24/09/2021 15:23 GMT+7

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Cuộc mưu sinh tìm kiếm cơ hội nơi xứ người khiến những đứa con miền Tây sớm xa vòng tay yêu thương của cha mẹ từ tấm bé, ở lại quê nhà chắt chiu từng giọt yêu thương của ông bà.

Cuộc sống khó khăn và đầy nghị lực của hai tân sinh viên Phúc Hậu và Cẩm Tiên - Video: BỬU ĐẤU - ĐẶNG TUYẾT - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 2.

Nguyễn Phúc Hậu cùng ông và đứa em họ sống trong căn nhà tạm trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang đã nhiều năm - Ảnh: BỬU ĐẤU

Vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng các em chưa bao giờ từ bỏ con đường đến trường, ngày đêm ấp ủ giấc mơ nơi giảng đường đại học.

Đó là Nguyễn Phúc Hậu (tân sinh viên ngành marketing, Trường đại học Nam Cần Thơ) không có cha từ khi chưa lọt lòng, sống cùng ông bà ngoại nơi nghĩa trang. Hay Trần Thị Cẩm Tiên (tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm, TP.HCM) vừa ôn thi vừa cầu mong cha mẹ được bình an giữa tâm dịch COVID-19. Không khuất phục số phận, các em đã biến giấc mơ đại học thành sự thật.

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 3.

Em Hậu tham gia học online một số buổi đầu tiên của Trường đại học Nam Cần Thơ bằng điện thoại - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ăn học tại nghĩa trang nuôi ước mơ vào đại học

Căn nhà số 514, ấp Hòa Long 3, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang - nơi Nguyễn Phúc Hậu sống cùng ông bà ngoại - thuộc khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang, do địa phương tạo điều kiện cho ông ngoại em ở tạm để trông coi nghĩa trang, đến tuổi về hưu thì bàn giao lại.

Căn nhà của ông bà ngoại tuy đơn sơ chỉ vài miếng tole và che bạt bốn phía, nhưng đầy ắp yêu thương. Cả tuổi thơ sống trong nghĩa trang, nhiều người nghe qua có chút rùng mình, còn đối với Hậu đó là tháng ngày bình yên nhất. Sau giờ học, em quẩn quanh trong mảnh vườn nhỏ giúp ông ngoại chăm sóc cây trồng.

Đến năm 13 tuổi, Hậu được mẹ đón lên Bình Dương sống cùng cha dượng để được đi học. "Em bị cha dượng bạo hành... Cha lấy khúc cây dài mà người ta dùng để đỡ móc phơi đồ đánh em. Lần sau nặng hơn lần trước, may nhờ có hàng xóm chạy qua can ngăn, em mới thoát được. Lúc đó mẹ đang đi làm cũng bỏ dở việc chạy ngay về với em", Hậu nghẹn ngào kể.

Nỗi sợ hãi, tuyệt vọng khiến em gần như bị trầm cảm, cứ thu mình lại trong phòng, không nói chuyện với ai cả. Bà ngoại hay tin, đón xe đò từ An Giang đi Bình Dương ngay. Ra đến nơi bà nói một câu khiến mọi lo sợ của em tan biến hết: "Cháu về ở với bà, dù sẽ thiếu ăn, nhưng bà sẽ quyết lo cho mày học tới nơi tới chốn". Cũng nhờ sự động viên, quan tâm, chăm sóc của bà mà em dần lấy lại tự tin, cố gắng trong học tập.

Thế là đầu năm học lớp 9, Hậu lại quay về An Giang ở cùng ông bà ngoại. Bà em chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Ngoài Hậu, ông bà còn nuôi thêm đứa em họ (con của dì) bị bệnh bại não, không thể sinh hoạt như người bình thường. Ông em ngoài công tác bảo vệ nghĩa trang, làm cỏ, tưới hoa… cũng tận dụng đất trống xung quanh trồng thêm được ít cây cảnh, thỉnh thoảng bán được chút tiền.

Đến năm Hậu vào lớp 12, ông ngoại đã đến tuổi hưu, gia đình không thể ở tiếp căn nhà trong nghĩa trang. Các nhà hảo tâm đã hỗ trợ một căn nhà mới tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang cho ông bà ngoại và đứa em có nơi cư trú mới. Ông lại tiếp tục xin đi làm bảo vệ cho một trường mầm non tại thị trấn An Châu, nhưng gần 3 tháng nay phải nghỉ việc do dịch bệnh.

Riêng Hậu, nhờ sự thương tình của địa phương, em được tiếp tục sống trong căn nhà cũ, để tiện đến trường cho đến khi hoàn thành năm học. Một lần nữa Hậu phải sống xa ông bà ngoại. Lay lắt rồi cũng qua, dù khó khăn chồng chất khó khăn, may mắn thay ở năm cuối cấp Hậu gặp được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Trang, vị ân nhân lớn của đời mình.

"Cô Trang không chỉ động viên về tinh thần, dạy bảo trong học tập, mà khi biết về hoàn cảnh của em, cô đã âm thầm bảo trợ tất cả khoản tiền chi phí học tập, mỗi tuần còn cho thêm tiền ăn", Hậu xúc động kể lại.

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 4.

Em Hậu nhìn lại một lần nữa những tấm giấy khen biểu trưng cho hành trình cố gắng của mình trước khi tháo xuống, trả lại căn nhà cho chính quyền địa phương - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khi được hỏi về đứa học trò có số phận kém may mắn, cô Nguyễn Thị Thu Trang - giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang - cho hay Hậu là một học sinh ngoan, nỗ lực từng bước để trở thành học sinh giỏi.

"Có lần Hậu nói với tôi rằng, cô ơi em sẽ ráng học sau này thành đạt, đi xe hơi về thăm cô. Suy nghĩ ngây ngô của em làm tôi xúc động và nhớ mãi. Hay tin em đậu đại học, tôi rất vui. Đó cũng là kết quả xứng đáng cho sự cố gắng không ngừng liên tục suốt 3 năm học của Hậu" - cô Trang chia sẻ.

Thương ba mẹ vất vả giữa tâm dịch

Còn Trần Thị Cẩm Tiên hiện ở cùng bà nội (ngụ số nhà 299, ấp Hòa Long 3, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang). Hai năm trước, ba mẹ em lại một lần nữa dắt theo đứa em út vừa mấy tháng tuổi đi Bình Dương lao động kiếm sống. Người anh trai lớn đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Mọi chi phí học tập sinh hoạt của em đều dựa vào tiền ba mẹ dành dụm gửi về khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Còn bà nội ở nhà phơi cơm khô, vài ngày bán đi cũng được vài chục ngàn mua gạo.

Trước khi dịch bùng phát, mẹ đeo balô cõng đứa em út trên lưng đi bán vé số, vừa lượm ve chai. Bà nội vì thương cháu, xót xa nên cũng nhiều lần định đón cháu về nuôi, nhưng bà đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe lên xuống thất thường, làm sao chăm cháu cho tốt được. Giọng Tiên ngắt quãng, gắng kìm nén giọt nước mắt kể lại khoảng thời gian khó khăn trước ngưỡng cửa đại học của mình.

"Khi hay tin mẹ là F0, em và bà lo lắng cả đêm không ngủ được. Chỉ vài ngày, nhìn bà em gầy hẳn đi, hốc mắt lõm sâu. Mỗi ngày em đi học về đều mở điện thoại xem tin nhắn mẹ báo tình trạng sức khỏe. Qua điện thoại mẹ nói bị sốt, nhức đầu, mất khứu giác, vị giác… em gắng gượng không dám khóc, sợ mẹ lo thêm, chỉ biết khuyên mẹ cố gắng ăn uống, giữ tinh thần lạc quan, còn bé út đang đợi mẹ trở về", Tiên nghẹn ngào kể lại.

Một đêm nọ, Tiên học bài rồi ngủ gục trên bàn đến hơn 1h sáng thức giấc thì thấy tin nhắn của mẹ từ trong khu cách ly điều trị COVID-19. Mẹ khuyên anh em Tiên gắng sống hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau khi mẹ lỡ không qua khỏi, không còn lo lắng được cho các con. Mẹ là người nhắn tin vụng về, ngày thường cũng ít tâm sự cùng các con, vậy mà đêm đó mẹ lại nhắn nhiều như vậy khiến Tiên khóc nghẹn.

May sao mẹ cũng vượt qua được cửa hiểm, ra khỏi khu cách ly trở về. Cùng lúc ấy, công ty nơi ba làm công nhân cũng đóng cửa vì có F0. Ba và mẹ đều mất việc, lao đao giữa tâm dịch, không thể làm được việc gì, nhờ vào những gói quà cứu trợ của nhiều lòng hảo tâm để vượt qua.

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 6.

Trần Thị Cẩm Tiên hoàn thành các thủ tục nhập học, lại vừa mừng vừa lo - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cẩm Tiên bộc bạch, lần đầu tiên em ý thức được gia đình mình không đủ điều kiện để em đi học đại học là khi em 15 tuổi (lớp 9). Trong suy nghĩ của em lúc ấy, 15 tuổi đã có thể gánh vác trách nhiệm, làm một công việc nào đó như phụ việc quán ăn, rửa chén, bưng món ăn… cũng là cách kiếm tiền, chờ khi đủ 18 tuổi sẽ đi Bình Dương đoàn tụ với ba mẹ, vào công ty làm công nhân.

"Thương ba mẹ, em vừa học vừa đi làm phụ việc ở quán cà phê gần nhà, mỗi giờ được 12.000 đồng. Có lần em làm đến hơn 22h mới xong việc dọn dẹp ở quán, về đến nhà tận khuya, sáng hôm sau mẹ điện thoại về la cho một trận nhớ đời. Nhưng em vẫn lén đi làm đến khi vào năm học lớp 12 thì nghỉ, tập trung ôn thi tuyển sinh" - Tiên nhớ lại.

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 7.

Tiên cùng bà nội lật giở một lần nữa từng tấm giấy khen minh chứng hành trình gian nan vừa khép lại, để bước vào trang mới cuộc đời - Ảnh: BỬU ĐẤU

Mong các con luôn lạc quan

Sáng 21-9, Tuổi Trẻ Online gọi vào số điện thoại của anh Trần Văn Hòa, ba em Tiên (tạm trú tại khu trọ khu phố 6, đường N5, ấp Thế Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương) thì mẹ em là người nhấc máy.

Qua điện thoại, giọng người phụ nữ miền Tây chất phác lại ngập ngừng từng hồi. Chị vừa đi cách ly trở về được 10 ngày thì hôm nay lại soạn đồ đạc cho chồng đi cách ly điều trị... Chị Trang vẫn chưa kịp gọi điện báo tin cho Tiên biết anh Hòa đã là F0. Tiên vẫn thường luyên thuyên với ba qua màn hình điện thoại rằng khi vào đại học sẽ vừa đi học vừa đi dạy kèm tiếng Anh, kiếm tiền trang trải thêm, ba mẹ đỡ một phần gánh nặng.

"Cánh cửa đại học của con mở ra, còn vợ chồng tôi thì loay hoay chống chọi với dịch bệnh, không thể đồng hành cùng con. Bé Tiên hứa sẽ phấn đấu đạt thành tích tốt nhất để khi ra trường xin làm phiên dịch viên cho công ty nước ngoài tại Việt Nam, kiếm thật nhiều tiền để ba mẹ đỡ nhọc nhằn, giúp chăm lo cho bà nội lúc tuổi già", chị Trang thở dài.

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Những đứa con miền Tây chật vật nuôi dưỡng ước mơ giảng đường - Ảnh 9.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng Tiếp sức đến trường tại đây: .

Bạn đọc tiếp sức cho học sinh, tân sinh viên nghèo ngay trên ví MoMo Bạn đọc tiếp sức cho học sinh, tân sinh viên nghèo ngay trên ví MoMo

TTO - Bạn đọc có thể đồng hành, tiếp sức cùng những tấm gương vượt khó hiếu học là học sinh và tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua chương trình "Tiếp sức đến trường" do báo Tuổi Trẻ phát động ngay trên Ví MoMo.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp