27/05/2009 05:56 GMT+7

Những dự án tỉ đô... "treo" - Bài 2: "Treo" do đâu?

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Kịch bản “dự án đóng băng” của những năm cuối thập niên 1990 dường như đang quay trở lại đối với nhiều dự án tỉ đô.

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhà đầu tư “chạy vốn” không ra đã đành, trong nhiều trường hợp, cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước cũng thật khó hiểu.

hZtzOdLr.jpgPhóng to
Dự án khu du lịch đa năng Saigon Atlantic Hotel cấp phép năm 2006, tăng vốn lên 4,1 tỉ USD năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai - Ảnh: L.N.M.

Bài 1: Cấp phép, khởi công rồi để đó!

Đi tìm hiểu lý do khiến tiến độ triển khai các dự án bị chậm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi có những điều trong tầm giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng sự việc vẫn tiếp tục đẩy về phía các nhà đầu tư.

Hợp xướng lệch pha

Liên quan đến dự án khu du lịch đa năng Saigon Atlantic Hotel (vốn đầu tư 4,1 tỉ USD) chậm triển khai, một chuyên gia tư vấn đầu tư nhận xét: cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xử lý theo kiểu “trống ai nấy khua, đàn ai nấy khảy”. “Chúng tôi đã phải ba lần điều chỉnh kế hoạch khởi công dự án. Lần này dự định là quý 2 nhưng chưa biết có vấn đề gì nữa không. Với các nhà đầu tư bên Mỹ, mỗi lần thay đổi là cả vấn đề. Cũng may là họ kiên nhẫn và theo đuổi dự án đến cùng” - ông Trần Văn Sơn, phó tổng giám đốc Công ty Winvest Investment, chia sẻ.

Giải thích việc thương thảo với Công ty TNHH Đại Dương xung quanh đất của hai dự án chồng lấn lên nhau, ông Sơn cho rằng quan điểm của Winvest Investment VN là sẵn sàng hỗ trợ các khoản chi phí di dời cho Đại Dương nhưng 18,9 tỉ đồng là quá cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tư, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương, lại khẳng định Winvest Investment VN không có thiện chí giải quyết vấn đề. “Chi phí chúng tôi đã bỏ ra cho dự án thì nay phải được bồi hoàn là chuyện bình thường. Họ nói giá cao nhưng cụ thể bao nhiêu là hợp lý thì lại không cho chúng tôi biết. Việc thỏa thuận chi phí đền bù bế tắc nên chúng tôi đã chủ động đề xuất sử dụng một cơ quan kiểm định độc lập nhưng đến nay phía Winvest vẫn chưa ký hợp đồng với họ” - ông Tư nói.

Việc này, ông Sơn xác nhận đang thương thảo hợp đồng với Công ty cổ phần Thẩm định giá miền Nam, khoảng vài ngày nữa sẽ ký được hợp đồng. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn cho rằng phía nước ngoài chỉ chấp nhận các khoản chi phí vẽ địa chính, địa hình, cắm cột mốc… coi như hỗ trợ việc di dời cho Công ty Đại Dương vì nhà đầu tư đã được cam kết giao đất sạch.

Một điều “lệch pha” nữa khiến dự án này tiếp tục kéo dài, đó là thông tin giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước bị... trục trặc. Thông báo mới đây nhất ghi ngày 11-5, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Công ty Winvest Investment VN hạn chót ngày 30-6 phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, ông Sơn lại khẳng định đã nộp quy hoạch này từ tháng 8-2007, đến tháng 4-2008 đã có một cuộc họp với các sở ngành để xét duyệt quy hoạch này, nhưng đến nay chưa được duyệt.

Chưa duyệt giá đền bù

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tiến độ triển khai trung tâm tài chính quốc tế VN (có vốn đầu tư 960 triệu USD, cấp phép tháng 2-2008), ông Phương Anh Phát, giám đốc phát triển kinh doanh Berjaya Land Berhad tại TP.HCM, cho rằng: “Chúng tôi đang giải ngân đúng tiến độ và sẽ khởi công trong quý 3”.

Tuy nhiên, ông Phát thừa nhận dự án này chậm hơn dự kiến một thời gian do phải thiết kế lại quy hoạch và chờ cấp phép xây dựng. “Trước đây Berjaya thiết kế tổng thể trên tổng diện tích khu đất 10ha, kể cả phần không thuộc dự án, nay phải thiết kế lại chỉ trên phần đất của dự án là 8ha cho hợp pháp!” - ông Phát giải thích. Với khu đô thị đại học quốc tế, ông Phát khẳng định đã ứng trước một phần tiền thuê đất và đã đền bù xong 116ha, riêng với các hộ dân thì do cơ quan quản lý chưa duyệt giá đền bù nên hội đồng đền bù chưa làm việc với người dân.

“Trong tình hình hiện nay, nhà đầu tư nào cũng phải có những bước đi thận trọng. Dự án khu đô thị đại học của chúng tôi được triển khai thành nhiều giai đoạn trong vòng 15 năm. Nhà đầu tư phải cân nhắc chuyện đầu tư từng giai đoạn sao cho có lợi nhất. Điều quan trọng là chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài. Berjaya có nhiều dự án ở VN nên không vì một dự án nào để đánh mất tất cả!” - ông Nguyễn Hoài Nam, tổng giám đốc Berjaya VN, giải thích.

Còn tiếp tục đàm phán

Với dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm 1,2 tỉ USD, được xem như “mô hình Nankang” ở VN do Công ty TNHH TA Associates VN làm chủ đầu tư (liên doanh giữa Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn và Tập đoàn Teco, Đài Loan), ông Huỳnh Ngọc Huy, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn, xác nhận chậm hơn dự kiến. Bởi hiện nay phía nhà đầu tư nước ngoài là Teco (chiếm 80% vốn trong liên doanh) còn phải đàm phán một vài chi tiết nữa với TP.HCM. “Một tháng nữa chúng tôi sẽ có thông tin mới về dự án này” - ông Huy nói.

Tương tự, đối với dự án liên hợp thép Cà Ná, ông Đỗ Hữu Nghị - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho rằng hiện chủ đầu tư chỉ mới chi trả hơn 84 tỉ đồng tiền đền bù để giải tỏa mặt bằng (trong tổng số 130 tỉ đồng) vì vậy dự án chưa tiếp tục được. Ông Nghị cũng cho biết từ nay đến cuối tháng 5, UBND tỉnh sẽ làm việc với Tập đoàn Vinashin để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cũng tỉ đô nhưng triển khai tốt

Trong khi nhiều dự án tỉ đô khác triển khai ì ạch thì hai dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa (tổng vốn giai đoạn một hơn 6 tỉ USD) và dự án khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh (vốn đầu tư giai đoạn một gần 8 tỉ USD) đều triển khai khá tốt.

Có mặt tại khu nền tái định cư của dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa vào giữa tháng 5-2009 vừa qua, chúng tôi chứng kiến quang cảnh sôi động giữa tiếng máy xúc, máy ủi, máy lu san nền tại hai xã Mai Lâm và Nguyên Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Theo anh Tiến - thợ lái máy ủi, công nhân đang khẩn trương làm việc để cuối tháng 5 hoàn tất mặt bằng trên 100ha của khu tái định cư này.

Sau đó 1.200 hộ dân của xã Hải Yến sẽ di chuyển về đây nhường toàn bộ đất đai của xã để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu. Theo ông Trần Chí Thanh - chánh văn phòng Khu kinh tế Nghi Sơn, khả năng cuối năm 2009 tỉnh Thanh Hóa sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, sớm hơn dự định gần một năm. Hiện đã có 500/926ha được bàn giao, riêng mặt bằng nhà máy đã bàn giao 251ha.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Vận, phó ban quản lý Khu công nghiệp Vũng Áng, khẳng định: dự án khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh đang vận hành đúng kế hoạch. Sau tám tháng triển khai, các địa phương đã bàn giao cho dự án được 1.400ha đất sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu đợt 1. Diện tích đất còn lại dự kiến sẽ giao vào cuối tháng 12-2009 đúng theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Khu công nghiệp Vũng Áng, đến thời điểm này ban quản lý dự án đã giải ngân trên 500 tỉ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn một. Còn nhà đầu tư đã hoàn tất khâu rà phá bom mìn, khảo sát địa hình, chuẩn bị tập kết máy móc để san ủi mặt bằng và xây dựng khu hành chính vào đầu tháng 6-2009.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp