Những người cha quân hàm xanh đến thăm cháu Ấn - Ảnh: Trần Mai |
Huy khoe: “Con thi học kỳ vừa rồi 5 môn được 50 điểm”. Hai đứa trẻ quấn lấy những người lính quân hàm xanh, ríu rít kể chuyện trong vòng tay yêu thương của những người lính.
Những người cha quân hàm xanh
Bà Trần Thị Bân - bà ngoại của Huy - vội chế ấm chè nóng mời những chiến sĩ biên phòng vừa ghé nhà.
Bà cụ ngoài thất thập hiểu rõ tình cảm của hai đứa cháu thiếu may mắn của mình và các chiến sĩ biên phòng.
Bà nói: “Nhờ mấy chú bộ đội quan tâm đến hai đứa mà đứa nào cũng lễ phép, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Hai đứa đi học về là tự vào bàn làm bài tập rồi để sách vở ngăn nắp vào bàn. Tất cả là nhờ cái tình của mấy chú bộ đội”.
Từ ngày ba Huy mất vì tai biến, người mẹ lam lũ đành để hai con lại cho bà chăm sóc rồi xuôi vào Nam buôn gánh bán bưng kiếm tiền gửi về nuôi con.
Cũng từ đó, các chiến sĩ đồn biên phòng Đức Minh đã đến và mang theo yêu thương, sự sẻ chia cho hai đứa trẻ tuổi còn ăn chưa no lo chưa tới.
Hơn hai năm nay, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đức Minh mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng cho bà cháu Huy có thêm con cá, đĩa rau.
Trong ngôi nhà nơi góc biển ấy, thượng úy Nguyễn Tiến Hải - chính trị viên đồn biên phòng Đức Minh - lật từng trang vở xem tình hình học tập của hai cháu, rồi dặn hai đứa trẻ thứ bảy, chủ nhật mang sách vở sang để anh chỉ bảo thêm.
Mấy năm qua, hai anh em Huy có những ngày thứ bảy, chủ nhật đầy yêu thương bên nhà thượng úy Hải.
Anh Hải tâm sự: “Mất cha, lại thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ mỗi ngày nên cả đồn xem hai đứa như con vậy. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ hoặc lúc rảnh rỗi anh em lại tranh thủ ghé qua xem cuộc sống của mấy bà cháu. Thiếu thức ăn thì anh em mua, nhà hỏng thì anh em sửa”.
Rời khỏi nhà bà Bân, các chiến sĩ lại chạy hơn 13km về xã biển Đức Lợi, nơi cậu bé Trần Ngọc Ấn (9 tuổi) đang ngóng chờ những “người cha” của mình ghé thăm.
Trong chuyến ghé thăm nhà Ấn và nhiều gia đình khó khăn khác trong địa bàn đóng quân của mình, hành trang mà các chiến sĩ mang theo ngoài tình yêu thương là chút tiền hỗ trợ các gia đình.
Thượng úy Hải suy tư: “Với các cháu có lúc chúng tôi nghiêm nghị như người cha, khi thì gần gũi như người anh thân thiết để nắm tâm lý. Dù sao các cháu cũng chịu nhiều thiệt thòi...”.
Thời gian qua, sự hỗ trợ kịp thời của chiến sĩ đồn biên phòng Đức Minh đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mộ Đức thêm nghị lực, vững bước trên con đường đến trường.
“Các chú hay đến thăm cháu, cho bánh kẹo, sách vở. Hồi tết còn cho cháu áo quần với thùng bánh to bự ăn tết nữa” - Ấn khoe.
San sẻ bữa ăn của mình
Từ năm 1993, các chiến sĩ đồn biên phòng Đức Minh các thế hệ đã thay nhau chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh, thiếu thốn và nghèo khó đến khi trưởng thành. Đó là truyền thống của đồn.
Những người lính quân hàm xanh không nhớ hết “những đứa con, những người mẹ” của đồn. Chỉ có những trường hợp đặc biệt cho đến giờ mọi người vẫn nhắc đến.
Như trường hợp của anh Đặng Đình Hải (32 tuổi, xã Đức Chánh) - đó là một trong những đứa “con cả” của đồn.
Anh Phạm Tiến Trung, nhân viên cơ yếu của đồn Đức Minh, vẫn nhớ như in năm 1997 khi anh về công tác ở đồn thì Hải đã học lớp 6 và là “con” của đồn trước đó.
Ba mẹ Hải mất khi anh em Hải còn rất nhỏ, thế nên đồn nhận Hải về nuôi dưỡng, cho đi học. “Mới đó mà tròn 20 năm rồi, giờ Hải có cuộc sống ổn định, lập gia đình, mỗi lần gặp anh em vui lắm” - anh Trung cho biết.
Gắn bó với nhau, tình cảm của những chiến sĩ tiền đồn với người dân cũng mật thiết như sóng cát bao đời.
Với mô hình “hũ gạo tình thương”, các chiến sĩ còn san sẻ cho người dân cả khẩu phần ăn của mình.
Mỗi tháng, những hộ nghèo trong xã Đức Minh, Đức Phong, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Lợi đều được hỗ trợ 15kg gạo/hộ.
Người dân hưởng ứng, trong chương trình văn nghệ quần chúng “Nâng bước em đến trường” cũng góp 46 triệu đồng cho các chiến sĩ chuyển thành học bổng cho học trò nghèo học giỏi.
Chỉ trong năm 2016, có biết bao nhiêu tình cảm đồn biên phòng Đức Minh dành cho những người dân nơi đây: trao học bổng cho học sinh là Cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện; khám và cấp phát thuốc cho học sinh nghèo hai xã Đức Phú và Đức Lợi; trao tặng 15 xe lăn cho người tàn tật, thương binh, người có công với cách mạng; tổ chức hội trại “Nụ hồng tuổi thơ”...
Và cái mạch ngầm yêu thương, tận tụy với dân vẫn chảy âm thầm, mỗi ngày với những người lính nơi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận