Loài báo Amur - Ảnh: Digital ART
Dưới đây là một số loài đang bị đe dọa nghiêm trọng theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) sau cái chết của con tê giác trắng phương Bắc giống đực cuối cùng.
Đười ươi Borneo (Pongo pygmaeus)
Một con đười ươi Borneo 2 tuổi - Ảnh: REUTERS
Đây là loài chỉ sống trên đảo Borneo, hòn đảo lớn nhất châu Á. Loài đười ươi này có khuôn mặt rộng hơn đặc biệt kèm bộ râu ngắn hơn so với đười ươi Sumatra anh em.
IUCN vừa báo động số lượng đười ươi Borneo hiện giảm 60% kể từ năm 1950. Ngoài ra, theo trang Scientific American, số lượng loài đười ươi sẽ giảm thêm 22% nữa vào năm 2025.
Nguyên nhân lớn nhất là do mất môi trường sống và nạn săn bắn trộm. Hơn nữa, khoảng cách giữa 2 lần sinh nở của đười ươi Borneo cái đến 8 năm - lớn nhất trong danh sách những động vật có vú trên cạn, khiến cho số lượng đười ươi ít ỏi nay càng ít ỏi hơn.
Thỏ mặt gấu (Ochontana iliensis)
Con thỏ mặt gấu 20 tuổi được Weidong Li - người đầu tiên tìm ra loài này - chụp vào năm 2014 - Ảnh: Weidong Li
Thỏ mặt gấu chỉ dài khoảng 10-15cm, phân bố chủ yếu tại vùng núi Thiên Sơn, Tân Cương, Trung Quốc.
Vốn chỉ sống trên những vùng núi đá và ăn cỏ ở những vùng vĩ độ cao, loài vật này cực hiếm với chỉ khoảng 1.000 cá thể.
Theo CNN, loài này chỉ vừa được tìm thấy mới đây vào năm 1983 nhưng từ đó đến nay số lượng loài này đã giảm 70%.
Biến đổi khí hậu làm thỏ mặt gấu phải chuyển lên sống ở những vùng cao hơn với nguồn thức ăn ngày càng cạn kiệt làm đe dọa số lượng của chúng.
Rái cá Nam Mỹ (Pteronura brasiliensis)
Một con rái cá Nam Mỹ trên sông Cuiabá - Ảnh: Flickr
Đây là một loài động vật có vú ăn thịt, là "thành viên" lâu đời nhất thuộc họ Chồn phân bố ở miền Bắc, miền Trung của Nam Mỹ, chủ yếu trên sông Amazon và sông Pantanal.
Trước đây, người ta săn bắn rái cá Nam Mỹ để lấy lông khiến số lượng chúng suy giảm nghiêm trọng.
Ngày nay dù người ta không săn bắn nhiều nữa, số lượng loài này vẫn giảm sút vì sông hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến nguồn cá hạn hẹp. Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác vàng trong khu vực cũng ảnh hưởng cuộc sống của rái cá khi thường gây ô nhiễm thủy ngân.
Báo Amur (Panthera pardus orientalis)
Hiện chỉ còn khoảng 60 cá thể báo Amur trong tự nhiên - Ảnh: AP
Báo Amur còn được gọi là báo Mãn Châu, là một động vật ăn thịt hoang dã có nguồn gốc ở khu vực miền núi của rừng Taiga cũng như rừng ôn đới khác tại Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga.
Loài báo này nặng đến 54kg, có thể đạt tốc độ tối đa 60km/h.
Hiện nay, báo Amur chỉ còn khoảng 60 cá thể trong tự nhiên và khoảng 200 ở sở thú. Trong tự nhiên, loài báo này hiện nay chỉ còn sinh sống ở vùng đồng bằng.
Chồn sương chân đen (Mustela nigripes)
Một chú chồn ở thung lũng Aubrey, Arizona, Mỹ - Ảnh: Flickr
Đây là loài động vật có vú trong họ Chồn thuộc bộ ăn thịt, sống chủ yếu ở vùng Bắc Mỹ với nguồn thức ăn chủ yếu là loài cầy thảo nguyên.
Những năm gần đây, do môi trường sống thu hẹp và số lượng cầy thảo nguyên suy giảm đáng kể đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chồn sương chân đen.
Theo IUCN, hiện nay chỉ còn khoảng 300 cá thể chồn sương chân đen trong tự nhiên.
Cáo Darwin (Lycalopex fulvipes)
Loài cáo chỉ sống ở Chile - Ảnh: Flickr
Đây là một loài động vật thuộc họ chó được Darwin phát hiện lần đầu tiên trên đảo San Pedro, ngoài khơi bờ biển Chile vào năm 1834.
Cáo Darwin có chế độ ăn uống đa dạng. Chúng săn các loài động vật có vú, bò sát, bọ cánh cứng, và động vật không xương sống.
Hiện nay loài vật này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mất môi trường sống, nạn săn bắt trộm và do những loài động vật lạ xuất hiện.
Tê giác Sumatra (D. sumatrensis)
Một con tê giác Sumatra cái ở vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia - Ảnh: REUTERS
Còn được biết đến với tên tê giác 2 sừng, đây là loài tê giác có kích thước nhỏ nhất và nhiều lông nhất còn tồn tại.
Trước đây loài tê giác này phổ biến ở Đông Nam Á nhưng hiện chỉ thu hẹp sống ở một số vùng núi ở Malaysia và Indonesia.
Theo WWF, hiện số lượng loài tê giác Sumatra chỉ còn khoảng 220-275 cá thể do nạn săn bắn trộm lấy sừng. Ngoài ra, trong 15 năm qua, chỉ mới 2 cá thể tê giác cái trong các sở thú sinh con càng làm cho tình hình phức tạp.
Tê tê (Pholidota)
Một con tê tê được thả về tự nhiên ở Indonesia năm 2013 - Ảnh: Deepak sankat
Đây là loài vật sống một mình, hoạt động về đêm, cơ thể có vẩy, lưỡi dài có thể hút kiến và mối. Kích thước của chúng chỉ bằng một con mèo nhà.
Hiện chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng ở châu Á và châu Phi bởi nạn giết trộm để lấy thịt và lấy vẩy.
Theo CNN, đây là loài được buôn lậu nhiều nhất trên thế giới, với số lượng ước tính khoảng 100.000 cá thể mỗi năm.
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis)
Sao la là loài cực kì quí hiếm trên thế giới - Ảnh: WWF
Sao la còn được biết đến với tên "Kỳ lân Châu Á", là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi Trường Sơn tại Việt Nam và Lào, được phát hiện năm 1992.
Sao la được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN và sách đỏ Việt Nam.
Theo WWF, vì chúng quá hiếm nên các nhà khoa học mới chỉ nhìn thấy chúng 4 lần. Ngày nay, sao la đang bị đe dọa bởi môi trường sống thu hẹp bởi những hoạt động của con người.
Cá heo California (Phocoena sinus)
Một con cá heo California - Ảnh: NOAA
Đây là một loài cá trong họ Cá heo chuột, chỉ sống trong môi trường giới hạn ở phía bắc vịnh California và được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958.
Loài cá này thường được nhìn thấy trong nước 11-50m sâu, 11-25km từ bờ biển, trên đáy bùn và đất sét.
Theo Hội đồng bảo vệ Cá heo California quốc tế, loài vật này đã giảm 40% kể từ năm 2014. Ngoài ra, cũng do môi trường sống hạn hẹp, chúng rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu làm nguồn thức ăn suy giảm và nơi ở thay đổi.
Khỉ nhện đen Peru (Ateles chamek)
Một chú khỉ tại vườn quốc gia Manu, Peru - Ảnh: Wikimedia Commons
Được tìm thấy chủ yếu ở miền đông Nam Mỹ trên khu vực sông Amazon, số lượng loài vật này đã giảm 50% trong suốt 45 năm qua, theo IUCN.
Loài vật này sống chủ yếu trong những rừng mưa nhiệt đới với nguồn thức ăn chủ yếu là trái cây. Hiện nay chúng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn săn bắn trộm cũng như mất dần môi trường sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận