Hồi ấy được đi làm ở SEA Games là thích lắm. Bởi, khi ấy "xuất ngoại" vẫn còn là một điều không dễ có. Bởi, khi ấy thể thao Việt Nam cũng chỉ mới mở cửa chưa đầy chục năm, thành tích còn hết sức khiêm tốn.
Cụ thể trước đó hai năm, ở SEA Games Chiang Mai 1995, đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ mới có vỏn vẹn 10 HCV, xếp hạng 6 trong bảng tổng sắp huy chương. Nhưng ở Jakarta 1997, đoàn Việt Nam đã có một bước đại nhảy vọt với 35 HCV, vươn lên hạng 5 bảng tổng sắp. Hai môn thể thao góp công lớn đem lại bước đại nhảy vọt về số lượng HCV là wushu với vật (tự do, cổ điển).
1. Nói thiệt lòng, hồi ấy bản thân tôi không khoái môn wushu, vì nghĩ rằng đó là môn thể thao mà Trung Quốc đang mang đi "dụ khị" các quốc gia đang thèm khát thành tích quốc tế. Hồi ấy, wushu Việt Nam có một nhân vật vô cùng nổi tiếng là Nguyễn Thúy Hiền, từng đoạt HCV wushu thế giới.
Tuy thế, nhưng tôi vẫn không mấy hào hứng, dù Thúy HIền rất xinh đẹp, và ở chung khách sạn Ibis với nhóm phóng viên chúng tôi tại Jakarta. Nhưng, thật tình cờ, trong một buổi gặp gỡ ở sảnh khách sạn, tôi giật mình khi tận mắt thấy tay và chân cô đầy những vết bầm xanh tím. Và tôi cũng nghe cô than thở với HLV và đồng đội rằng cả đêm khó ngủ vì đau nhức mình mẩy!
Kể từ đó, tôi không ác cảm với wushu, không phân biệt HCV môn này có giá hay không có giá trị hơn môn khác. Bởi, điều lớn hơn tất cả, đó là sau mỗi chiếc huy chương là những nỗ lực vô bờ, những hy sinh có thể cả tuổi thanh xuân của các VĐV.
Đặc biệt là đối với các nữ VĐV, họ không có một cuộc sống bình thường như bao thiếu nữ khác. Một ví dụ nho nhỏ nhé: Chu kỳ "tới tháng" của họ cũng không tuân theo nhịp sinh hoạt của bản thân mỗi người, mà phải dùng thuốc để điều chỉnh nhằm tránh né lịch thi đấu chẳng hạn…
2. Trong 35 HCV ở Jakarta năm ấy, hai đội vật tự do và vật cổ điển đã đóng góp hơn 1/3 số huy chương. Đây là hai môn cũ người nhưng mới ta, và các võ sĩ được huy động từ nhiều đội tuyển khác. Ví dụ võ sĩ judo Lê Đức Công được chuyển từ judo sang chẳng hạn và anh cũng đã đoạt HCV.
Một điều tôi thấy lạ khi tiếp xúc với nhiều võ sĩ ở hai đội tuyển vật là có rất nhiều bạn có những chiếc tai rúm ró nhìn thật kỳ dị. Hỏi thì mới biết, do đặc điểm của môn vật là các võ sĩ đè nghiến nhau trên thảm, những đôi tai của họ bị chà xát đến mức dị dạng.
Sau này, khi Internet phát triển, đọc nhiều thì tôi mới biết trên thế giới người ta đã có thuật ngữ để gọi về những đôi tai dị dạng ấy của các võ sĩ, đó là Đôi tai súp lơ (dựa vào hình dáng rúm ró của rau súp lơ).
Còn trong làng võ Việt, có người gọi là "tai sủi cảo"! Đôi tai súp lơ này có thể được phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đa phần các võ sĩ đều để y nguyên như vậy (nếu không bị hoại tử) như là một biểu tượng của sự hy sinh gian khổ khi chơi các môn võ vật.
***
Tận mắt chứng kiến những vết bầm trên tay chân Thúy Hiền và những đôi tai súp lơ của các võ sĩ vật; tận tay nghe Hiền than thở với mọi người về những đêm mất ngủ vì đau nhức do tập luyện đã khiến tôi thay đổi về góc nhìn thể thao đỉnh cao: Giá trị ở đó không phải chỉ là những tấm huy chương, mà đó là nghị lực sống, là sự đam mê vô bờ bến, là đức hy sinh cao cả.
"SEA Games 32 trong mắt tôi" - *Bài hưởng ứng, không dự thi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận