của trường là con công nhân hay đồng bào dân tộc Khơmer từ nơi khác chuyển tới nên chuyện đi học trễ so với tuổi rất nhiều. Như Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Thanh Nhiều, Danh Khánh… đều 12 tuổi mới vào lớp 1, trễ 6 năm so với bạn bè.

"Còn trễ 2 - 3 năm thì nhiều lắm, không thống kê hết được" - cô Vân cho biết.

Tình trạng học sinh đi học trễ năm hầu như trường nào ở huyện đảo Phú Quốc cũng có, nhất là các ngôi trường gần các công trình xây dựng lớn ở các xã Gành Dầu, Cửa Cạn, Dương Tơ…

Thầy Nguyễn Anh Khoa - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Cửa Cạn - cho biết năm học 2018 - 2019, số học sinh trường tăng gần 150 em, đa số là con em công nhân các công trình xây dựng, trong đó có đến gần 50 em đi học trễ 2 - 4 năm.

"Do ra Phú Quốc mới đi học nên nhiều trường hợp mấy anh em một nhà cách nhau 3 - 4 tuổi học chung 1 lớp là chuyện bình thường" - thầy Khoa nói.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 6.
Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 7.

Không giấy chứng sinh, không có khai sinh, không nhớ năm sinh, không có hộ khẩu, không được đi học, không biết chữ, thậm chí không có cái tên đầy đủ, chỉ biết mình có một cái tên kèm với họ của cha còn chữ lót để phân biệt nam hay nữ cũng không có.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 8.

Phải mất một hồi lâu anh Danh Hoàng (34 tuổi), công nhân một công trình lớn ở Phú Quốc, mới nhớ "một cách không chắc chắn" về năm sinh của 4 đứa con mình.

Anh nói mình có 4 đứa con, lớn nhất là Danh Trí 14 tuổi, rồi đến Danh Hùng 12 tuổi, Danh Tâm 10 tuổi và cuối cùng là con gái Danh Thuyền 4 tuổi.

Khi hỏi bé Thuyền là con gái sao không có chữ lót, anh Tuấn gãi đầu, nói: "Có đứa nào có giấy khai sinh đâu mà đặt tên. Hồi ra đây đi biển mướn trên thuyền người ta rồi đặt tên Thuyền luôn chứ có biết lót chữ gì đâu".

Anh Hoàng kể quê ở Vĩnh Hiệp (Rạch Giá), cách Phú Quốc chỉ 3 giờ ngồi tàu nhưng mấy năm nay anh chưa thể về quê làm giấy khai sinh cho con vì giấy chứng sanh thất lạc hết và vợ chồng anh không ai biết chữ.

"Giờ về quê làm giấy tờ có khi mất cả tuần, mà tui đi một ngày là cả nhà đói chứ nói chi cả tuần" - anh Hoàng nói.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 9.

Bãi rác Cửa Cạn phía bắc đảo đã đóng cửa cách đây 2 năm nhưng hiện vẫn còn mấy chục hộ dân bám trụ ở đây với đủ nghề để mưu sinh. Và vì mưu sinh vất vả, nhiều cha mẹ quên mất con mình cần phải đi học.

Bé Ngà, "hình như 9 tuổi" - chị Nguyễn Bé Ngọc, mẹ bé cho biết thế. Sinh ra ở bãi rác này gần 10 năm trước nhưng chị Ngọc không làm giấy khai sinh cho con. Giờ đã trễ 2 năm rồi, Ngà muốn đi học lắm nhưng đành chịu.

Thủ tục làm giấy khai sinh cho Ngà không phức tạp lắm vì bé được sinh tại Phú Quốc nhưng năm lần bảy lượt đề nghị giúp đỡ đi làm giấy khai sinh cho bé thì cha mẹ bé đều ậm ờ cho qua chuyện. 

Vì thế, ước mơ đến trường với cô bé có cái tên đẹp và đôi mắt trong veo vẫn là chuyện xa vời.

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 10.

Bữa cơm tối của gia đình bé Ngà giữa bãi rác và niềm vui khi được quây quần bên nhau - Ảnh: ĐINH CHÍ TRUNG

Hàng trăm đứa trẻ này rồi đây sẽ ra sao khi một chữ cắn đôi cũng không biết. Và trong hành trình cuộc đời, những đứa trẻ như bị bỏ rơi bên lề cuộc sống này liệu có đủ sức chống chọi với những cạm bẫy đang rình rập?

Gánh nặng cho xã hội không chỉ cho hôm nay mà tương lai sẽ còn hơn khi hành trang vào đời của các em là những dãy số không dài dằng dặc…

Những đứa trẻ du mục ở đảo ngọc - Ảnh 11.

DUY KHÁNH
DUY KHÁNH, ĐINH CHÍ TRUNG
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp