Các tình nguyện viên giúp tìm chỗ che mưa cho hai chị có con nhỏ vào điểm tiếp nhận - Ảnh: Đ.TUYẾT
Ngày 7-10, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nhiều ngày qua, Trường đại học An Giang đã trở thành nơi tiếp nhận, điều phối chỗ nghỉ ngơi cho bà con về quê. Lê Thị Hồng Vân - trưởng nhóm tình nguyện viên của Thành đoàn TP Long Xuyên - cho biết 3 ngày gần đây, lượng người về đã giảm, nên việc điều phối cũng dễ dàng hơn.
"Phụ nữ mới sinh cũng theo đoàn về rất nhiều. Có em bé sinh non, yếu ớt, nhìn thương lắm. Chúng tôi sắp xếp các chị và bé ở tầng trệt để tiện việc đi lại, dễ dàng nhận đồ ăn, nước uống", chị Vân nói.
Vợ chồng chị Néang Sóc Qui ngồi ôm con trai nhỏ đang ngủ tại điểm tiếp nhận trong TP Long Xuyên - Ảnh: Đ.TUYẾT
Cũng trong khuôn viên nhà A, phòng học 110, chiếc bục giảng được kê tạm thành giường ngủ cho hai mẹ con chị Néang Noi (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên). Đứa bé con vừa hơn 1 tháng tuổi nằm lim dim, thỉnh thoảng giật mình vì tiếng bước chân. Gia đình chị được sắp xếp nghỉ tạm lại từ 20h hôm trước, chờ đến trưa hôm sau vẫn chưa được đón về huyện Tịnh Biên. Tinh thần chị có phần lo lắng, mệt mỏi.
Thỉnh thoảng chị Noi lại đi ra hỏi thăm các bạn tình nguyện viên, khi nào thì được lên xe về huyện nhà giống như đồng hương. Mọi người xung quanh khuyên chị cố nén nước mắt, giữ sức khỏe hậu sản cho tốt. Người phụ nữ đầu quấn khăn rằn của dân tộc Khmer, hai bên tai nhét bông gòn tránh gió. Chị yếu ớt chuyền đứa con cho chồng.
"Vợ chồng tôi gom góp những đồng tiền cuối cùng trong nhà để về quê lần này. Phí thuê xe 2 triệu đồng, phí test nhanh COVID-19 cho vợ chồng chị và đứa con 10 tuổi là 700.000 đồng, cộng với phí sinh con gần 10 triệu đồng. Mặc dù không còn tiền, nhưng chỉ mong được về đến nhà cho con một giấc ngủ an ổn, an toàn", chị Néang Noi nói.
Đội tình nguyện viên TP Long Xuyên phát tã, sữa cho các con chị Néang Noi khi về đến điểm tiếp nhận Trường đại học An Giang
Dù khó khăn là vậy, chị Néang Noi vẫn chưa nguôi ý định được đi làm kiếm tiền lo cho hai đứa con. Đợi khi dịch bệnh qua đi, khi chị hết thời gian hậu sản sẽ quay lại Bình Dương làm việc tiếp.
Khi chiếc xe của Công an TP Long Xuyên dừng bánh trước sảnh nhà A, các tình nguyện viên chạy ra khuân vác đồ đạc trên xe, từ cái ti vi, tủ lạnh, quạt máy to đùng đến những bọc đồ dùng lỉnh kỉnh cũng được hỗ trợ mang vào hiên để tạm. Cả xe tải đồ này là của vợ chồng chị Trần Thị Tư (23 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), dường như gia đình nhỏ này đã quyết tâm trở về, mang theo cả "căn trọ" ở phố.
Các bạn tình nguyện viên trải ghế bố cho hai mẹ con nằm nghỉ, trong lúc chồng chị đi lấy cháo và nước nóng về để pha sữa. Chị Tư tâm sự: "Tôi vừa sinh con đầu lòng được 15 ngày, sau đó thuê xe từ Đồng Nai về An Giang với giá 5 triệu đồng. Vì nếu bây giờ không về, sợ rằng sẽ không về được nữa, còn nếu ở lại cũng không còn tiền để đóng trọ. Con tôi chưa đầy tháng, đi về cũng nguy hiểm, khó khăn, nhưng cũng phải ráng thôi, thấy mọi người về thì mình cũng về theo".
Đôi vợ chồng trẻ vừa có con đầu, không biết chăm sóc ra sao, về quê còn có ông bà chăm nom, lo lắng. Nói về dự tính tương lai, đôi vợ chồng này nói cũng chỉ biết đi bước nào tính bước đó.
Phút chợp mắt nghỉ tạm hiếm hoi của một tình nguyện viên - Ảnh: Đ.TUYẾT
Các tình nguyện viên đọc danh sách để phân loại từng địa phương đối với các sản phụ có con nhỏ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận